Ds Nguyễn Thị Mai - Khoa KSNK
Trong bệnh viện cán bộ, nhân viên ngành Y tế là những người thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm khuẩn, dịch bệnh dễ lây lan làm tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp. Đồng thời nhân viên y tế không chỉ là những người có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn mà còn là nguồn lan truyền nhiễm khuẩn cho người bệnh. Vì vậy cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều phải được bảo vệ thông qua các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) đã được khuyến cáo để phòng tránh mắc hoặc truyền các nhiễm khuẩn bệnh viện.
1. Các chính sách phòng ngừa:
Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn ở nhân viên y tế(NVYT) nhằm đạt 3 mục đích: sức khỏe của NVYT, cải thiện môi trường làm việc và giảm nhiễm khuẩn bệnh viện(NKBV).
Tuyên truyền giáo dục là một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao sự tuân thủ các hướng dẫn và các biện pháp phòng ngừa. Mọi NVYT cần phải biết các nguy cơ nhiễm khuẩn và đường lan truyền các tác nhân gây bệnh. Vệ sinh các nhân là biện pháp cơ bản trong phòng chống lan truyền các tác nhân gây bệnh tới người bệnh và NVYT.
Áp dụng biện pháp gây miễn dịch chủ động cho NVYT để phòng ngừa các tác nhân gây bệnh như virus viêm gan B. Phòng ngừa nhiễm khuẩn ở NVYT cũng cần chú ý phòng ngừa lan truyền từ NVYT tới người bệnh. Đánh giá kịp thời và thiết lập các biện pháp kiểm soát thích hợp đối với những bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Khi quyết định lựa chọn các biện pháp KSNK cần thiết thì cần chú ý đến loại công việc của NVYT, nguy cơ phơi nhiễm và tác nhân lây nhiễm. Để đánh giá nguy cơ truyền bệnh cần chú ý tới những điểm sau:
- Khả năng, số lượng, mức độ và thời gian tiếp xúc với nguồn nhiễm khuẩn
- Tính lây nhiễm của VSV gây bệnh, bao gồm cả VSV đó tồn tại ở trên đồ vật, dụng cụ
- Các quy trình và các bước NVYT đã áp dụng để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
2. Một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp của nhân viên y tế
a. Các nhiễm khuẩn da
Tụ cầu vàng: Vi khuẩn lan truyền qua các tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc ít phổ biến hơn là qua các vết tróc của da. Những NVYT bị tổn thương da do tụ cầu (ví dụ như bị mụn nhọt hoặc các tổn thương khác ở da) dễ lây truyền bệnh cho người khác hơn là những người mang vi khuẩn ở mũi. Tùy thuộc vào nhiệm vụ công tác của từng NVYT mà đề ra các biện pháp hạn chế công việc.
Trong khoảng thời gian có nhiều người mắc bệnh do tụ cầu hoặc trong các vụ dịch do tụ cầu vàng kháng methicilin (MRSA) thì cần xác định những người mang bệnh (người bệnh và NVYT) bằng phương pháp nuôi cấy phân lập vi khuẩn.
Liên cầu khuẩn nhóm A: (GAS) là một tác nhân gây bệnh ở da và hầu họng. Các ổ chứa vi khuẩn khác là hậu môn và đường sinh dục nữ. Phương pháp lan truyền chủ yếu là qua các tiếp xúc trực tiếp và qua các hạt lớn đường hô hấp. Cần tiến hành điều tra khi thấy sự gia tăng các nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A, tập trung phát hiện những NVYT mang vi khuẩn. Những NVYT đang mắc bệnh nhiễm khuẩn liên cầu A cần phải được nghỉ việc cho đến 24 giờ sau khi được điều trị và nuôi cấy phân lập âm tính. Hầu hết các nhiễm khuẩn xảy ra ở các vùng miệng, mặt và được lây truyền thông qua các tiếp xúc trực tiếp. Nước bọt cũng có thể bị nhiễm vi rút. Bởi vì đường lây truyền chủ yếu là qua bàn tay bị ô nhiễm sau các tiếp xúc trực tiếp nên rửa tay và khử khuẩn bàn tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh là phương pháp phòng ngừa lây lan quan trọng nhất. Các tổn thương Herpes simplex ở ngón tay (chín mé do ecpet) là một bệnh nghề nghiệp ở NVYT do phải tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch bị ô nhiễm ( ví dụ nhưng các chất tiết âm đạo hoặc các tổn thương da). Những NVYT bị chín mé do ecpet cần phải đi găng để phòng ngừa lan truyền vi rút sang người bệnh. Khi chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng, ví dụ như trẻ sơ sinh, bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng, bỏng nặng hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, những NVYT đang bị nhiễm trùng ecpet cần phải được xem xét nghỉ việc tạm thời
b. Các bệnh đường tiêu hóa:
Bệnh tiêu chảy: Sự lan truyền của hầu hết các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy ở NVYT là thông qua các tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, vệ sinh bàn tay sạch, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh là biện pháp quan trọng nhất, NVYT đang mắc các bệnh tiêu chảy cấp không được chăm sóc bệnh nhân cho đến khi khỏi bệnh. Thậm chí sau khi mắc bệnh tiêu chảy cấp, NVYT có thể mang mầm bệnh trong một thời gian.
