ĐD Nguyễn Thị Phước - Phòng Điều dưỡng
I. VAI TRÒ CỦA NGHIÊN CỨU ĐIỀU DƯỠNG
1. Khái niệm nghiên cứu
1.1. Nghiên cứu là gì?
Thuật ngữ nghiên cứu có nghĩa là “tìm kiếm nhiều lần-search again” hoặc “xem xét một cách kỹ lưỡng- examine carefully’’. Nghiên cứu là một quá trình điều tra, tìm tòi mang tính hệ thống để làm sáng tỏ các vấn đề mà người nghiên cứu quan tâm. Nghiên cứu có thể được định nghĩa như sau:
Nghiên cứu là một quá trình thu thập, phân tích, diễn giải và trình bày dữ liệu một cách khách quan, chính xác và hệ thống để trả lời hoặc giải quyết vấn đề quan tâm.
1.2. Đặc điểm của nghiên cứu khoa học
- Có tính mới
- Có tính tin cậy
- Có tính thông tin
- Có tính kế thừa
- Có tính cá nhân
1.3. Nghiên cứu điều dưỡng
Nghiên cứu điều dưỡng (Nursing Research) là một bộ phận của nghiên cứu y học nhằm mục đích sàng lọc, phát triển và mở rộng kiến thức nghề nghiệp và dựa vào các bằng chứng nghiên cứu tin cậy để cải tiến thực hành điều dưỡng.
Nghiên cứu điều dưỡng là môn học về các phương pháp quan sát, can thiệp, diễn giải và trình bày kết quả một cách khách quan, chính xác và hệ thống.
1.4. Phạm vi nghiên cứu của điều dưỡng
Ngành điều dưỡng có bốn lĩnh vực rất cơ bản đó là giáo dục điều dưỡng, thực hành điều dưỡng, quản lý điều dưỡng và nghiên cứu điều dưỡng
Trong lĩnh vực giáo dục điều dưỡng: Cần ưu tiên nghiên cứu xác định năng lực thiết yếu của người điều dưỡng từ đó thiết kế các chương trình đào tạo sinh viên điều dưỡng đạt được các năng lực đã đề ra; quan tâm nghiên cứu các phương pháp lượng giá, đánh giá kết quả kết quả đào tạo và cập nhật các tài liệu và nội dung giảng dạy cho phù hợp với các tiến bộ và thành tựu khoa học trong lĩnh vực điều dưỡng.
Trong lĩnh vực thực hành điều dưỡng: Cần ưu tiên giải quyết các vấn đề mà thực tế đang đặt ra: Đó là việc việc áp dụng quy trình điều dưỡng vào thực hành chăm sóc; hiệu quả và các can thiệp điều dưỡng về tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh; các can thiệp chăm sóc thể chất, chăm sóc tinh thần cho người bệnh; cải tiến các quy trình kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng và đánh giá việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật điều dưỡng; các hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn v.v.
Trong lĩnh vực quản lý điều dưỡng: Cần có nhiều nghiên cứu cơ bản về nguồn nhân lực điều dưỡng, cơ cấu trình độ điều dưỡng, nghiên cứu xác lập các chỉ số về tỷ lệ điều dưỡng theo giường bệnh; chỉ số hài lòng của người cung cấp và người nhận dịch vụ điều dưỡng; sử dụng điều dưỡng theo văn bằng kỹ năng kỹ sảo v.v.
2. Sơ lược lịch sử nghiên cứu điều dưỡng
2.1. Nghiên cứu điều dưỡng trên thế giới
Bà Florence Nightingale là người đặt nền móng đầu tiên cho nghiên cứu điều dưỡng. Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động đến tỷ lệ tử vong của những người lính trong chiến tranh Crime. Bà đã thành công trong việc tác động vào các yếu tố môi trường như thông khí, ánh sáng, vệ sinh cống rãnh, cải thiện chế độ ăn uống để làm giảm tỷ lệ tử vong thương binh từ 42% xuống còn 2,2% trong vòng 6 tháng.
