• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Covid 19 và thận học

  • PDF.

BS. CKII. Lê Tự Định -

GIỚI THIỆU

Vào tháng 12 năm 2019, một đợt bùng phát coronavirus mới ở người bắt đầu ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và sau đó lan sang hàng chục quốc gia khác trở thành đại dịch toàn cầu. Virus corona 2 gây hội chứng hô hấp cấp tính (SARS-CoV-2) đã được phát hiện là nguyên nhân gây ra viêm phổi COVID-19. Thời điểm hiện tại đã có trên 1 triệu trường hợp nhiễm bệnh và hơn 53 nghìn trường hợp tử vong trên toàn cầu, mặc dù tỷ lệ thực tế có thể cao hơn. Bệnh do chủng coronavirus mới (COVID-19) là một bệnh truyền nhiễm mới, biểu hiện chủ yếu là bệnh hô hấp viêm phổi cấp tính nhưng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như thận, tim, đường tiêu hóa, máu và thần kinh hệ thống. Phần lớn sự lây nhiễm ban đầu không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc triệu chứng giống như bệnh cúm nhẹ, tự khỏi. Các biểu hiện lâm sàng phổ biến của COVID-19 là sốt (98%), ho (76%), và đau cơ và mệt mỏi (mỗi loại 18%). Các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên với chảy nước mũi và ho có đờm là không phổ biến, ngoại trừ ở trẻ em. Khoảng 16-20% trường hợp đã được phân loại là nặng hay nghiêm trọng.

thancovid

COVID-19 dễ lây hơn các chủng coronavirus trước đây (hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) và hội chứng hô hấp Trung Đông coronavirus (MERS-Co-V)). COVID-19 lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi, phân hoặc tiếp xúc trực tiếp, thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng) ước tính từ 1 đến 14 ngày (thường là 3 đến 7 ngày). Lây nhiễm COVID-19 có thể xảy ra ngay cả trong thời gian ủ bệnh.Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và người già và bệnh nhân mắc bệnh đi kèm (như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính và bệnh thận mạn) đặc biệt dễ bị nhiễm COVID-19 và có khả năng bị bệnh nặng hơn. Nhiễm COVID-19 đã được báo cáo ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ em.

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào tiền sử chính xác tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh (khó xác định chính xác trong trường hợp tiếp xúc với người chưa có triệu chứng), biểu hiện lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm. Một lưu ý, gần đây có sự gia tăng trong các trường hợp những người không có tiền sử du lịch hoặc tiếp xúc rõ ràng với các cá nhân bị nhiễm bệnh. Rất nhiều tổ chức đã cung cấp thông tin hướng dẫn kỹ thuật xét nghiệm COVID-19 bao gồm thu thập mẫu và xử lý mẫu. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên áp dụng khuyến theo quốc gia sở tại nếu đã có công bố thông tin hướng dẫn cụ thể tại quốc gia đó.

ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỄM COVID-19 ĐẾN THẬN

Không có bằng chứng cho thấy nhiễm COVID-19 ảnh hưởng xấu đến thận ở những người bị nhiễm trùng nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, trong số những người bị nhiễm trùng nặng cần phải nhập viện, bất thường ở thận được ghi nhận ở 25-50% đối tượng, biểu hiện là tăng bài tiết protein và hồng cầu trong nước tiểu. Một tỷ lệ nhỏ (dưới 15%) xuất hiện suy giảm chức năng lọc của thận (tổn thương thận cấp). Tác động sức khỏe lâu dài của tổn thương thận đối ở những người sống sót sau khi nhiễm COVID-19 còn chưa được làm rõ. Tuy nhiên nhiễm SARS-CoV-2 là mối đe dọa đặc biệt đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD), đặc biệt là những người đang lọc máu và ghép thận. Bệnh nhân ghép thận nên thực hiện các biện pháp được khuyến cáo để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tất cả bệnh nhân nên tiếp tục tất cả các loại thuốc với liều lượng quy định bao gồm cả thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể angiotensin II trừ khi có lời khuyên khác của bác sĩ.

CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN LỌC MÁU

Nhiễm COVID-19 đưa ra những thách thức đặc biệt đối với bệnh nhân lọc máu, đặc biệt là tại trung tâm lọc máu (HD). Bệnh nhân suy thận đặc biệt dễ bị nhiễm trùng và có thể các thay đổi nhiều hơn trong biểu hiện các triệu chứng lâm sàng và tình trạng nhiễm trùng. Hơn nữa, không giống như những người khác bị nhiễm COVID-19, bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 này vẫn cần phải đến trung tâm lọc máu để lọc máu thường xuyên. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm, bao gồm lây nhiễm cho cả cả nhân viên y tế và nhân viên cơ sở, bệnh nhân khác và tất cả những người khác tiếp xúc.Là một phần của kiểm soát nhiễm trùng thông thường, các cơ sở lọc máu nên thiết lập các quy định và quy trình để ngăn ngừa hoặc giảm sự lây lan của bệnh.Hiệp hội thận học Trung Quốc (8) và Hiệp hội thận học Đài Loan gần đây đã phát triển các hướng dẫn cho các đơn vị lọc máu trong đợt bùng phát COVID-19, thêm vàođó Hiệp hội thận học Hoa kỳ/ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Hiệp hội thận châu Âu (ERA-EDTA) cũng đưa ra các hướng dẫn. Bảng tóm tắt các hướng dẫn này được cung cấp dưới đây.

KHUYẾN CÁO DÀNH CHO NHÂN VIÊN ĐƠN VỊ CHẠY THẬN NHÂN TẠO

Đối với khoa phòng và nhân viên y tế

  1. Tại các lối vào và khu vực chờ, nên đặt các áp phích/thông báo đề cập nổi bật các triệu chứng nhiễm COVID-19.
  2. Tại các lối vào và khu vực chờ, nên đặt các áp phích/thông báo mang các thông điệp giúp tư vấn về các biện pháp vệ sinh (quy trình rửa tay/vệ sinh và cách ho/hắt hơi).
  3. Một nhóm nhân viên y tế bao gồm các bác sĩ lọc máu, nhân viên điều dưỡng và kỹ thuật viên cần được đào tạo về kiến thức lâm sàng cập nhật về bệnh dịch COVID-19, thông báo về nguy cơ nhiễm trùng, các công cụ phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn từ chính phủ, xã hội học và lãnh đạo bệnh viện. Ghi lại và lưu giữ danh sách nhân viên trên bởi các đơn vị lọc máu bệnh viện.
  4. Thông tin về du lịch, đi lại, nghề nghiệp, địa chỉ liên lạc và tiền sử tiếp xúc ổ dịch (clus-ters) (TOCC) của từng nhân viên y tế, bệnh nhân chạy thận, thành viên gia đình của họ, cư dân của cùng một tổ chức và đồng nghiệp tại nơi làm việc nên được thu thập và cập nhật thường xuyên.
  5. Các khuyến cáo chăm sóc mới nhất và thông tin về dịch bệnh cần được cập nhật và gửi đến tất cả nhân viên chăm sóc y tế.
  6. Các hoạt động nhóm, bao gồm nhóm lớn, nhóm nghiên cứu và nhóm thảo luận các trường hợp lâm sàng nên được tránh hoặc giảm thiểu.
  7. Nhân viên nên ăn uống vào các thời điểm khác nhau để tránh các bữa ăn cùng nhau. Nên tháo kính, khẩu trang và mũ trước bữa ăn và rửa tay dưới dòng nước chảy. Nói chuyện trong bữa ăn nên được giảm thiểu để giảm sự phát tán của các giọt bắn.
  8. Nhân viên nên tự theo dõi các triệu chứng của mình và nên thông báo cho lãnh đạo trong trường hợp họ hoặc thành viên gia đình của họ xuất hiện các triệu chứng gợi ý nhiễm COVID-19.
  9. Kiểm soát lối vào, xác định và phân luồn những người có nguy cơ bị nhiễm, đo nhiệt độ cơ thể, rửa tay, đeo khẩu trang (phẫu thuật hoặc N95) thích hợp trong suốt quá trình lọc máu, khử trùng máy, vệ sinh môi trường, điều kiện thông thoáng.
  10. Không chạm vào bệnh nhân hoặc sử dụng ống nghe trừ khi cần thiết

