BS. CKII Nguyễn Ngọc Võ Khoa –
Sau khi phát hiện ra Helicobacter pylori (H.pylori), hệ thống phân loại Sydney được đề xuất năm 1991 về viêm dạ dày mạn. Hệ thống phân loại này bao gồm phần mô học và nội soi, về phần mô học đã được chấp nhận rộng rãi và được sử dụng trên toàn thế giới. Ngược lại, các đặc điểm nội soi tương ứng với kết quả mô học chưa được xác định trong phần nội soi và chẩn đoán nhiễm H.pylori ở niêm mạc dạ dày bằng các đặc điểm nội soi chưa được xác định.
Với những tiến bộ của nội soi cho phép quan sát chi tiết niêm mạc dạ dày. Hiện nay, nội soi được sử dụng chẩn đoán viêm dạ dày và xác định có hoặc không có tình trạng nhiễm H.pylori và đánh giá nguy cơ ung thư dạ dày. Năm 2013, hội nội soi Tiêu hóa Nhật Bản xây dựng phân loại Kyoto, một hệ thống phân loại mới cho viêm dạ dày trên nội soi và được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng gần đây trên toàn thế giới. Phân loại Kyoto tập hợp các dấu hiệu nội soi liên quan đến nhiễm H.pylori. Điểm phân loại Kyoto là tổng điểm của năm dấu hiệu nội soi (teo, dị sản ruột, phì đại các nếp niêm mạc, dạng nốt (có nhiều nốt nhỏ) và đỏ lan tỏa có hoặc không có sắp xếp đều đặn của các mao mạch góp: RAC (Regular arrangement of collecting)) và dao động từ 0 đến 8. Teo, dị sản ruột, phì đại các nếp niêm mạc và dạng nốt góp phần vào nguy cơ ung thư dạ dày. Đỏ lan tỏa và sự sắp xếp đều đặn của các mao mạch góp liên quan đến tình trạng nhiễm H. pylori. Phân loại sử dụng với bệnh nhân không có tiền sử tiệt trừ H.pylori, tỷ lệ nhiễm khi có điểm Kyoto 0, 1 và ≥ 2 lần lượt là 1,5%, 45% và 82%. Điểm phân loại Kyoto bằng 0 nghĩa là không nhiễm H.pylori và dạ dày bình thường. Điểm phân loại Kyoto ≥ 2 cho thấy hiện đang nhiễm H.pylori gây viêm dạ dày. Điểm phân loại Kyoto khi có và không có ung thư dạ dày lần lượt là 4,8 và 3,8. Điểm phân loại Kyoto ≥ 4 cho thấy viêm dạ dày có nguy cơ ung thư dạ dày.