Đầu thế kỹ XX các nghiên cứu điều dưỡng tập trung vào lĩnh vực giáo dục điều dưỡng, nhận dạng bản chất nghề điều dưỡng, vai trò và chức năng điều dưỡng.
Từ năm 1950, nghiên cứu điều dưỡng phát triển với tốc độ rất nhanh do ngày càng có nhiều điều dưỡng viên được dào tạo ở trình độ cử nhân và sau đại học. Giai đoạn này xuất hiện các đề tài nghiên cứu về thực hành điều dưỡng lâm sàng. Chính phủ các nước đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nghiên cứu của điều dưỡng và đã có nhiều nội san về nghiên cứu điều dưỡng được phát hành ở Mỹ, Canada và Anh quốc. Từ năm 1963 các nghiên cứu điều dưỡng đã được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu điều dưỡng Quốc tế.
Sau năm 1970 số lượng các nghiên cứu điều dưỡng ngày cảng gia tăng và có thêm các tạp chí nghiên cứu điều dưỡng được ra đời ở Mỹ và Anh quốc để dăng tải các báo cáo nghiên cứu điều dưỡng.
Sau năm 1980, đã có tổng kết các đề tài nghiên cứu; Chính phủ một số nước đã đầu tư ngân sách quốc gia cho nghiên cứu điều dưỡng như Canada, Mỹ, Anh quốc.
Sau năm 1990 đến nay các Hội nghị nghiên cứu điều dưỡng Quốc tế đã được tổ chức.
2.2. Nghiên cứu điều dưỡng ở Việt Nam
Vào những năm 1990, ở Việt Nam nghiên cứu điều dưỡng còn xa lạ với người điều dưỡng do tự ti nghề nghiệp và chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng để làm nghiên cứu.
Từ năm 2000 đến nay, Hội điều dưỡng Việt Nam đã đặt công tác nghiên cứu điều dưỡng thành một chương trình trọng tâm trong các hoạt động của Hội. Hội nghị nghiên cứu điều dưỡng toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức vào 5/2002. Để khơi dậy tiềm năng nghiên cứu cho hội viên; Hội điều dưỡng Việt Nam đã tổ chức biên soạn tài liệu về Phương pháp nghiên cứu điều dưỡng và với sự hỗ trợ của Hội điều dưỡng Canađa; Hội cũng đã tổ chức nhiều khoá đào tạo về phương pháp nghiên cứu điều dưỡng cho hội viên toàn quốc.
3. Vai trò nghiên cứu của điều dưỡng
Nghiên cứu điều dưỡng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc y tế và dịch vụ điều dưỡng. Nghiên cứu điều dưỡng có vai trò quan trọng sau đây:
- Tạo ra kiến thức mới: Nghiên cứu được coi là quá trình truy tìm kiến thức mới. Những kiến thức mới chúng ta có được bằng nhiều cách khác nhau, nghiên cứu khoa học mang lại kiến thức có độ tin cậy để hướng dẫn thực hành cho mọi nguời. Những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chúng ta có được hiện nay là quá trình tích luỹ từ học tập ở trường, kinh nghiệm của cá nhân, từ bắt chước các chuyên gia và ứng dụng kiến thức từ các lĩnh vực khác. Những câu hỏi được đặt ra là: bao nhiêu kiến thức và thực hành điều dưỡng của bạn hiện nay dựa vào bằng chứng? những kiến thức và thực hành nào không còn phù hợp? những thực hành nào gây sự quan tâm của bạn về độ tin cậy cần phải nghiên cứu thêm? chắc chắn chúng ta chưa có câu trả lời đầy đủ để mô tả bức tranh hiện thực về kiến thức và thực hành điều dưỡng hiện nay.
Vì vậy ngành điều dưỡng cần đẩy mạnh nghiên cứu để bổ sung những kiến thức và lý luận đặc thù với chuyên ngành của mình, nghiên cứu điều dưỡng là điều kiện tiên quyết để phát triển nghề nghiệp.
