Bs CK1 Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp cứu
Thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt chuột) được dùng rộng rãi trong nông nghiệp. Mặc dù đã có nhiều cái chết thương tâm do uống thuốc tự tử nhưng không vì thế mà làm giảm số người chọn con đường kết thúc cuộc đời mình bằng các loại hóa chất độc hại này.
Là người làm công tác cấp cứu, chúng tôi rất xót xa khi chứng kiến những trường hợp tự tử bằng thuốc bảo vệ thực vật. Có bệnh nhân được phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời nên giữ được tính mạng nhưng cũng có những bệnh nhân quá nặng đã tử vong trước khi được đưa vào viện hoặc không thể cứu được.
Bệnh nhân thoát chết cũng có nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh, tâm thần, tổn thương đường tiêu hóa, hô hấp… làm ảnh hưởng đến sức khỏe, rút ngắn tuổi thọ và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Những bệnh nhân mà chúng tôi gặp đa số là người lao động nghèo, phần lớn có sử dụng rượu, bia trước khi uống thuốc làm cho tình trạng ngộ độc càng nặng nề. Mặt khác, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, nay lại phải nằm viện dài ngày, vừa không làm ra của cải vật chất, vừa phải chi phí cho điều trị nên càng khó khăn hơn.
Thuốc bảo vệ thực vật (hình minh họa)
Nguyên nhân tự tử đôi khi chỉ xuất phát từ những lý do hết sức đơn giản: Mâu thuẫn gia đình, bức xúc trước một câu nói hoặc hành động của người khác hoặc khi uống rượu bia về lâng lâng thấy chai thuốc nên “thích” là uống.
Cũng có người buồn chán trong cuộc sống, trong công việc làm ăn không có lối thoát, gặp trắc trở trong tình bạn, tình yêu, tuổi vị thành niên vì áp lực học hành, vì không thỏa mãn một số đòi hỏi cá nhân…có người mắc bệnh trầm cảm hoặc bệnh nan y nên bi quan, tuyệt vọng.
Một thực tế là hiện nay các loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt mà được bày bán tràn lan, mua rất dễ như hàng hóa thông thường. Người nông dân muốn sử dụng thế nào thì tùy theo suy nghĩ của họ miễn sao đạt được hiệu quả. Trong mỗi gia đình thường có sẵn một vài loại thuốc bảo vệ thực vật “dự trữ” và việc bảo quản cũng rất sơ sài, có khi còn để lẫn lộn với các đồ dùng hàng ngày, đây là thực trạng khiến cho số người tự tử bằng thuốc bảo vệ thực vật vẫn không hề giảm.
Để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào mục đích tự tử, trước hết về mặt quản lý phải chặt chẽ, cấm buôn bán tự do như hiện nay.
Sử dụng thuốc hạn chế theo hướng dẫn của cán bộ có chuyên môn, vỏ thuốc sau khi dùng không vứt bừa bãi, không nên dự trữ thuốc trong nhà.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật nếu sử dụng bừa bãi, nhất là uống để tự tử.
Ngày 08/02/2017 Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây mới là một trong những loại thuốc đáng sợ nhất bị cấm, vẫn còn nhiều thuốc bảo vệ thực vật khác có khả năng giết người cao nếu chúng ta uống nó, vì vậy không được mạo hiểm cho dù chỉ uống để “hù dọa” người khác.
Mọi vấn đề trong cuộc sống và các loại mâu thuẫn đều có cách giải quyết được, không vì một suy nghĩ nhất thời mà phải tìm đến cái chết.
- 26/04/2017 16:49 - Ngày hen thế giới
- 24/04/2017 15:57 - Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2017: Hãy c…
- 24/04/2017 15:46 - Vitamin - sử dụng và nguy cơ
- 24/04/2017 15:05 - Kỹ thuật cắt bột sửa trục
- 21/04/2017 08:36 - Những kỹ năng cần dạy trẻ trước nạn xâm hại tình d…
- 09/04/2017 16:28 - Phục hồi chức năng cho người bệnh trật khớp vai
- 07/04/2017 06:09 - Hưởng ứng ngày toàn dân hiến máu nhân đạo 07/04
- 02/04/2017 09:20 - Những điều cần làm ngay khi tiếp nhận nạn nhân đuố…
- 29/03/2017 10:30 - Chấn thương sọ não và huyết áp – một sự chuyển đổi…
- 26/03/2017 14:14 - Bệnh viêm gan B