Đối với việc quản lý bệnh nhân

  1. Tất cả bệnh nhân nên được theo dõi nhiệt độ khi đến lọc máu.
  2. Bệnh nhân và người đi cùng nên được khử khuẩn tay khi vào phòng lọc máu.
  3. Bệnh nhân nên tránh các bữa ăn trong quá trình lọc máu. Họ có thể mang theo thực phẩm tiện lợi như kẹo để ngăn ngừa hạ đường huyết.
  4. Bệnh nhân bị sốt hoặc có triệu chứng hô hấp nên gọi đơn vị lọc máu trước khi đến, được đánh giá trong phòng hoặc khu vực tách biệt với khu vực lọc máu và nên được kiểm tra nhiễm COVID-19. Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19 nên được áp dụng "Mô hình chăm sóc lọc máu cố định" như dưới đây trong thời gian cách ly 14 ngày.
  • Nơi điều trị lọc máu: bệnh nhân nên tiếp tục chạy thận nhân tạo tại trung tâm chạy thận nhân tạo ban đầu và không thay đổi sang trung tâm khác.
  • Ca lọc máu và nhân viên lọc máu: Không thay đổi ca lọc máu và nhân viên chăm sóc để hạn chế nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo.
  • Bệnh nhân cần phẫu thuật đường vào mạch máu nên được kiểm tra chủng coronavirus mới trước khi phẫu thuật. Các hoạt động trên bệnh nhân bị nhiễm chủng coronavirus mới được xác nhận hoặc nghi ngờ nên được thực hiện trong một phòng được chỉ định với sự bảo vệ cần thiết cho nhân viên y tế.
  • Giao thông: Giao thông công cộng không nên được sử dụng. Bệnh nhân nên sắp xếp phương tiện giao thông cá nhân và đi lộ trình cố định. Nhân viên đưa đón và người hộ tống nên đeo khẩu trang phẫu thuật hoặc khẩu trang N95 trong suốt quá trình đưa đón bệnh nhân.
  • Tất cả các bệnh nhân bị sốt nên được kiểm tra nhiễm chủng coronavirus mới và nên được lọc máu vào ca cuối cùng trong ngày cho đến khi loại trừ nhiễm COVID-19.
  • Tuyến đường vào bệnh viện và đơn vị lọc máu: Không nên đưa đón và thả với các bệnh nhân chạy thận khác. Nên tránh đi vào và ra ngoài với các bệnh nhân khác cùng một lúc. Các tuyến đường, chế độ và thời gian vận chuyển bệnh nhân nên được cố định.
  • Các cảnh báo trong đơn vị lọc máu: Bệnh nhân không nên ở gần, với khoảng cách ít nhất là 6 feet (183 cm) so với các bệnh nhân khác; khu vực điều trị và chờ đợi nên có điều hòa không khí và thông gió tốt để loại bỏ các giọt bắn trong không khí.
  • Nhân viên chăm sóc: Tất cả các nhân viên tham gia chăm sóc bệnh nhân trực tiếp cần được bảo vệ toàn diện, bao gồm quần áo bảo hộ khôngthấm nước dài tay, đội mũ, kính bảo hộ, găng tay và khẩu trang y tế (loại mặt nạ phẫu thuật trở lên). Vệ sinh tay phải được thực hiện nghiêm túc.
  • Máy lọc máu: Thiết bị có thể tiếp xúc với bệnh nhân hoặc vật liệu có khả năng bị nhiễm nên được khử trùng theo các quy trình chuẩn.

        5. Nếu một trường hợp mới được xác nhận chẩn đoán hoặc nghi ngờ cao nhiễm COVID-19 tại các trung tâm lọc máu, việc khử trùng phải được tiến hành ngay lập tức. Các khu vực tiếp xúc gần với những bệnh nhân này không nên được sử dụng cho các bệnh nhân khác cho đến khi bị được làm sạch.