- Cải tiến và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc: Nghiên cứu điều dưỡng là phương thức đáng tin cậy nhất để tạo ra các bằng chứng hướng dẫn thực hành chăm sóc lâm sàng và qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ điều dưỡng. Thực hành dựa vào bằng chứng là một nguyên tắc tiếp cận mới đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực nhất là lĩnh vực y học. Những dịch vụ chăm sóc và kỹ thuật do người điều dưỡng cung cấp liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng con người, vì thế kiến thức và thực hành điều dưỡng phải có cơ sở khoa học vững chắc và phải cập nhật. Do đó cập nhật kiến thức, thực hành dựa vào bằng chứng là trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức của người điều dưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận dịch vụ chăm sóc.
- Tăng cường giá trị nghề nghiệp: Theo quan niệm cũ điều dưỡng là một nghề phụ thuộc, người điều dưỡng thực hành theo y lệnh của bác sỹ. Ngày nay trước nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng và áp dụng các thành tựu khoa học mới vào y học ngày càng nhiều đòi hỏi người điều dưỡng phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo dịch vụ chăm sóc do điều dưỡng và hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Vì vậy người điều dưỡng cần được khuyến khích làm nghiên cứu để phát triển kiến thức nghề nghiệp, đồng thời chứng tỏ sự đóng góp của họ sẽ tạo nên sự khác biệt trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Như vậy, nghiên cứu không những góp phần tăng cường uy tín nghề nghiệp mà còn làm cho xã hội đánh giá đúng mức giá trị của các dịch vụ chăm sóc và vị thế của người điều dưỡng.
- Tăng cường hiệu suất và hiệu quả chi phí:
+ Hiệu quả là khả năng đạt được mục tiêu đặt ra với một nguồn lực nhất định.
Ví dụ: Mục tiêu đặt ra cho một điều dưỡng viên là chăm sóc toàn diện cho 10 người bệnh, nếu điều dưỡng viên đạt được điều đó thì cô ta là người điều dưỡng có hiệu quả.
+ Hiệu suất được đánh giá dựa trên xem xét về sự phù hợp và sự cần thiết các chỉ định của bác sĩ.
Ví dụ: Nếu chỉ cần chụp xquang đã giải quyết được vấn đề thì không cần phải chỉ định chụp MRI.
Việc phân tích chi phí sẽ giúp chúng ta đánh giá được hiệu quả dịch vụ chăm sóc hoặc một chương trình y tế; nhất là trong giai đoạn hiện nay chi phí y tế ngày càng cao làm cho các nhà quản lý y tế và người bệnh quan tâm ngày càng nhiều tới chi phí cho các loại dịch vụ y tế mà họ nhận được. Hơn nữa hệ thống bệnh viện đang chuyển đến sự tự chủ về tài chính theo chủ trương của Nhà nước; đặt ra yêu cầu không chỉ đối với người quản lý bệnh viện mà cả bác sĩ và điều dưỡng lâm sàng cũng phải quan tâm đến hiệu suất và hiệu quả chi phí đối với các dịch vụ y tế. Chính vì vậy mà điều dưỡng cần phải nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi phí trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh, để các nguồn lực hạn hẹp giành cho y tế được sử dụng hiệu quả nhất.
II. CHỌN VẤN ĐỀ ĐỂ NGHIÊN CỨU
1.1. Chọn đề tài nghiên cứu
Người điều dưỡng tùy theo năng lực và kinh nghiệm của bản thân có thể thực hiện nhiều lĩnh vực nghiên cứu không chỉ trong y học mà còn các lĩnh vực khoa học khác. Nghề điều dưỡng có ba lĩnh vực thường được chọn nghiên cứu đó là đào tạo điều dưỡng, thực hành điều dưỡng và quản lý điều dưỡng. Khi lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu cần phải xem xét khả năng thực hiện và khả năng áp dụng các đề tài sau nghiên cứu cũng như ảnh hưởng của nó đến nghề nghiệp, môi trường và xã hội. Trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu có nhiều chủ đề nghiên cứu và trong mỗi chủ đề nghiên cứu có nhiều vấn đề nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu chính là vấn đề ưu tiên được chọn ra để tiến hành nghiên cứu trong số những vấn đề đang tồn tại.
