• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tầm quan trọng của dinh dưỡng lâm sàng

  • PDF.

Phòng Điều dưỡng

Con người cần được cung cấp các chất dinh dưỡng để tồn tại, hoạt động và phát triển. Các chất tiêu hóa phải qua một quá trình tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa và đào thải. Một chế độ ăn cân đối, hợp lý rất quan trọng và cần thiết đối với con người.

Dinh dưỡng cho người bệnh chính là ăn điều trị.

Ăn điều trị là một bộ phận không thể thiếu được trong các biện pháp điều trị tổng hợp. Thức ăn cần phải được xem như thuốc, đảm bảo chế độ ăn trong điều trị phải được thực hiện nghiêm túc. Dinh dưỡng là một yếu tố điều trị chủ yếu. Dinh dưỡng làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa bệnh không tiến triển hoặc chuyển sang mạn tính.

andieutri1

Ăn điều trị có tác dụng trực tiếp tới nguyên nhân gây bệnh như bệnh thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, loét dạ dày, rối loạn Lipid máu,...

Ăn điều trị làm tăng sức đề kháng chung của cơ thể, có tác dụng phòng bệnh chống lại bệnh tật đặc biệt ở những người bệnh bị nhiễm độc và nhiễm khuẩn.

Ăn điều trị ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thần kinh thể dịch. Khi cơ chế này bị rối loạn sẽ gây rối loạn ở một số cơ quan, sự rối loạn này thường kèm theo các rối loạn thực thể. Ví dụ như những người bệnh bị tăng độ toan dịch vị thường bị ợ chua, đau vùng thượng vị, có cảm giác co thắt ở ngực. Nếu người bệnh ăn giảm những thức ăn có acid, chia nhỏ nhiều bữa ăn gần nhau thì tăng tiết dịch vị cũng mất đi, từ đó người bệnh sẽ giảm các triệu chứng nói trên.

Ăn điều trị có vai trò trong phục hồi cơ thể, đặc biệt đối với người bệnh sau mổ, bỏng, suy dinh dưỡng, thở máy dài ngày,...

Ăn điều trị có vai trò lớn trong một số bệnh chuyển hóa: Đái tháo đường, Rối loạn Lipid, Gout,... việc tuân thủ chế độ ăn giúp người bệnh mắc Gout tránh được đợt cấp, tái phát hay chuyển sang mạn tính.

Chính vì vậy dinh dưỡng đúng và đủ là hết sức cần thiết. Nếu để người bệnh tự ăn, người bệnh có thể ăn ngon miệng, no bụng hoặc đói ăn không cân đối (thiếu hay thừa dinh dưỡng) đều ảnh hưởng tới sức khỏe và kết quả điều trị.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng mọi cán bộ y tế đều phải có trách nhiệm giải thích cho người bệnh để họ tự nguyện thực hiện y lệnh ăn giống như thuốc.

Trong năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011/TT-BYT Hướng dẫn công tác chuyên môn về dinh dưỡng tiết chế và Thông tư 07/2011/TT-BYT Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện đã nhấn mạnh về chế độ dinh dưỡng tiết chế cho người bệnh. Qua đó các cơ sở y tế cần làm tốt hơn công tác tổ chức dinh dưỡng trong bệnh viện như: đối với người bệnh ngoại trú được khám, tư vấn về dinh dưỡng; người bệnh nội trú cần theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và điều trị bằng chế độ ăn bệnh lý‎ phù hợp. Công tác giáo dục truyền thông về dinh dưỡng tiết chế được triển khai đồng bộ, thống nhất các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm và phổ biến cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện thực hiện chế độ ăn bệnh lý và an toàn thực phẩm.

Tổ chức mạng lưới dinh dưỡng tại tất cả các khoa, phòng xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, bình xét thi đua khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác dinh dưỡng

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 18 Tháng 6 2013 20:56

You are here Tin tức Y học thường thức Tầm quan trọng của dinh dưỡng lâm sàng