BS. Nguyễn Tấn Hạnh -
Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp phổ biến nhất trên thế giới và đang gia tăng theo tuối. Có nhiều nguyên nhân và cơ chế gây ra rung nhĩ, trong đó, cường giáp là một trong những nguyên nhân đã được báo cáo với khoảng 6-28% bệnh nhân xuất hiện rung nhĩ trên lâm sàng. Tuy mối liên hệ giữa cường giáp và rung nhĩ đã được phát hiện từ lâu, nhưng cho đến hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc đang được nghiên cứu do bệnh nhân cường giáp có đặc điểm bệnh sinh khác với những bệnh nhân bình thường. Bài viết này sẽ cung cấp một cách nhìn tổng quan về cơ chế bệnh học và kiểm soát rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp.
1. Cơ chế bệnh sinh
Ở bệnh nhân rung nhĩ nói chung, cơ chế bệnh học được cho là do hoạt động điện học hỗn loạn tạo nên các vòng vào lại nhỏ. Allessie và cộng sự đề xuất giả thuyết bước sóng, có mối liên quan đến thời kỳ trơ tâm nhĩ và tốc độ dẫn truyền điện học. Nếu bệnh nhân có bước sóng dài thì vòng vào lại sẽ không được duy trì và tự chấm dứt. Để rung nhĩ được duy trì, bước sóng phải đủ ngắn để các xung động điện có thể tạo thành những vòng vào lại trong tâm nhĩ. Theo thuyết này, thời kỳ trơ tâm nhĩ, tốc độ dẫn truyền hoặc cả hai phải được giảm đủ để cho phép tạo thành và duy trì vòng vào lại. Các giả thuyết khác liên quan đến cơ chế rung nhĩ bao gồm sự hiện diện của chất nền giải phẫu và sự phát xung động nhĩ bất thường. Sự xuất hiện của bất kỳ các rối loạn kể trên đều đưa tới rung nhĩ, ở bệnh nhân cường giáp, sự gia tăng nồng độ hormone tuyến giáp làm gia tăng số lượng thụ thể beta 1 và M2 tại cơ tim, qua đó làm tăng trương lực giao cảm, nhịp nhanh và làm giảm thời gian trơ của tâm nhĩ. Hormone thuyến giáp cũng làm thay đổi các kênh ion trong tế bào thông qua tác động lên RNA bao gồm:
- Giảm số lượng mRNA mã hóa kênh canxi type L.
- Gia tăng số lượng Kv 1.5 mRNA.
Những thay đổi của các kênh ion trên làm gia tăng dòng ion ra khỏi tế bào và ngược lại giảm dòng ion vào trong tế bào, qua đó rút ngắn thời gian điện thế hoạt động của tế bào cơ tim.
Ở một số thử nghiệm trên chuột, người ta tìm thấy một số ảnh hưởng gây rối loạn nhịp của hormone tuyến giáp như: làm giảm thời gian điện thế hoạt động, gia tăng tính tự động của tế bào cơ tim quanh lỗ đổ vào của các tĩnh mạch phổi, tăng hiện tượng khử cực chậm tâm trương của các tế bào cơ tim. Thông qua những cơ chế trên, các tác giả kết luận hormone tuyến giáp có vai trò sinh rối loạn nhịp do làm gia tăng tính tự động của các tế bào cơ tim tại vị trí lỗ vào tĩnh mạch phổi.
Hình 1. Cơ chế bệnh sinh của rung nhĩ ở bệnh nhân cường giáp