• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Chảy máu cam ở phụ nữ mang thai

  • PDF.

Bs CK2 Nguyễn Thị Kiều Trinh - 

1. Chảy máu cam hay gặp ở phụ nữ mang thai không?

Đây là vấn đề khá phổ biến và thường xảy ra ở tam cá nguyệt ba. Theo nghiên cứu của Dugan-Kim và cộng sự, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị chảy máu cam cao gấp ba lần so với phụ nữ không mang thai và cứ năm phụ nữ mang thai thì có ít nhất một người chảy máu cam trên hai lần trong quá trình mang thai.

2. Nguyên nhân chảy máu cam

  • Nguyên nhân ở mũi: u hạt sinh mủ ở mũi, viêm xoang mạn tính, polyp trong mũi, viêm mũi, ngoáy mũi..
  • Nguyên nhân do tác động bên ngoài: Chấn thương, thủng vách ngăn, dị dạng mạch máu, chứng dãn mạch, sử dụng nhiều các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
  • Nguyên nhân do các bệnh lý kèm theo: Bệnh máu khó đông, tăng huyết áp, bệnh bạch cầu, xơ gan, rối loạn chức năng tiểu cầu, giảm tiểu cầu,…
  • Sử dụng các loại thuốc trong thai kỳ : thuốc chống đông máu, Aspirin, thuốc chống viêm Non steroid... cũng là yếu tố gây ra chảy máu cam.
  • Tăng sinh mạch máu trong thai kỳ: gia tăng lưu lượng máu trong thai kỳ, các mạch máu giãn ra và mỏng đi và việc gia tăng áp lực mạch máu khiến chúng dễ vỡ và chảy máu.
  • Thay đổi nội tiết trong thời kỳ mang thai: Estrogen gây tắc nghẽn mạch máu, phù nề niêm mạc và viêm mũi tái phát ở 20% phụ nữ có thai. Estrogen cũng có thể có tác động gián tiếp lên thành mạch. Trong khi đó, progesterone làm tăng thể tích máu, có thể gây ra sự gia tăng các thay đổi mạch máu gây chảy máu cam
  • Yếu tố nhau thai cũng góp phần vào nguy cơ chảy máu cam, giải phóng hormone tăng trưởng nhau thai quyết định các tác động toàn thân như giãn mạch., làm cho các mạch máu dễ vỡ trong thai kỳ.
  • Thay đổi về miễn dịch khi mang thai cũng không kém phần quan trọng có thể dẫn đến quá mẫn, dị ứng làm cho yếu tố thành mạch bị thay đổi, dễ vỡ mạch máu.
  • Thay đổi thời tiết: màng nhầy trong mũi hanh khô rất nhanh trong điều kiện thời tiết lạnh và khô, trong không gian có máy lạnh làm tăng nguy cơ chảy máu cam cao hơn.

chaymaucam1

Chảy máu cam trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

3. Ảnh hưởng của chảy máu cam đến mẹ và thai

Đa số chảy máu cam khá phổ biến và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của phụ nữ mang thai, tuy nhiên một vài trường hợp chảy máu cam nặng trong thai kỳ cần can thiệp y khoa cấp cứu. Tình trạng mất máu cấp có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

  • Đối với thai nhi: Mẹ chảy máu cam nặng dẫn đến thiếu máu do đó không cung cấp đủ lượng máu đến thai nhi. Thiếu máu ở thai nhi là một nguyên nhân gây ra tình trạng suy thai trước sinh hoặc ở tuổi thai nhỏ hơn có thể dẫn đến sinh non. Trong quá trình chuyển dạ, tình trạng chảy máu cam cũng có thể trầm trọng hơn do sự gắng sức do đó làm tăng nguy cơ thiếu oxy thai nhi.
  • Đối với người mẹ: Ngoài những ảnh hưởng nặng nề do chảy máu cam nặng gây ra trong quá trình mang thai, người mẹ còn gánh thêm những nguy cơ khác sau sinh. Theo nghiên cứu, phụ nữ chảy máu cam khi mang thai có nguy cơ băng huyết sau sinh tăng đáng kể so với phụ nữ không chảy máu cam khi mang thai dù phương pháp sinh thường hay sinh chủ động.

4. Xử trí chảy máu cam trong thai kỳ

Tùy tình trạng chảy máu cam, sự lặp lại và lượng máu mất mà có các biện pháp xử trí khác nhau.

