• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Nhiễm COVID -19 ở bệnh nhân đái tháo đường

  • PDF.

BS. CKII Lê Tự Định -

GIỚI THIỆU

COVID-19 (Bệnh coronavirus-2019) là do coronavirus SARS-CoV-2 (hội chứng hô hấp cấp tính nặng coronavirus-2), thời điểm hiện tại bệnh đã đã lây lan nhanh chóng đến hơn 200 quốc gia trên thế giới, với trên 1,1 triệu trường hợp nhiễm bệnh và hơn 60 nghìn trường hợp tử vong trên toàn cầu. Cơ chế lây lan của virus là chủ yếu bằng cách truyền các giọt hô hấp giữa người với người. Thời gian ủ bệnh trung bình 6 - 8 ngày, sau đó là 1- 2 tuần không có triệu chứng. Bệnh được đặc trưng bởi một loạt các triệu chứng bao gồm ho, sốt, đau cơ và các vấn đề về hô hấp như viêm phổi do virus và suy hô hấp. Trong những trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi bắt đầu phát bệnh đến khi nhập viện trung bình là 6-7 ngày. Một tỷ lệ người nhiễm bệnh không có triệu chứng (dù vẫn còn nhiễm trùng) hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

daiuongcovid

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ MỘT YẾU TỐ NGUY CƠ

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một yếu tố nguy cơ nhập viện và tử vong của bệnh nhân nhiễm trùng COVID-19. ĐTĐ là bệnh kèm theo ở 22% trong số 32 trường hợp tử vong trong một nghiên cứu trên 52 bệnh nhân được chăm sóc tích cực. Trong một nghiên cứu khác trên 173 bệnh nhân mắc bệnh nặng, 16,2% mắc ĐTĐ và trong nghiên cứu khác trên 140 bệnh nhân nhập viện, 12% mắc ĐTĐ. Khi so sánh bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt và không được chăm sóc đặc biệt với COVID-19, dường như có sự gia tăng gấp đôi về tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt mắc bệnh tiểu đường.Tỷ lệ tử vong dường như cao hơn gấp ba lần ở những người mắc ĐTĐ so với với tỷ lệ tử vong chung của COVID-19 tại Trung Quốc.

Số lượng bệnh đồng mắc là một yếu tố dự báo tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ngoài bệnh ĐTĐ, các bệnh đồng mắc phổ biến khác là tăng huyết áp, khoảng 20% trường hợp, bệnh tim mạch (16%) và bệnh phổi (6%). Thật vậy, những người mắc ĐTĐ là nhóm có nguy cơ cao làm bệnh nhân COVID -19 tiến triển nặng. Đáng chú ý, ĐTĐ cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tiến triển nặng và tử vong trong các trường hợp nhiễm coronavirus SARS, MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) trước đây và đại dịch cúm A H1N1 nghiêm trọng năm vào 2009.

LÝ DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀM GIA TĂNG NGUY CƠ Ở BỆNH NHÂN COVID-19

Có một thực tế là bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn bao gồm cả cúm và các biến chứng liên quan như viêm phổi do vi khuẩn thứ phát. Bệnh nhân ĐTĐ bị suy giảm đáp ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng liên quan đến cytokine và thay đổi phản ứng miễn dịch bao gồm kích hoạt tế bào T và đại thực bào. Kiểm soát đường huyết kém làm suy yếu một số khía cạnh của phản ứng miễn dịch đối với nhiễm virut và cả vi khuẩn tiềm năng gây nhiễm trùng thứ phát ở phổi. Có khả năng nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ ở Trung Quốc đã kiểm soát chuyển hóa kém khi bị nhiễm COVID-19.

Nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ tuýp 2 bị béo phì và béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ nhiễm trùng nặng. Nó đã được minh chứng trong dịch cúm A H1N1 năm 2009 rằng bệnh nặng hơn và kéo dài hơn gấp đôi ở bệnh nhân mắc bệnh Béo phì sau đó được điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt so với dân số nền. Đặc biệt, các bệnh nhân béo phì dạng nam hoạt động có liên quan đến nguy cơ cao hơn. Sự tiết ra bất thường của adipokine và cytokine như TNF-alfa và interferon đặc trưng cho bệnh béo phì dạng nam ở mức độ thấp và có thể gây ra đáp ứng miễn dịch bị suy yếu ... Người béo bụng nặng cũng có vấn đề về hô hấp cơ học, giảm thông khí các phần phổi cơ bản làm tăng nguy cơ viêm phổi cũng như giảm độ bão hòa oxy của máu. Đối tượng béo phì cũng có nguy cơ mắc hen suyễn cao hơn, và những bệnh nhân mắc bệnh béo phì và hen suyễn có nhiều triệu chứng hơn, tình trạng trầm trọng hơn và thường xuyên hơn và giảm đáp ứng với một số loại thuốc điều trị hen.

Cuối cùng, các biến chứng muộn của ĐTĐ như bệnh thận ĐTĐ và bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể làm phức tạp tình trạng của những người mắc ĐTĐ, khiến họ yếu đi và làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 và cần can thiệp như lọc máu máu cấp cứu. Một số phát hiện chỉ ra rằng COVID-19 có thể gây tổn thương tim cấp tính với suy tim, dẫn đến suy tuần hoàn. Các bệnh đi kèm thường gặp nhất đối với COVID 19 là ĐTĐ và tăng huyết áp và tiểu. Cả hai bệnh thường được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Coronavirus liên kết với các tế bào đích thông qua enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), được biểu hiện trong các tế bào biểu mô ở phổi, mạch máu và ruột. Ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ACE và chẹn thụ thể angiotensin II, biểu lộ tăng ACE2. Do đó, người ta cho rằng có thể tăng biểu lộ ACE2 ở hai nhóm bệnh nhân ĐTĐ và tăng huyết áp này, điều này có thể tạo điều kiện cho nhiễm trùng COVID-19 và làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở BỆNH NHÂN NHIỄM COVID - 19

