Bs Huỳnh Công -
ĐẶT VẤN ĐỀ
Gần đây, xu hướng kết hôn và sinh con càng ngày càng muộn. Theo Tổng cục thống kê năm 2022, tuổi kết hôn trung bình lần đầu trên cả nước là 26,9 tuổi (nam 27,3 tuổi, nữ 26,5 tuổi). So với năm 2000, con số này đã tăng 4,8 tuổi đối với nam và 3,3 tuổi đối với nữ. Kèm theo đó, mối lo lắng về hiếm muộn cũng ngày càng tăng. Các chị em phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ kết hôn muộn, mong muốn có một chỉ số dự báo về khả năng sinh sản trong tương lai. Trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội, AMH (Anti-Mullerian Hormone) được đưa ra như một chỉ số dự báo đáng tin cậy về chức năng sinh sản phụ nữ. Tuy nhiên AMH có thật sự hiệu quả, chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây.
AMH LÀ GÌ?
Từ những năm 1940, A. Jost đã tìm ra một loại Protein, được hình thành trong tinh hoàn của động vật có vú, bao gồm cả con người và khác với testosterone. Nó các nhiệm vụ làm thoái lui ống Mullerian, nên nó được đặt tên là Anti-Mullerian Hormone (AMH) và hơn 40 năm sau thì AMH và các thụ thể của nó mới được phân lập. AMH hay còn gọi là hormone ức chế Mullerian, là một hormone glycoprotein thuộc siêu họ transforming growth factor beta (TGF-β) nó có vai trò chính là định hình giới tính trong thời kỳ bào thai nam giới và điều hòa quá trình chiêu mộ và phát triển nang noãn ở phụ nữ . AMH là một homodimer peptide, có khối lượng phân tử là 140 kDa, bao gồm hai tiểu đơn vị glycoprotein giống hệt nhau, được nối với nhau bởi các cầu nối disulfide. AMH liên kết với thụ thể loại 2 – AMHR2, thụ thể này sẽ phosphoryl hóa thụ thể loại I – AMHR1 theo con đường tín hiệu TGF-β.
Hình 1. Phân tử AMH liên kết với thụ thể của nó.
(Nguồn: http://www.pymol.org)