Bs Nguyễn Thái Nguyên - Khoa Cấp cứu
Nước là một loại tài nguyên quý giá và đặc biệt quan trọng đối với sự sống trên trái đất, là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển tự nhiên. Chính vì vậy, việc bảo vệ, gìn giữ tài nguyên nước cần phải đặc biệt quan tâm, nếu không thì dự báo trong tương lai gần tài nguyên nước sẽ cạn kiệt, không đáp ứng đủ nhu cầu cấp thiết của con người. Bảo vệ tài nguyên nước là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Cùng với khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, thì việc tiết kiệm nước hay tái sử dụng nước cho nhiều mục đích khác nhau, cần phải được chú trọng ứng dụng để bảo vệ tài nguyên này cho thế hệ mai sau.
Thủy điện Đak mi 4 vào mùa khô
Quảng Nam là một tỉnh nằm ở trung Trung Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung. Địa hình Quảng Nam có độ dốc lớn và nghiêng dần từ Tây sang Đông, đặc biệt được bao quanh bởi các dãy núi cao, phân cắt mạnh ở phía Bắc, Tây và Nam, Quảng Nam cũng là một tỉnh có lượng mưa lớn nhất của cả nước trên 2.000mm/năm (có nơi như vùng Ngọc Linh lượng mưa đến 5.000 mm/năm, Trà My trên 3.000 mm/năm), nên trữ lượng nước tiềm năng dưới đất của tỉnh được đánh giá là khá phong phú. Nhưng do địa hình Quảng Nam có độ, chia cắt bởi các nhánh sông của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn nên khu vực trung du, miền núi trữ lượng nước ngầm rất ít, chủ yếu tập trung khu vực đồng bằng ven biển.
Thủy điện Đak mi 4 vào mùa mưa
Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp tỉnh “Giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện từ năm 2014 - 2016, thì lượng nước mưa rơi trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam khoảng 30.700.000.000 m3/năm, trong khi đó tổng lượng bốc hơi trên toàn diện tích bề mặt của tỉnh là 8.784.000.000 m3/năm. Như vậy, tổng tài nguyên nước mưa trên địa bàn tỉnh hiện nay ước tính khoảng 21.916.000.000 m3/năm.
Với lượng nước mưa dồi dào như kết quả tính toán ở trên, cộng thêm địa hình có độ dốc lớn, nên trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam phát triển nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 42 dự án thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt, trong đó có 17 công trình đã phát điện với tổng công suất 1.030,96MW; điện lượng bình quân năm 3.921,85 triệu kWh/năm, 09 công trình đang xây dựng và 16 công trình đang rà soát chuẩn bị đầu tư. Các công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hiện nay đang vận hành theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 07/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Trái với tiềm năng nước mặt, tỉnh Quảng Nam có nguồn nước ngầm khá nghèo nàn và phân bố tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bằng ven biển, một số xã thuộc vùng đồng bằng duyên hải. Tại các huyện Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Thành phố Hội An và Thành phố Tam Kỳ có nguồn nước ngầm tương đối phong phú và chất lượng nước tương đối tốt, còn lại một số xã ven biển, gần các cửa sông lớn thì nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn khá nghiêm trọng. Trữ lượng khai thác tiềm năng nguồn nước ngầm vùng đồng bằng của tỉnh theo tính toán khoảng 133.250m3/ngày. Do đó, việc khai thác nước dưới đất cần căn cứ vào điều kiện địa chất thủy văn và nhu cầu từng vùng cụ thể để áp dụng các loại hình công trình khai thác phù hợp. Đồng thời, hạn chế và tránh khai thác một cách bừa bãi gây lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Quảng Nam là một trong những tỉnh thực hiện tốt việc quản lý, khai thác tài nguyên nước, nhằm mục đích phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn của tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi, dung tích hữu ích 497,46 triệu m3; cùng hệ thống kênh mương tương đối hoàn chỉnh, đã chủ động tưới trên 80% diện tích cây trồng.
Tài nguyên nước của tỉnh tuy phong phú, nhưng lại phân bổ và biến đổi rất không đều theo cả thời gian và không gian. Trong khi đó nhu cầu dùng nước ngày càng tăng, diện tích bổ cập cho nước dưới đất đang dần bị thu hẹp; việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cho cây trồng diễn biến phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, nước biến dâng và tai biến địa chất ngày càng thể hiện rõ nét . . . Chính vì vậy, trong thời gian đến công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước cần phải có giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, cần phải tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, có như vậy mới bảo vệ bền vững được nguồn tài nguyên vô giá này.
- 29/03/2017 10:30 - Chấn thương sọ não và huyết áp – một sự chuyển đổi…
- 26/03/2017 14:14 - Bệnh viêm gan B
- 13/03/2017 08:58 - Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ trên bệnh nhân suy …
- 11/03/2017 06:12 - Nước và sức khoẻ của bạn
- 05/03/2017 19:07 - Xạ trị ung thư thanh quản
- 02/03/2017 11:21 - Các dạng bệnh vảy nến thường gặp và cách nhận biết
- 02/03/2017 11:20 - Một số bài thuốc chữa mề đay từ cây cỏ dễ kiếm
- 02/03/2017 11:19 - Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống lưng và cách ph…
- 02/03/2017 11:18 - Thoái hóa khớp gối ở người già - Cách điều trị và …
- 02/03/2017 11:17 - Bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1 là gì? Phương pháp điề…