1.2. Phân biệt lĩnh vực, chủ đề và vấn đề nghiên cứu
- Lĩnh vực nghiên cứu: Thường có phạm vi rộng lớn như quản lý điều dưỡng, thực hành điều dưỡng, đào tạo điều dưỡng.
- Chủ đề nghiên cứu: Là bộ phận cấu thành của lĩnh vực nghiên cứu. Ví dụ: Chăm sóc người bệnh toàn diện, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, giáo dục sức khỏe.
- Vấn đề nghiên cứu: Còn gọi là đề tài nghiên cứu
1.3. Tiêu chuẩn chọn vấn đề nghiên cứu
- Phù hợp: Để xác định vấn đề nghiên cứu có phù hợp không, người nghiên cứu cần đưa ra các câu hỏi để tìm kiếm câu trả lời như sau:
- Phạm vi của vấn đề đó có lớn không
- Hậu quả vấn đề đó như thế nào
- Vấn đề đó có đến mức phải can thiệp không
- Tính mới: Trước khi quyết định nghiên cứu điều quan trọng là phải biết vấn đề nghiên cứu đó có ai nghiên cứu chưa? Nếu đã có người nghiên cứu thì những vấn đề chưa được giải quyết là gì?
- Tính khả thi: Tính khả thi của đề tài nghiên cứu phụ thuộc vào các yếu tố sau
- Có đủ nhân lực có năng lực để nghiên cứu
- Có đủ thời gian để nghiên cứu
- Có đủ kinh phí để nghiên cứu
- Sự chấp nhận của chính quyền và cơ quan quản lý.
- Tính ứng dụng kết quả nghiên cứu: Ai sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu này?
- Sự chấp nhận về đạo đức: Đề tài này không gây tổn hại đến sức khỏe, nhân phẩm của người tham gia nghiên cứu.
1.4. Tên đề tài nghiên cứu
Khi viết tên đề tài nghiên cứu cần chọn lọc từ sao cho chứa đựng các thông tin có ý nghĩa và hấp dẫn người đọc ngay khi họ đọc. Tiêu đề nghiên cứu thường chứa đựng các thành phần sau: Nội dung nghiên cứu, quần thể nghiên cứu, địa điểm, thời gian nghiên cứu. Tránh sử dụng các từ không có thông tin như: Một số nhận xét, tình hình, góp phần v.v.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Đức mục (2005) - Nghiên cứu điều dưỡng -TB lần 2- NXB Y học – Năm 2012 – Tr.1-27
- Trường ĐH Y Dược Huế (2013) - Chứng chỉ quản lý điều dưỡng – LH nội bộ - Năm 2013 – Tr.96-104 và Tr.224-230.
- 10/02/2017 06:39 - Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mổ đứt gân b…
- 08/02/2017 12:32 - Các dạng thuốc không được nghiền hay bẻ nhỏ trong …
- 03/02/2017 17:34 - Kháng sinh dự phòng cho mổ lấy thai
- 31/01/2017 21:06 - DAAs – Cơ hội mới dành cho người viêm gan virus C
- 27/01/2017 12:29 - Thái độ ứng xử của nhân viên y tế trong bệnh viện
- 22/01/2017 19:44 - Hãy là người ứng xử có văn hóa trong mọi quan hệ …
- 20/01/2017 10:27 - Tai biến mạch máu não, kế hoạch chăm sóc
- 14/01/2017 19:52 - Cung cấp oxy không ích lợi ở nhiều bệnh nhân bị bệ…
- 13/01/2017 08:40 - Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn trên lâm sàng
- 06/01/2017 20:34 - Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc cho người cao…