Viêm gan A: Viêm gan A ít khi xảy ra dưới dạng một nhiễm trùng bệnh viện. Phòng ngừa lan truyền bệnh thông qua các biện pháp vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay.
c. Các bệnh đường hô hấp:
Bệnh cảm cúm: Bệnh cảm cúm ở người lớn thường do các virus á cúm, adenovirus, rhinovirus hoặc các virus hợp bào đường hô hấp gây ra. NVYT là nguồn truyền bệnh quan trọng cho người bệnh. Để phòng chống sự lan truyền, những NVYT đang bị bệnh cần phải rửa tay cẩn thận trước khi tiếp xúc với người bệnh. Sử dụng khẩu trang sẽ rất hữu ích trong việc phòng chống sự lan truyền do những hạt hô hấp lớn khi tiếp xúc gần. Sử dụng thường xuyên găng tay cũng không có tác dụng phòng ngừa rõ, ngay cả khi có sử dụng găng tay thì cũng phải rửa tay sau khi tháo găng.
Bệnh cúm: Đã có nhiều vụ dịch cúm xảy ra trong các bệnh viện. Bệnh có thể lây truyền từ NVYT tới các NVYT khác và tới người bệnh. Từ người bệnh đến NVYT và tới các bệnh nhân khác. Cần triển khai chương trình gây miễn dịch dự phòng bằng vaccine khoảng vài tuần trước khi mùa dịch cúm.
Bệnh lao: Mọi NVYT thông báo có các triệu chứng nghĩ tới bệnh lao cần phải được khám lâm sàng và kiểm tra X- quang phổi. Sau khi xác định một NVYT mắc bệnh lao cần tiến hành kiểm tra xem những người tiếp xúc. Biện pháp cách ly nghỉ việc cần phải được áp dụng triệt để. NVYT cần được nghỉ việc và được điều trị cho đến khi xét nghiệm đờm âm tính mới được trở lại công tác. Cần phải tiêm phòng vaccine BCG cho mọi NVYT có phản ứng Mantoux âm tính trừ khi trước đó đã tiêm phòng hoặc ở những bệnh viện ít có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh lao.
d. Các bệnh đường máu
Quản lý NVYT bị nhiễm các tác nhân gây bệnh theo đường máu, đặc biệt với HIV gần đây được Bộ y tế khuyến cáo. Dự phòng nhiễm trùng được dựa trên các biện pháp KSNK nhằm tránh tiếp xúc với máu từ người bệnh sang NVYT và từ NVYT sang người bệnh. Các biện pháp này bao gồm áp dụng dự phòng cơ bản, thực hành rửa tay, giảm thiểu tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết có dính máu và coi mọi nguồn máu đều có nguy cơ lây nhiễm.
Viêm gan B: Gây miễn dịch bằng vaccine viêm gan B là biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh viêm gan B ở NVYT. Mỗi bệnh viện cần phải có một chiến lược gây miễn dịch dự phòng bệnh này bằng vaccine. Những NVYT đang bị bệnh giai đoạn cấp tính hoặc những người mang virus là những người có nguy cơ cao làm lây nhiễm cho người khác. Nguy cơ lây truyền virus viêm gan B cao hơn nhiều so với viêm gan C và HIV.