Kiểm soát đường huyết kém là một yếu tố nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng và kết cục bất lợi. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng đúng và nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm viêm phổi do vi khuẩn, có thể giảm nhờ kiểm soát đường huyết tốt. Vấn đề là nhiễm trùng gây mất kiểm soát đường huyết và điều trị tăng đường huyết rất khó khăn khi bệnh xen kẽ với sốt, không ổn định lượng thức ăn và sử dụng thuốc như glucocorticoids ở bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Để duy trì kiểm soát đường huyết tối ưu đòi hỏi phải theo dõi đường huyết thường xuyên hơn và thay đổi liên tục trong điều trị đái tháo đường sau khi xét nghiệm glucose huyết.

Ở những bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2, nên ngừng metformin và thuốc ức chế SGLT-2 với bệnh từ trung bình đến nặng. Thuốc ức chế Dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4) và linagliptin cũng có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị suy thận mà không có nguy cơ bị hạ đường huyết. Các Sulphonylureas có thể gây hạ đường huyết ở bệnh nhân có lượng calo thấp. Chất chủ vận thụ thể GLP-1 tác dụng dài làm giảm sự thèm ăn ở những bệnh nhân ăn uống kém và với thời gian bán hủy 1 tuần không thể dừng lại từ ngày này sang ngày khác. Ở nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2, việc điều trị bằng insulin sẽ được ưu tiên và cần được bắt đầu, điều này rất phức tạp vì thời gian hạn chế cho việc hướng dẫn và chuẩn độ insulin. Bệnh nhân đã được điều trị bằng insulin nền sẽ cần insulin bolus tác dụng nhanh để điều trị tăng đường huyết. Các bệnh viện có kinh nghiệm và phác đồ điều trị bệnh nhân trong thời gian mắc bệnh xen kẽ, nhưng thời gian điều trị kiểm soát đường huyết không ổn định là một vấn đề lớn trong tình huống thời gian ngắn.

Ở những bệnh nhân mắc ĐTĐ type 1 được điều trị bằng insulin nền phối hợp insulin tác dụng nhanh hoặc liệu pháp bơm insulin, nên điều chỉnh liều insulin bằng cách sử dụng theo dõi glucose và ceton thường xuyên để tránh hạ đường huyết ở bệnh nhân giảm lượng thức ăn và thêm insulin tác dụng nhanh nhanh để tránh tăng đường huyết nặng và nhiễm toan ceton.

KẾT LUẬN

Bệnh nhân mắc đái tháo đường là một nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao và phức tạp để điều trị COVID19, với yêu cầu nhập viện tăng. Bệnh nhân đái tháo đường cần được chú ý đặc biệt để giảm nguy cơ tử vong. Bệnh nhân mắc đái tháo đường nên tuân theo lời khuyên phòng ngừa chung được đưa ra bởi các chính quyền sở tại để tránh nhiễm COVID-19.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Del Rio C, Malani PN. COVID-19-new insights on a rapidly changing epidemic. JAMA. 2020; doi: 10.1001/jama.2020.3072.
  2. Yang X, Yu Y, Xu J, et al. Clinical course and outcomes of critically ill patients with SARS-CoV-2 pneumonia in Wuhan, China: a single-centered, retrospective, observational study. Lancet Respir Med. 2020; doi: 10.1016/S2213-2600(20)30079-5.
  3. Guan WJ, Ni ZY, Hu Y, et al. Clinical characteristics of coronavirus disease 2019 in China. N Engl J Med. 2020; doi: 10.1056/NEJMoa2002032.
  4. Zhang JJ, Dong X, Cao YY, et al. Clinical characteristics of 140 patients infected with SARS-CoV-2 in Wuhan, China. Allergy. 2020; doi: 10.1111/all.14238.
  5. Yang J, Zheng Y, Gou X, et al. Prevalence of comorbidities in the novel Wuhan coronavirus (COVID-19) infection: a systematic review and meta-analysis. Int J Infect Dis. 2020; pii: S1201-9712(20)30136-3. doi: 10.1016/j.ijid.2020.03.017.
  6. Ruan Q, Yang K, Wang W, et al. Clinical predictors of mortality due to COVID-19 based on an analysis of data of 150 patients from Wuhan, China. Intensive Care Med. 2020; doi: 10.1007/s00134-020-05991-x.
  7. Zhou F, Yu T, Du R, et al. Clinical course and risk factors for mortality of adult inpatients with COVID-19 in Wuhan, China: a retrospective cohort study. Lancet. 2020; pii: S0140-6736(20)30566-3. doi: 10.1016/S0140-6736(20)30566-3.
  8. Wu C, Chen X, Cai Y, et al. Risk factors associated with acute respiratory distress syndrome and death in patients with coronavirus disease 2019 pneumonia in Wuhan, China. JAMA Intern Med. 2020; doi: 10.1001/jamainternmed.2020.0994.
  9. Wu Z, McGoogan JM. Characteristics of and important lessons from the coronavirus disease 2019 (COVID-19) outbreak in China: Summary of a report of 72 314 cases from the Chinese Center for Disease Control and Prevention. JAMA. 2020; doi: 10.1001/jama.2020.2648.
  10. Leung C. Clinical features of deaths in the novel coronavirus epidemic in China. Rev Med Virol. 2020;e2103. doi: 10.1002/rmv.2103.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 05 Tháng 4 2020 14:51

You are here Tin tức Y học thường thức Nhiễm COVID -19 ở bệnh nhân đái tháo đường