• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Những điều cần biết để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục

  • PDF.

Khoa Sản

Sức khỏe nói chung hay sức khỏe sinh sản nói riêng là sự hài hòa giữa thể chất, tinh thần, và xã hội liên quan đến hệ sinh sản, là tấm gương phản ánh tình trạng sức khỏe nói chung của nam cũng như nữ trong độ tuổi sinh sản thông qua các mối liên quan mật thiết với các cơ quan khác trong cơ thể. Vì thế, vấn đề chăm sóc và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

std1

Cũng như các cơ quan khác, hệ thống sinh sản của con người cũng đứng trước nhiều nguy cơ bị tổn thương với các tác nhân bên ngoài lẫn bên trong, đặc biệt là trong độ tuổi hoạt động tình dục. Một trong những tác nhân đó chính là nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường sinh sản hay còn gọi là các bệnh lây truyền qua đường tình dục với các tác nhân như vikhuẩn, virus, đơn bào, ký sinh trùng gây bệnh .v.v.... Cho đến nay con người đã biết đến hơn 40 loài vi sinh vật gây nên gần 20 hội chứng hay bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (AIDS).

Tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới thay đổi theo vùng miền, theo điều kiện kinh tế xã hội, tính trung bình thì hằng năm trên thế giới có gần 400 triệu người bị lây nhiễm các bệnh lý này. Ở Việt Nam, theo ước tính con số này là khoảng 1 triệu người, trong đó vị thành niên và thanh niên chiếm khoảng 40%, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội và là thách thức đối với ngành y tế nói chung, đối với chuyên ngành sức khỏe sinh sản nói riêng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục xuất hiện trong độ tuổi sinh sản ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ hoặc nặng, âm ỉ hoặc rầm rộ, biểu hiện tại chỗ hoặc toàn thân tùy thuộc vào tác nhân xâm nhập (loại vi khuẩn, nấm hoặc vius), sự đáp ứng của cơ thể và thời điểm phát hiện sớm hay muộn. Cả nam và nữ đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên nguy cơ bị mắc cao hơn ở nữ giới vì những đặc thù trong cấu trúc của cơ quan sinh dục. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn ở những người có nhiều bạn tình, có những hành vi tình dục thiếu an toàn, quan hệ đồng giới nam, nghiện chích ma túy hay những người đang bị nhiễm HIV.

Đa số các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời, nếu không sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như viêm nhiễm lan tỏa đến các bộ phận khác (bàng quang, đường tiêu hóa .v.v…), suy giảm khả năng tình dục cũng như khả năng có con, và nguy hiểm hơn cả là có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Như vậy, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng quá trình điều trị, góp phần làm tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn về thời gian, giảm thiểu về chi phí, sớm cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản nói riêng và sức khỏe cơ thể nói chung. Các biểu hiện sớm cần được phát hiện bao gồm:

  • Có hiện tượng tiết dịch bất thường ở cơ quan sinh dục như âm đạo hoặc dương vật;
  • Hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị đỏ, ngứa, sưng nề, hoặc có các nốt, vết loét bất thường, các tổn thương này có thể đau hay không đau;
  • Đau bất thường vùng bụng dưới và không liên quan gì đến hành kinh;
  • Trên da xuất hiện nhiều mụn cóc hay phỏng rộp, các tổn thương này gây đau, chảy nước. Hoặc có các đốm đỏ hay phỏng rộp quanh miệng, ngứa, khô và nứt vùng môi lớn và môi bé âm hộ.
  • Tiểu buốt, tiểu đau rát, hoạc tiểu nhiều hơn bình thường;
  • Giao hợp đau hoặc chảy máu;
  • Nổi hạch vùng bẹn.
  • Khí hư đổi màu hoặc có mùi hôi bất thường.
  • Đôi khi có kèm theo sốt.

std2

Khi xuất hiện một trong các triệu chứng như vậy, chúng ta cần phải thực hiện các yêu cầu sau:

  • Thứ nhất, đến ngay cơ sở y tế để được xác định chính xác loại bệnh, giai đoạn bệnh đê có chỉ định điều trị. Tốt nhất là khám ở chuyên khoa Phụ sản, còn đối với nam giới thì đến phòng khám Nam khoa hay Da liễu.
  • Thứ hai, không nên tự chữa hoặc tự ý ngừng điều trị khi cảm thấy “khỏi bệnh” mà cần phải có nhận định của bác sỹ;
  • Thứ ba, tốt nhất không quan hệ tình dục trong thờigian điều trị, nếu có quan hệ thì phải sử dụng bao cao su đúng cách;
  • Khuyên bạn tình của mình đi khám và điều trị, nếu không thì sẽ bị tái phát ngay sau khi quan hệ.

Điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục đôi khi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các tổn thương phối hợp hay ở gia đoạn muộn, bên cạnh đó có một số bệnh không thể chữa khỏi mà chỉ không làm nặng thêm hoặc chỉ điều trị triệu chứng như bệnh mụn rộp, viêm gan siêu vi B, sùi mào gà, đặc biệt là nhiễm HIV. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết giúp bảo vệ bản thân và bạn tình tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Không quan hệ tình dục trước hôn nhân; sống chung thủy, một vợ một chống, hoặc một bạn tình duy nhất. Không quan hệ tình dục với gái mại dâm, hoặc với người mà mình nghi ngờ nhiẽm bệnh lây truyền qua đường tình dục;
  • Luôn sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục;
  • Cẩn trọng khi tiếp xúc với máu, hoặc dịch tiết sinh dục của người khác, đặc biệt là vào vùng da của mình đang có tổn thương (như trầy sướt);
  • Không sử dụng lại bơm tiêm, mà chỉ sử dụng một lần;
  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể, vệ sinh sinh dục, vệ sinh sau giao hợp. Luôn giữ bộ phận sinh dục luôn khô ráo, sạch sẽ.
  • Đi khám ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, cần nhớ là phải điều trị cho cả bạn tình;
  • Nếu đã được điều trị khỏi các căn bệnh này: bản thân và bạn tình cần phải đi kiểm tra lại 3 tháng 1 lần.
  • Cần trang bị các kiến thức về tình dục an toàn cho cả 2 người.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục với mức độ biểu hiện khác nhau đã tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, gây suy giảm sức lao động. Mặc dầu bệnh có thể chữa được, nhưng những di chứng để lại cũng không hề ít và rất dễ tái phát nếu gặp điều kiện thuận lợi, vì vậy công tác phòng tránh trở nên vô cùng cần thiết không chỉ từ ngành y tế, mà còn từ sự chủ động ở mỗi con người.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ môn phụ sản,  Sản phụ khoa tập II, Viêm sinh dục, Nhà xuất bản Y học, 2011, trang 746- 760.
  2. Sexually transmitted infections (STIs). World Health Organization. http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs110/en/. Accessed June 23, 2014.
  3. Markle W, et al. Sexually transmitted diseases. Primary Care: Clinics Office Practice. 2013;40:557.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 05 Tháng 11 2015 20:36

You are here Tin tức Y học thường thức Những điều cần biết để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục