• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hen và béo phì: đâu là yếu tố nguy cơ?

  • PDF.

Bs Lê Thị Hậu - 

Béo phì là một yếu tố nguy cơ làm nặng tình trạng trên bệnh nhân mắc hen. Mối quan hệ giữa béo phì và hen suyễn bắt nguồn từ sự tương tác phức tạp của các yếu tố sinh học, sinh lý và môi trường. Hen suyễn ở bệnh nhân béo phì thường nặng và khó kiểm soát, nên ở bài viết này sẽ đề cập tới một số yếu tố nguy cơ quan trọng cần lưu của hen và béo phì

Yếu tố di truyền: Di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cả béo phì và hen suyễn. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn hoặc béo phì có thể có nguy cơ cao hơn. Các nghiên cứu trên cặp sinh đôi cho thấy 8% yếu tố di truyền của béo phì có  liên quan đến hen suyễn. Trong một nghiên cứu, trẻ em có khuynh hướng di truyền đối với béo phì ở người trưởng thành đã cho thấy nguy cơ tăng mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới và hen khò khè nghiêm trọng ở giai đoạn đầu của trẻ, không phụ thuộc với chỉ số khối cơ thể (BMI) ở trẻ em.

Yếu tố môi trường: Các nghiên cứu quan sát cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí và hút thuốc của cha mẹ là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với sự phát triển của cả béo phì và hen suyễn ở trẻ em.

Yếu tố dinh dưỡng: Chế độ ăn kém chất lượng (ví dụ: chứa nhiều đường hoặc axit béo bão hòa, hoặc ít chất chống oxy hóa hoặc chất xơ) có liên quan đến việc làm tăng các triệu chứng hô hấp và góp phần vào sự phát triển của béo phì. Một bữa ăn chứa nhiều axit béo bão hòa có thể làm tăng viêm đường thở cấp tính và giảm chức năng phổi; ngược lại, một loại bổ sung chất xơ cao có tác dụng ngược lại. Mức độ vi chất dinh dưỡng thấp như vitamin D cũng có thể góp phần vào nguy cơ mắc hen suyễn.

henbeo

Sự tăng trưởng phổi: Trẻ em mắc béo phì có thể tích phổi tăng so với kích thước đường thở, thể hiện qua tỷ lệ thể tích thở ra gắng sức trong một giây đầu(FEV1) so với dung tích sống gắng sức (FVC) thấp hơn mức bình thường, mặc dù giá trị FEV1 và FVC vẫn nằm trong phạm vi bình thường. Sự tăng trưởng phổi không đồng bộ biểu hiện sớm nhất là khi sơ sinh, và nó góp phần gây hạn chế lưu thông khí ở trẻ em béo phì. Thêm vào đó, việc không đồng bộ này còn liên quan đến mức insulin cao hơn, gia tăng các cơn hen suyễn, và việc sử dụng glucocorticoid toàn thân ở trẻ em mắc hen suyễn.

Yếu tố cơ học: Sự tích tụ mỡ ở thành ngực và ổ bụng làm giảm dung tích cặn chức năng (thể tích lượng không khí còn lại trong phổi sau khi thở ra bình thường); việc hô hấp với dung tích cặn chức năng thấp hơn có thể làm tăng phản ứng đường thở. Tuy nhiên, bệnh nhân béo phì thở ở thể tích phổi thấp tương tự bất kể tình trạng hen suyễn, vì vậy các yếu tố khác cũng phải liên quan.

Rối loạn chuyển hóa: Mô mỡ ở những người béo phì giải phóng các chất trung gian gây viêm như interleukin (IL)-6. Nồng độ IL-6 trong máu cao có liên quan đến việc kiểm soát hen  kém, và các chỉ dấu viêm trong mô mỡ tăng lên ở những bệnh nhân mắc đồng thời hen phế quản và béo phì so với những người chỉ béo phì, cho thấy các yếu tố chuyển hóa có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của hen phế quản liên quan đến béo phì. Do đó, tình trạng chuyển hóa của mô mỡ có thể quan trọng hơn khối lượng mỡ trong việc xác định mức độ nặng của hen phế quản.

Tình trạng kháng insulin ở những người mắc hen phế quản có liên quan đến giảm chức năng hô hấp, đáp ứng kém với thuốc giãn phế quản và sự suy giảm chức năng phổi diễn tiến nhanh, làm rõ mối liên hệ giữa sức khỏe chuyển hóa và bệnh hen phế quản.

Chức năng tế bào miễn dịch: Chức năng tế bào miễn dịch mắc phải và bẩm sinh bị thay đổi ở người béo phì. Một trong những thay đổi đó là sự ức chế chức năng của tế bào lympho T-help liên quan đến các phản ứng dị ứng. Các tế bào lympho bẩm sinh (ILC), phản ứng với các tín hiệu tổn thương nội tại thay vì kháng nguyên, có thể góp phần gây viêm đường hô hấp do hen suyễn ở bệnh béo phì. Sự tương tác giữa tế bào Th1 và tế bào cơ trơn đường thở có thể được tăng cường trong hen suyễn ở người béo phì.

Chức năng bạch cầu ái toan cũng bị thay đổi do béo phì. Mặc dù số lượng bạch cầu ái toan dưới niêm mạc tăng ở bệnh nhân béo phì mắc hen suyễn so với những người thừa cân và gầy, nhưng số lượng bạch cầu ái toan trong đờm và máu ngoại vi không tăng ở bệnh nhân béo phì.

Tăng stress oxy hóa: Bệnh nhân béo phì và mắc hen khởi phát muộn (≥12 tuổi) có mức độ stress oxy hóa tăng cao, và bản thân stress oxy hóa này có liên quan đến suy giảm chức năng phổi.

Thần kinh chi phối đường thở: đề cập đến sự thay đổi trong sự phân bố và hoạt động của các sợi thần kinh chi phối đường thở ở những người mắc bệnh béo phì. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì có thể làm tăng mức độ chi phối thần kinh của đường thở, dẫn đến các phản ứng bất thường như co thắt phế quản và tăng độ nhạy cảm của đường thở, đặc biệt là khi có sự hiện diện của các yếu tố như insulin cao và các chất trung gian viêm.

Ở những người béo phì, mức insulin thường cao và có thể tác động đến các tế bào thần kinh trong đường thở, làm tăng sự nhạy cảm và phản ứng của các cơ trơn phế quản, từ đó gây ra các triệu chứng hen suyễn như khó thở và thở khò khè. Sự thay đổi này có thể làm tăng khả năng co thắt phế quản do phản xạ, đặc biệt là trong các tình huống có kích thích từ môi trường hoặc viêm nhiễm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Obesity and asthma -Anne E Dixon, BM, BChSharmilee Maria Nyenhuis, MD, FAAAAI
  2. Obesity and Airway Dysanapsis in Children with and without Asthma. - Forno E, Weiner DJ, Mullen J, Sawicki G, Kurland G, Han YY, Cloutier MM, Canino G, Weiss ST, Litonjua AA, Celedón JC

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 22 Tháng 4 2025 16:52

You are here Tin tức Y học thường thức Hen và béo phì: đâu là yếu tố nguy cơ?