Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh -
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường nên nguy cơ nhiễm bệnh của người mẹ sẽ tăng lên. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng trước và trong thai kỳ là 1 trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tránh rủi ro cho mẹ và bé trong thai kỳ và sau khi sinh.
Nếu người mẹ không may bị mắc một số bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai thì khả năng ảnh hưởng xấu đến bào thai rất cao, thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.
- Bệnh sởi, Rubella: thai nhi có thể bị dị dạng, (90%) bị dị tật não, tim, tai, mắt hoặc không thể tiếp tục phát triển, thai chết lưu, sẩy thai, sinh non.
- Bệnh quai bị: Nếu trong 3 tháng đầu hay 3 tháng cuối mang thai nếu mẹ mắc bệnh quai bị, thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh non.
- Bệnh thủy đậu: giai đoạn sớm của thời kỳ mang thai (tuần thứ 8 – 20) thì bào thai có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Nếu bị thủy đậu ngay trước hoặc sau sinh thì đứa trẻ có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu sơ sinh và có thể tử vong.
- Bệnh cúm: không gây biến chứng nguy hiểm cho bà bầu nhưng lại có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, đặc biệt nếu mẹ bầu bị cảm cúm trong 3 tháng đầu mang thai.
- Bệnh viêm gan B: Trường hợp mẹ bị nhiễm virus viêm gan B thì có khả năng lây cho bé trong quá trình sinh nở. Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan thì khả năng diễn tiến xơ gan, ung thư gan khi trưởng thành rất cao.