  • Đối với trường hợp chảy máu cam thông thường thì việc bịt mũi để ép mạch máu làm cản trở việc chảy máu có hiệu quả đối với chảy máu mũi trước, nên bịt chặt phía trên cánh mũi đang chảy máu và thở qua miệng, ép giữ trong vòng 10-15 phút có thể ngăn chặn chảy máu thêm.
  • Thai phụ không nên nằm mà ngồi ở tư thế nghiêng người về phía trước để máu còn đọng lại chảy ra khỏi lỗ mũi, không nên ngửa người ra phía sau làm máu có thể chảy ngược vào trong gây tắc nghẽn đường thở.
  • Để ngăn ngừa chảy máu cam tái phát trong 24 h tới, cần chú ý:

              - Không nên nằm xuống mặt phẳng ngang.

              - Tránh ngoáy mũi.

              - Tránh vận động mạnh

              - Tránh dùng các đồ uống nóng và rượu vì chúng có thể làm giãn các mạch máu trong mũi.

  • Can thiệp y khoa: như chèn gạc cầm máu, băng, bọt biển (spongel) cầm máu, thuốc cầm máu như tranxamic acid ( từ các BS chuyên khoa tai mũi họng)
  • Trường hợp chảy máu cam nặng gây mất máu cấp phải nhập viện thậm chí can thiệp phẫu thuật và truyền máu
  • Những phụ nữ mang thai chảy máu cam kèm các bệnh lý phức tạp như bệnh mạch vành, tăng huyết áp nặng hoặc thiếu máu nghiêm trọng cũng cần thận trọng. Thai phụ nên nhập viện và theo dõi sát.
  • Một số trường hợp chảy máu trầm trọng, tình theo tình trạng tuổi thai, các Bác sĩ sản khoa sẽ phối hợp với chuyên khoa tai mũi họng tiếp cận đa phương thức điều trị cho thai phụ, cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ để không ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai.
  • Trong một số trường hợp cần kết thúc thai kỳ, các chuyên gia sản khoa sẽ cân nhắc việc khởi phát chuyển dạ tùy thuộc vào tình trạng mẹ và thai, chỉ số Bishop để khuyến cáo sanh ngã âm đạo hay mổ lấy thai chủ động.
  • Trong quá trình sinh thường hay sinh mổ, cần đề phòng băng huyết sau sinh.

chaymaucam2

Hình 2: Niêm mạc mũi xung huyết trong chảy máu cam (nguồn : internet)

chaymaucam3

Hình 3:Tư thế phù hợp trong chảy máu cam là ngồi và nghiêng về trước (nguồn: internet)

5. Phòng ngừa chảy máu cam trong thai kỳ

  • Uống nhiều nước, giữ ẩm cho màng nhầy niêm mạc mũi.
  • Nếu quá khô, có thể dùng thêm thuốc giữ ẩm mũi đơn giản như nước muối sinh lý loãng, thuốc xịt mũi dành cho phụ nữ mang thai, tránh dùng các thuốc làm khô màng nhầy niêm mạc mũi, sử dụng thuốc theo hướng dẫn cúa Bác sĩ.
  • Tránh xa các chất gây kích ứng mũi như khói thuốc, nước hoa, hóa chất.
  • Khi hắt hơi nên mở miệng, không che lại để giảm áp lực lên mũi, tránh nguy cơ chảy máu.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, ăn nhiều rau quả đặc biệt các loại trái cây có nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch.

6. Kết luận

  • Chảy máu cam là một vấn đề phổ biến và tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc phải khá cao nhưng hầu hết các trường hợp không cần can thiệp y khoa.
  • Trường hợp chảy máu cam nặng cần được xử trí kịp thời để giảm thấp nhất có thể các ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Và phương pháp chấm dứt thai kỳ phù hợp với tình trạng sức khỏe của thai phụ cũng cần được cân nhắc.
  • Vấn đề băng huyết sau sinh cũng cần được chú trọng khi khai thác tiền sử của những phụ nữ mang thai nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc kết thúc thai kỳ một cách an toàn.

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Thị Thanh – IVFAS, Chảy máu cam trong thai kỳ, WWW. Hosrem.org, 25/9/2020.
  2. Laura Giambanco, Vito Iannone, [...], and Paolo Scollo, The way a nose could affect pregnancy: severe and recurrent epistaxis, Pan Afr Med J. 2019; 34: 49.
  3. Sadhana Kala, (MD, OB/GYN), medically reviewed  written by Rebecca Malachi ,Nosebleeds During Pregnancy: Causes, Treatment And Prevention,February 20, 2020 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 27 Tháng 1 2021 09:07

You are here Đào tạo Tập san Y học Chảy máu cam ở phụ nữ mang thai