Mặc dù đã áp dụng tốt các biện pháp KSNK, các phẫu thuật cắt bỏ tử cung sinh dục và phẫu thuật tim thường liên quan tới sự lây truyền HBV. Với các phẫu thuật này, cơ hội xảy ra tổn thương do vật sắc nhọn vẫn thường cao nhất. Trước thời điểm gia tăng các biện pháp KSNK, nguy cơ lan truyền HBV cũng thường xảy ra ở các thủ thuật răng miệng. Những NVYT có HbeAg dương tính thường dễ làm lây truyền HBV nhất. Đường lây truyền khác cũng có thể gặp là những NVYT mang HbsAg có tổn thương viêm da xuất tiết ở vùng da hở có nguy cơ tiếp xúc người bệnh.
Những NVYT có HbeAg dương tính thường không nên tham gia vào các phẫu thuật tim mạch hoặc sản phụ khoa và các thủ thuật răng miệng. Nguy cơ làm lan truyền HBV cho người bệnh mặc dùng đã áp dụng tốt các biện pháp KSNK, do vậy những NVYT có HbsAg dương tính cần phải thường xuyên đi 2 đôi găng ở bất cứ thủ thuật nào mà máu hoặc dịch tiết cơ thể của họ có thể tiếp xúc với người bệnh. Khi người bệnh tiếp xúc với máu hoặc dịch của NVYT thì cần phải tiến hành các xét nghiệm sàng lọc các căn nguyên gây bệnh theo đường máu cho các NVYT đó.
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus viêm gan C (HCV). Nguy cơ lây truyền HIV thấp hơn khoảng 100 lần so với HBV, nguy cơ lây truyền HCV tháp hơn khoảng 50 lần so với HBV.
NVYT nhiễm HIV hoặc HCV cần áp dụng triệt để các biện pháp dự phòng cơ bản nhằm giảm tối đa nguy cơ lây bệnh cho người khác. Không nên ngăn cấm những NVYT bị nhiễm HIV hoặc HCV thực hiện các hoạt động chăm sóc người bệnh, không cần thiết phải định kỳ tiến hành sàng lọc HIV và HCV cho các NVYT trừ trường hợp khẳng định chắc chắn một bệnh nhân bị phơi nhiễm với nhóm máu hoặc dịch tiết cơ thể của NVYT.
HIV/AIDS: xác xuất các lây truyền HIV sau một phơi nhiễm nghề nghiệp tùy thuộc vào nồng độ virus, ngõ phơi nhiễm( ví dụ có sự khác biệt giữa kim đâm và văng phải máu) độ nặng của phơi nhiễm và một hay nhiều virus tham gia vào phơi nhiễm.
Nhân viên y tế dù ở bất kỳ chuyên khoa nào cũng đều có nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh. Mỗi nhân viên y tế cần nâng cao ý thức phòng, tránh phơi nhiễm bệnh không chỉ bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình mà còn mang lại sự an toàn cho cả người bệnh. Vì vậy, trong công tác phòng, tránh phơi nhiễm cần sử dụng các phương tiện dự phòng và thực hiện đúng các quy trình phòng ngừa chuẩn.
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn – Bộ Y Tế
- Sổ tay kiểm soát nhiễm khuẩn khu vực châu Á- Thái Bình Dương – NXb Y Học
- Quy định số: 3671/QĐ-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ Y Tế Ban hành 6 hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn.
- 19/09/2016 19:03 - Haemophilus Influenzae
- 18/09/2016 19:26 - Hội chứng phế quản
- 18/09/2016 19:02 - Ung thư dạ dày
- 14/09/2016 14:32 - Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vì sự an…
- 14/09/2016 14:16 - Đạo đức trong y học lâm sàng
- 01/09/2016 13:39 - Tắc ống lệ mũi bẩm sinh
- 23/08/2016 20:50 - Kỹ thuật điều chế tủa lạnh
- 23/08/2016 17:08 - Virus Dại (Rabies virus)
- 17/08/2016 19:43 - Từ khóa của đơn vị tính và cách viết tắt
- 07/08/2016 08:04 - Rong kinh rong huyết