• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Helicobacter Pylori

  • PDF.

CN Dương Thị Thảo- khoa Vi Sinh

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý nội khoa thường gặp, dễ chuyển thành bệnh mãn tính và có tỷ lệ bệnh chuyển thành ung thư dạ dày. Bệnh không chỉ gây ra các cơn đau khó chịu mà còn có thể đưa đến những biến chứng cấp đe dọa tính mạng do chảy máu ở dạ dày như nôn ra máu, đi cầu phân đen hoặc thủng dạ dày.

Bệnh có thể điều trị được nếu được điều trị sớm, đúng tác nhân gây bệnh. Ước tính có khoảng 7% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh

Các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng

- Bia, rượu, hút thuốc lá.

- Thực phẩm cay, nóng.

- Stress.

- Sử dụng thuốc chống viêm không steroide dài ngày.

- Vi khuẩn  Helicobacter pylori.

Trước đây, người ta vẫn quan niệm rằng dạ dày là môi trường không có vi khuẩn do độ pH quá acid của nó. Mãi đến năm 1979, Warren đưa ra giả thuyết chính vi khuẩn là căn nguyên gây ra viêm loét dạ dày- tá tràng.

Năm 1981 Marsall bắt đầu tìm ra phương pháp phân lập vi khuẩn này và đến năm 1982 ông đã nuôi cấy thành công, năm 1983 ông chính thức công bố vi khuẩn này trên tạp chí Lancet (Paris) với tên gọi là Helicobacter pylori.

Đặc điểm sinh vật học

Vi khuẩn Helicobacter pylori

hp1

. H.pylori là vi khuẩn gram âm, rất di động.

Vi khuẩn đòi hỏi điều kiện vi hiếu khí (nên nó sống rất sâu ở niêm mạc dạ dày).

Vi khuẩn sinh men urease mạnh.

Urease dương tính mạnh là tính chất dùng để phân biệt H.pylori với các vi khuẩn khác.

Cơ chế gây bệnh

H.pylori rất di động, xâm nhập qua lớp chất nhầy và xâm lấn biểu mô dạ dày, đặc biệt là khoảng gian bào. Vi khuẩn sản sinh urease rất mạnh, enzym này có hoạt tính phân giải urê thành amoniac. Urê là sản phẩm chuyển hóa của các mô tế bào, chúng vào máu một phần và được đào thải ra ngoài qua thận. Một lượng urê từ máu qua lớp niêm mạc dạ dày vào dịch dạ dày. Amoniac có phản ứng kiềm làm tăng tạm thời pH tại chỗ đến khoảng 6, và giúp cho vi khuẩn sống sót được.

Ngoài ra amoniac còn gây độc trực tiếp đối với tế bào niêm mạc dạ dày. H.pylori còn làm giảm chất nhầy bảo vệ thành dạ dày cho nên acid dịch vị tác động trực tiếp lên thành dạ dày. Sự phối hợp nhiều yếu tố gây nên viêm loét dạ dày. Trên những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày- tá tràng có thể phân lập được H.pylori với tỷ lệ 80%- 90% trường hợp.

Helicobacter pylori lây chủ yếu qua đường ăn uống, vi khuẩn có thể lây qua nước bọt, phân, dịch tiêu hóa, trong những gia đình có thói quen ăn uống chung...Sự lây nhiễm có thể xảy ra khi dùng thức ăn, nước uống không sạch có chứa vi khuẩn Helicobacter pylori, đặc biệt là khi nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh như nước sông, hồ v..v và điều này cũng lý giải tại sao ở các quốc gia đang phát triển, khi mà điều kiện vệ sinh môi trường còn thấp, thì tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori rất cao, ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori khoảng 70%.

Các phương pháp chẩn đoán:

Có nhiều phương pháp (test) để chẩn đoán, có thể chia thành hai nhóm:

Nhóm các test xâm phạm gồm 

- Test urease trên mảnh sinh thiết  (Biopsy Urease Test BUT): độ nhạy 89%-98%, độ đặc hiệu 100%.

- Mô học: độ nhạy 93%, độ đặc hiệu 87%.

- Nuôi cấy: là test tốt, nhưng kỹ thuật phức tạp thường được áp dụng khi điều trị H.pylori thất bại để tìm sự nhạy cảm của kháng sinh.

- PCR: độ nhạy 94%-100%, độ đặc hiệu 100%.

Nhóm các test không xâm phạm 

- Tìm kháng thể IgG trong huyết thanh: rẻ tiền và đáng tin cậy, tuy nhiên có nhược điểm là sau khi điều trị H.pylori hàm lượng IgG chỉ giảm dần, phải 6-12 tháng sau mới hết, do đó không nên sử dụng test huyết thanh để xác định kết quả điều trị H.pylori.

- Test urê trong hơi thở (Urea Breath Test UBT) độ nhạy 90%-100%, độ đặc hiệu 88%-100%, dựa vào phản ứng giữa urê trong hơi thở với đồng vị Carbon.

UBT được xem xét là test tốt nhất để xác nhận sự diệt H.pylori 4 tuần lễ sau điều trị. Có thể xảy ra âm tính giả nếu điều trị ức chế tiết dịch vị kéo dài hoặc mới kết thúc điều trị.

  • Cơ chế của test UBT:

hp2

  • Vi khuẩn H.pylori có đặc điểm là sản sinh ra urease, men này khi gặp urê  sẽ thủy phân thành NH3 và CO2..

Chỉ cần cho bệnh nhân đau dạ dày uống một viên thuốc Urê 14C, khi vào dạ dày gặp urease do H.pylori sinh ra, urê sẽ bị thủy phân thành NH314CO2, 14CO2 bị hấp thu vào máu và bị đẩy qua phổi.

Sự có mặt một lượng CO2 trong hơi thở bằng thiết bị đo 14C phóng xạ sẽ giúp cho việc chẩn đoán vi khuẩn H.pylori.

Phòng bệnh và điều trị

Phòng bệnh 

- Phòng bệnh chung: nâng cao đời sống cho người dân, trong đó vệ sinh môi trường đóng vai trò quan trọng vì bệnh chủ yếu lây qua đường phân miệng. Vì vi khuẩn lây qua đường tiêu hóa, để hạn chế tái nhiễm nên sử dụng nguồn nước sạch, tuân thủ những nguyên tắc vệ sinh trong ăn uống như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, không dùng chung ly, chén... Đối với trẻ em, không nên dùng miệng thổi thức ăn còn nóng, nhai mớm... vì nước bọt sẽ văng vào thức ăn làm lây bệnh cho bé.

- Phòng bệnh đặc hiệu: dùng vắcxin.

Hiện nay một loại vắcxin phòng bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng đang được các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm và thực nghiệm, hy vọng trong tương lai gần sẽ có vaccine để phòng bệnh này.

Điều trị 

Hiện nay, trong điều trị viêm loét dạ dày-tá tràng, ngoài sử dụng thuốc kháng tiết, người ta còn dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn H.pylori, thường dùng hai loại kháng sinh phối hợp như Metronidazol hoặc Tinidazol với Amoxicillin hoặc Clarithromycin thì hiệu quả tác dụng tốt hơn là dùng một loại kháng sinh.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 11 Tháng 6 2013 20:10

You are here Tin tức Y học thường thức Helicobacter Pylori