Ths Bs Trần Quốc Bảo - Nội TM
Đột quỵ xuất hiện khi có sự tắc nghẽn mạch máu não (nhồi máu não) gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ nhu mô não hay mạch máu não bị vỡ (xuất huyết não) gây chảy máu trong não.
Khoảng 87% đột quỵ là nhồi máu não.
Xuất huyết não chiếm khoảng 13% đột quỵ và chịu trách nhiệm hơn 30 % tử vong do đột quỵ.
Ở Hoa Kỳ, đột quỵ gây tử vong gần 130.000 người mỗi năm và là nguyên nhân dẫn đến TÀN PHẾ nghiêm trọng và lâu dài cho người trưởng thành.
Ước tính có khoảng 7.000.000 người trên 20 tuổi sống sót sau đột quỵ ở Mỹ.
Xấp xỉ 795.000 ca đột quỵ xảy ra mỗi năm, cứ 40 giây thì có 1 người bị đột quỵ và 4 phút thì đột quỵ cướp đi mạng sống của một người.
Chi phí trực tiếp và gián tiếp cho đột quỵ ở Hoa kỳ lên đến 73.7 triệu đô la.
Đột quỵ có thể xảy ra cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào, không phân biệt chủng nòi, giới tính hay tuổi tác.
Theo hai nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y học The Lancet thì số ca đột quỵ ở những người trong độ tuổi từ 20 - 64 đã tăng 25% trong 20 năm qua và hiện chiếm tới 31% tổng số ca bệnh, so với 25% trước năm 1990.
Số bệnh nhân dưới 75 tuổi chiếm 62% số trường hợp đột quỵ mới, 45% số tử vong và 72% số trường hợp bệnh tật và tàn phế.
Các nhà nghiên cứu cho biết mỗi năm có hơn 83.000 người trong độ tuổi 20 trở xuống bị đột quỵ - chiếm khoảng 0,5% tổng số.
Họ cảnh báo rằng sự dịch chuyển trong gánh nặng bệnh đột quỵ sang người trẻ sẽ còn tiếp tục nếu không có những bước đi cấp thiết để hướng người dân tới việc cải thiện lối sống không lành mạnh - chủ yếu là giảm muối, calo, bia rượu và thuốc lá.
Tỷ lệ đột quỵ thoáng qua (TIA) tăng theo tuổi và có đến 40% những người đã bị TIA sẽ tiến triển đến đột quỵ thật sự.
Nhận biết dấu hiệu đột quỵ và hành động nhanh (act FAST) trong cấp cứu đột quỵ có thể cứu sống được người bệnh và giới hạn mức độ tàn phế.
Một số người biết về các triệu chứng của đột quỵ, hãy học chúng và hành động nhanh. Khi chúng xảy ra, sự hiểu biết đó có thể cứu bạn hay những người thân yêu của bạn.
Não là thời gian (Time is Brain) – gọi 115
Hai triệu tế bào não chết đi mỗi phút do đột quỵ làm tăng nguy cơ tổn thương vĩnh viễn tế bào não gây tàn phế hay tử vong.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ hãy gọi cấp cứu 115 hay đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ trong thời gian ngắn nhất.
Hãy sử dụng test nhanh (FAST test) để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ:
F = Face (mặt): bảo bệnh nhân cười xem mặt có bị méo không (liệt mặt)
A = ARMS (tay/chân): yêu cầu bệnh nhân năng cả 2 tay và 2 chân xem có bên nào rơi xuống trước không? (Yếu liệt tay chân)
S = SPEECH (khả năng nói): hỏi bệnh nhân vài câu đơn giản xem bệnh nhân có nói ngọng, nói khó hay không nói được
T = TIME (thời gian) nếu bạn thấy có những dấu hiệu trên hãy gọi 115 ngay
Hướng dẫn phòng ngừa đột quỵ trong cộng đồng
1. Kiểm tra để biết huyết áp của bạn
Nếu tăng huyết áp hãy đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị, kiểm tra huyết áp ít nhất một lần/năm, nếu có tiền sử tăng huyết áp thì cần kiểm tra thường xuyên hơn
2. Tìm hiểu xem bạn có bị rung nhĩ không?
Nếu có rung nhĩ, bạn cần gặp bác sĩ để quản lí nó, rung nhĩ có thê gây ra cục máu đông ở tim và trôi lên não gây tắc mạch não. Bác sĩ có thể phát hiện rung nhĩ bằng cách kiểm tra mạch của bạn cẩn thận
3. Nếu bạn hút thuốc lá, hãy dừng lại ngay.
Thuốc lá tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ, nếu dừng ngay hôm nay, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ giảm xuống
4. Nếu bạn uống rượu bia, hãy có chừng mực
Uống một ly rượu vang hay bia/ngày có thể giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng nếu uống nhiều hơn rượu sẽ trở nên có hại và nếu bạn không uống rượu thì đừng nên bắt đầu
5. Biết chỉ số cholesterol của bạn ( mỡ máu)
Nếu mỡ máu cao, hãy gặp bác sĩ để kiểm soát nó. Giảm mỡ máu có thể giảm nguy cơ đột quỵ, cholesterol cao cũng tăng gián tiếp nguy cơ đột quỵ thông qua việc tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch – một yếu tố nguy cơ quan trọng. Thông thường, cholesterol có thể kiểm soát bằng chế độ ăn hay tập thể dục. Một số trường hợp mới cần dùng thuốc
6. Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường
Hãy trao đổi với bác sĩ để biết chế độ ăn, thay đổi lối sống, và thuốc sẽ giúp bạn khống chế tốt bệnh đái tháo đường
7. Tăng cường tập thể dục như là một thói quen hằng ngày
Đi bộ, bơi lội, hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ đột quỵ
8. Lựa chọn chế độ ăn ít muối và mỡ
Điều này làm giảm huyết áp và quan trọng nhất là giảm nguy cơ đột quỵ
9. Khám bác sĩ nếu bạn có vấn đề về tuần hoàn
Mỡ máu có thể gây nghẽn mạch, một số bệnh như hồng cầu hình liềm, thiếu máu nghiêm trọng, nhịp tim quá chậm cũng có thể gây đột quỵ nếu không được điều trị
10. Hành động nhanh (Act FAST)
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, hãy liên hệ với dịch vụ chăm sóc y tế ngay lập tức.
Nguồn:
1. Miniño, Arialdi, Jiaquan Xu, and Kenneth Kochanek. Deaths: Preliminary Data for 2008. National Vital Statistics Reports (2010) 59.2.
2. American Heart Association. Heart Disease and Stroke Statistics – 2011 Update. Dallas, Texas: American Heart Association; 2010.
3. Stroke 101: Fast Facts on Stroke.
- 12/06/2014 08:34 - Tăng áp lực nội sọ ở bệnh nhân chấn thương sọ não
- 11/06/2014 21:26 - Phối hợp adrenaline, vasopressin và corticoid có…
- 11/06/2014 15:54 - Các bệnh lý tăng troponin tim không do nhồi máu cơ…
- 10/06/2014 10:04 - Nồng độ vitamin C huyết tương thấp liên quan đến x…
- 29/05/2014 13:40 - Khám, đánh giá và thái độ xử trí khi đặt nội khí q…
- 26/05/2014 08:01 - Cập nhật tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường
- 24/05/2014 18:44 - Phù phổi cấp
- 14/05/2014 08:03 - Sử dụng thuốc vận mạch và thuốc tăng co trong điều…
- 27/04/2014 17:52 - Ung thư đại trực tràng (p.7)
- 24/04/2014 09:15 - Carcinome ống tuyến vú tại chỗ