Bs CK1 Phạm Văn Sáu - Khoa Cấp Cứu
Theo lời khai của nhân viên Trung tâm cấp cứu 115, cách nhập viện hơn 10 phút, bệnh nhân nam tên Trần Văn C. 57 tuổi, ở Phường An Mỹ, Tam Kỳ, đang ngồi uống rượu bia thì đột ngột khuỵu ngã, mê sâu, được bạn bè gọi xe cấp cứu 115 đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Nam lúc 0 giờ 22 phút ngày 14/02/2018. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng: Mê sâu, glasgow 3 điểm, đồng tử 2 bên 3mm, phản xạ ánh sáng (-), ngưng thở hoàn toàn, mạch bẹn không bắt được, tim không nghe, huyết áp không đo được, đặt monitor thấy điện tim là một đường thẳng. Kíp trực tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp với: ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, thở máy, tiêm Adrenalin tĩnh mạch và duy trì qua bơm tiêm điện.
Hình ảnh ECG trong quá trình cấp cứu
Sau hơn 20 phút hồi sinh tim phổi, bệnh nhân có tim lại, mạch bẹn có, điện tim trên monitor là rung thất sóng lớn. Bệnh nhân được sốc điện và tiếp tục ép tim, sau đó là nhịp nhanh thất, tiếp tục dùng lidocain tiêm tĩnh mạch thì điện tim trở về nhịp xoang nhưng lại tái phát rung thất và nhịp nhanh thất nhiều lần nữa. Kíp trực vẫn kiên trì cấp cứu và xử trí phù hợp theo từng giai đoạn diễn biến của bệnh nhân. Khoảng 15 phút sau, điện tim trở về nhịp xoang ổn định với tần số 115 lần/ phút, huyết áp dao động từ 130/80 mmHg – 160/ 90 mmHg (có thuốc vận mạch) nhưng bệnh vẫn mê sâu, thở máy. Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa không có rối loạn gì đáng kể. Hội chẩn với bác sỹ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và bác sỹ Nội tim mạch, tiến hành chụp CT scanner sọ não, kết quả hình ảnh bình thường, chụp mạch vành không có hình ảnh tắc mạch vành.
Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị, 2 ngày sau tỉnh lại, tự mở mắt, gọi hỏi có đáp ứng, rút ống nội khí quản, tự thở tốt, mạch, huyết áp ổn định nên giảm dần liều thuốc vận mạch rồi ngưng hẳn, đo ECG thấy hình ảnh ST chênh lên nhẹ ở V1,V2. Từ kết quả điện tim, diễn biến lâm sàng đột ngột và hỏi tiền sử gia đình có con bác ruột đột tử lúc trẻ không rõ nguyên nhân, nghĩ nhiều đến bệnh nhân mắc Hội chứng Brugada typ 2 gây đột tử do rung thất hoặc nhịp nhanh thất nhưng may mắn được đưa đến bệnh viện sớm và cấp cứu kịp thời, đúng cách.
Kết quả ECG sau 2 ngày điều trị tại khoa ICU
Bệnh nhân sau đó được chuyển về khoa Nội tim mạch điều trị 5 ngày, ổn định hoàn toàn nên cho xuất viện và tư vấn việc đặt máy khử rung nhằm tránh tình trạng đột tử lần 2 cũng như hướng dẫn cho những người thân tới chuyên khoa tim mạch khám, đo điện tim để phát hiện sớm Hội chứng Brugada để có hướng điều trị.
Hội chứng Brugada là một bệnh lý kênh ion và điện học tiên phát của tim đặc trưng bởi đoạn ST chênh lên ở chuyển đạo trước tim bên phải, không có bất thường cấu trúc tim. Bệnh nhân thường có những cơn ngất hoặc đột tử do nhịp nhanh thất hoặc rung thất. Bệnh có tính chất di truyền do đột biến gen, gia đình có người đột tử. Tuổi xuất hiện 22-65, đột tử cao nhất ở tuổi khoảng 40. Tỷ lệ nam/nữ =10/1. Thường xuất hiện khi ngã hoặc sau uống rượu. Điều trị bằng thuốc mục đích để phục hồi sự cân bằng ion hoạt động trong giai đoạn đầu điện thế động thượng tâm mạc thất phải. Thuốc ức chế dòng ion Na đi ra ngoài (Quinidin); đồng vận β – adrenergic…Cấy máu khử rung là hiệu quả nhất.
- 06/06/2018 13:14 - Lần đầu tiên Quảng Nam thực hiện thành công kỹ thu…
- 06/06/2018 13:05 - BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH QUẢNG NAM CỨU SỐNG MỘT BỆNH…
- 23/04/2018 18:27 - Ngày sốt rét thế giới, ngày 25 tháng 4 năm 2018: "…
- 09/04/2018 07:45 - Ngày sức khỏe thế giới
- 21/03/2018 08:30 - Giới thiệu sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em
- 22/01/2018 12:23 - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam thực hiện công tá…
- 01/01/2018 17:42 - Câu chuyện tăng huyết áp của năm 2017
- 22/12/2017 21:39 - Thiện nguyện vùng cao
- 01/10/2017 19:16 - Tiến trình từ hen đến COPD: Có phải ô nhiễm không …
- 26/08/2017 10:45 - Hội nghị An toàn phẫu thuật và kiểm soát nhiễm kh…