BS Lê Quang Thịnh -
Tuổi mãn kinh trung bình 45-50, đánh dấu giai đoạn ngừng hoạt động của buồng trứng dẫn đến sự sản xuất progesterone, estrogen giảm dần và sau đó là ngừng hẳn. Từ đó dẫn đến sự thay đổi nội tiết trong cơ thể người phụ nữ. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến biến đổi tâm lý, sinh lý và bệnh lý (loãng xương, tim mạch, alzheimer's …).
Theo Hiệp hội mãn kinh thế giới, mục tiêu của chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh là giảm các triệu chứng mãn kinh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo các chuyên gia hiện nay để đạt được điều này, ngoài việc thay đổi lối sống như tăng cường vận động thể lực, ăn uống điều độ, giảm cân… thì liệu pháp nội tiết là trị liệu quan trọng cho phụ nữ quanh mãn kinh.
Lợi ích của liệu pháp nội tiết: hiệu quả cao trong điều trị các triệu chứng rối loạn vận mạch và niệu sinh dục, bảo vệ tim mạch nếu bắt đầu sử dụng sớm quanh thời kỳ mãn kinh, giảm nguy cơ bệnh Alzheimer.
Trước khi điều trị nội tiết, nên tiến hành khám tổng quát (các bệnh mãn tính, các u bướu, tình trạng cắt tử cung, tiền căn gia đình…) và cận lâm sàng (cholesterol toàn phần; chức năng gan, thận; nhũ ảnh; tầm soát ung thư cổ tử cung, niêm mạc tử cung; mật độ xương; xét nghiệm khác khi cần thiết …) cũng như cần theo dõi tim mạch, vú & hệ sinh dục trong và sau quá trình điều trị nội tiết.
Nguyên tắc sử dụng liệu pháp nội tiết là: phối hợp Estrogen và Progestin nếu còn tử cung, chỉ sử dụng Estrogen đơn thuần nếu đã cắt tử cung. Tư vấn đầy đủ thông tin cho bệnh nhân, sử dụng liều tối thiểu có hiệu quả, thời gian cần thiết để điều trị.
Về thời gian tối ưu cho liệu pháp nội tiết, các chuyên gia nhấn mạnh “Chưa thấy có lý do nào để hạn chế thời gian sử dụng liệu pháp nội tiết điều trị” và liệu pháp vẫn nên “tiếp tục sử dụng cho đến khi nào lợi ích của nó vẫn cao hơn nguy cơ”. Quan trọng nhất là bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ trong suốt thời gian sử dụng liệu pháp bởi các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo lợi ích điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Muốn biết thêm chi tiết, xin đọc tại đây