        6. Chất thải y tế từ bệnh nhân xác nhận nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 nên được coi là chất thải y tế truyền nhiễm và được xử lý theo quy định.

        7. Thông báo với Bộ Y Tế trong trường hợp nghi ngờ hoặc xác nhận nhiễm COVID-19.

KHUYẾN CÁO CHO THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI CHĂM SÓC

  1. Tất cả thành viên trong gia đình sống cùng với bệnh nhân phải tuân thủ các thận trọng và khuyến cáo cho bệnh nhân để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 từ người sang người trong gia đình, những việc này bao gồm: kiểm tra thân nhiệt, vệ sinh chống nhiểm khuẩn cá nhân tốt, rửa tay, và kịp thời thông báo khi nghi ngờ có người có khả năng bị lây nhiễm.
  2. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thành viên gia đình hoặc người chăm sóc phải cách ly cơ bản có thể được lọc máu như bình thường phù hợp trong giai đoạn 14 ngày.
  3. Khi thành viên gia đình hoặc người chăm sóc được xác nhận là ca nhiễm, nên đánh giá và điều trị lọc máu cho bệnh nhân cho phù hợp với quy trình và khuyến cáo nêu bên trên.

Tóm lại, COVID-19, một căn bệnh gây ra bởi một loại coronavirus mới, là mối đe dọa lớn của con người trên toàn cầu đã biến thành đại dịch. Tác động của lây nhiễm này ở những người mắc bệnh CKD chưa được nghiên cứu đầy đủ và việc quản lý bệnh nhân chạy thận nhân tạo nghi ngờ đã tiếp xúc với COVID-19 nên được thực hiện theo các phác đồ nghiêm ngặt để giảm thiểu rủi ro cho các bệnh nhân khác, nhân viên y tế chăm sóc và những người chăm sóc cho bệnh nhân này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Wang D, Hu B, Hu C, et al. Clinical Characteristics of 138 Hospitalized Patients With 2019 Novel Coronavirus-Infected Pneumonia in Wuhan, China. JAMA,2020. doi:10.1001/jama.2020.1585.
  2. World Health Organization. Report of the WHO-China Joint Mission on Coronavirus Disease 2019 (COVID-19). Available at https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/who-china-joint-mission-on-covid-19-final-report.pdf. Accessed 02 Mar 2020
  3. Huang C, Wang Y, Li X, Ren L, Zhao J. et al. Clinical features of patients infected with 2019 novel coronavirus in Wuhan, China. The Lancet 2020; 395: 497–506.
  4. The National Health Commission of PRC. Guideline for diagnosis and treatment of novel coronavirus disease (version 6)[OB/EL]. 2020.02.18.University of Minnesota Center for Infectious Disease Research and Policy. COVID-19 Lab Guidance & Diagnostics. Available at http://www.cidrap.umn.edu/covid-19/lab-guid-ance-diagnostics. Accessed 15 Mar 2020.
  5. https://www.dpcedcenter.org/news-events/news/coronavirus-dis -ease-covid-19-information-for-dialysis-patients/ ; accessed 9 March 2020.
  6. http://www.nicd.ac.za/diseases-a-z-index/covid-19/covid-19-prevention/ ; accessed 9 March 2020.
  7. Chinese Society of Nephrology. Recommendations for prevention and control of new coronavirus infection in blood purification center (room) (First trial version). Chinese Society of Nephrology, 2 March 2020.
  8. Hwang S-J. Guideline for dialysis facilities during COVID-19 outbreak, Taiwan Society of Nephrology, 16 February 2020.
  9. American Society of Nephrology. Information for Screening and Management of COVID-19 in the Outpatient Dialysis Facility. February 28, 2020 https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/index.html ; accessed 11 March 2020.
  10. https://www.era-edta.org/en/covid-19-news-and-information/ ; accessed 12 March 2020.

(Nguồn https://www.theisn.org/881#recommendations-for-the-novel-coronavirus-2019-epidemic)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 03 Tháng 4 2020 10:28

You are here Tin tức Y học thường thức Covid 19 và thận học