Bs Huỳnh Thị Thủy Tiên -
1. ĐẠI CƯƠNG
Mãng châm là hình thức kết hợp giữa trường châm và cự châm cổ điển trong Thiên Cửu Châm (sách Linh Khu).
Mãng châm là kỹ thuật thường được dùng trong chuyên khoa Y học cổ truyền để điều trị các chứng liệt ở người bệnh tai biến mạch máu não như: liệt 1/2 người, liệt mặt, liệt dây thanh âm (nói khó, nói ngọng) và các bệnh lý liên quan đến thần kinh.
Kỹ thuật mãng châm là kỹ thuật dùng kim to, kim dài châm theo huyệt đạo tức là châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng một đường kinh hoặc trên hai đường kinh khác nhau có tác dụng điều khí nhanh, mạnh hơn nên có tác dụng chữa các chứng bệnh khó như chứng đau, chứng liệt…
Mãng châm cũng nhằm mục đích “điều khí” như các hình thức châm khá. Nhưng đặc điểm là điều khí trên “huyệt đạo” nghĩa là dùng tim to và dài, châm kim cùng một lúc trên nhiều huyệt của một kinh mạch hoặc hai, ba kinh mạch. Do đó mục đích Bổ hoặc Tả đều mạnh hơn, nhanh chóng tiêu trừ được bệnh tà hơn, lấy lại trang thái cân bằng Âm dương nhanh hơn, bệnh chóng khỏi hơn.
Kim châm trong sử dụng Mãng châm là kim có độ dài từ 15 cm, 20 cm, 30 cm có thể tới 60 cm, và đường kính từ 0, 5 đến 1 mm. Tùy từng huyệt đạo trên cơ thể mà ta có thể sử dụng các kim châm có độ dài tương ứng.
2. CHỈ ĐỊNH MÃNG CHÂM
- Các chứng liệt (liệt do tại biến mạch máu não, di chứng bại liệt, liệt các dây thần kinh ngoại biên…)
- Các chứng đau cấp và mạn tính: đau do đụng giập, chấn thương, đau sau mổ, đau các khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý về thần kinh….
- Châm tê phẫu thuật.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm, phụ nữ có thai.
Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.
Tất cả những cơn đau nghi do nguyên nhân ngoại khoa…
4. KỸ THUẬT MÃNG CHÂM
Kim dùng cho mãng châm không giống như kim thường dùng mà là kết hợp của hai loại: Trường châm và Đại châm trong Cửu châm. Cụ thể như sau:
Đốc kim: tương đối dài từ 5-8cm.
Thân kim dài: ngắn nhất là 5 thốn (khoảng 10cm), dài nhất 35 thốn (khoảng 70cm). Thân kim tương đối to, bình quân đường kính 0,5-1,5mm
Mũi kim: không nhọn lắm để dẫn khí, vận khí sau khi đã châm đắc khí.
Một số phương pháp châm: đối trì (hai bên đối nhau), châm phân lưu (tức là trên cùng một đường kinh dùng hai mãng châm châm ở ngang gần nơi có bệnh nhưng mỗi kim châm theo một hướng đối lập nhau nhằm phân tán khí đi chỗ khác, phương pháp châm trực đảo (chủ yếu nhằm mục đích tả), châm tam thoa, châm hình cung.
Đặc điểm lớn nhất của mãng châm là vận dụng nguyên lý “Tuần kinh thủ huyệt”
5. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU
Đề tài nghiên cứu “Nhận xét hiệu quả kĩ thuật mãng châm điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại vi do lạnh tại bệnh viện quân y 110” của tác giả Nguyễn Thế Giang, Nguyễn Thị Thu Hương , Lê Hữu Long năm 2023. Điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại vi do lạnh bằng kĩ thuật mãng châm cho kết quả tương đối cao, tỉ lệ BN điều trị khỏi và đỡ là 85,0%, trong đó có 56,67% BN điều trị khỏi hoàn toàn. Có 76,67% BN thực hiện điều trị trong thời gian từ 8-15 ngày.
Đề tài nghiên cứu “Hiệu quả điều trị đau thắt lưng do thoái hoá cột sống bằng điện mãng châm kết hợp bài thuốc độc hoạt tang ký sinh” của tác giả Nguyễn Xuân hưng, Phạm Thị Xuân Mai năm 2018. Kết quả điều trị đau thắt lưng do thoái hoá cột sống thắt lưng bằng thuốc thang kết hợp với điện mãng châm: Tốt: 8 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 26,7% Khá: 17 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 56,7% Trung bình: 5 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 16,6%.
- 04/12/2024 11:14 - Chương trình “Trái tim cho em” – Hành trình kết nố…
- 02/12/2024 19:53 - Té ngã ở người cao tuổi
- 01/12/2024 11:08 - Chlamydia Trachomatis và bệnh đau mắt hột
- 23/11/2024 07:20 - Bệnh lý vi mạch huyết khối
- 21/11/2024 09:36 - Đối với nhiễm trùng máu, 7 ngày dùng kháng sinh có…
- 19/11/2024 21:04 - Niềm vui từ... phòng sinh thân thiện