• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tăng cường giảm thiểu rác thải nhựa y tế hưởng ứng ngày môi trường thế giới 2023

  • PDF.

ThS Huỳnh Thị Phúc – 

I. Rác thải nhựa và nguy cơ từ rác thải nhựa

Theo đánh giá của UNEP (2022), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Hiện nay nhựa nói chung và nhựa có giá trị tái chế thấp nói riêng tỉ lệ tái chế đang rất thấp. Mặc dù rác thải nhựa gia tăng, trong năm 2021 thế giới thải ra 353 tấn rác thải nhựa, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường. (Nguồn - Báo cáo ngày 22/02/2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Hầu như chất thải chưa được phân loại và thường được quản lý theo 2 giải pháp là chôn lấp hoặc thiêu đốt, một lượng lớn chất thải không được quản lý xả thải trực tiếp ra môi trường. Từ thực tế nhựa là sản phẩm tiện dụng và khá rẻ trên thị trường, cho thấy nguy cơ ô nhiễm nhựa rác thải nhựa không ngừng tăng trong những năm sắp tới.

Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất....

Với nguy cơ ngày càng gia tăng lượng chất thải nhựa, môi trường xung quanh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng:

- Môi trường đất: Nhựa lẫn trong đất đến 1000 năm mới phân hủy từ đó phá vỡ cấu trúc đất. Làm đất không thể giữ nước – đất mất đi chất dinh dưỡng và nước trở nên khô cằn, ngăn cản quá trình trao đổi khí các sinh vật sống trong đất, làm chết và ô nhiễm đất, cây trồng và các sinh vật có lợi trong đất chết dần. Ảnh hưởng đến nền kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp.

- Nước: Nhựa lẫn trong nước dưới tác động ánh sáng mặt trời và các tia cực tím sẽ bị phân tán thành các mảnh nhỏ - ô nhiễm trắng. Gây ô nhiễm nước mặt và đó cũng là nguyên nhân gây chết hàng loạt sinh vật ở trong sông, đại dương. Nước ngấm vào đất từ đó gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. 

- Không khí: Khi đốt nhựa tự phát không kiểm soát bên ngoài môi trường hoặc các lò đốt không đảm bảo sẽ phát sinh các khí độc hại như chất độc đioxin, furan. Gây ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính và các vấn đề biến đổi khí hậu. 

- Gây ngập lụt cục bộ: Tắc nghẽn hệ thống thoát; Mất mỹ quan đô thị

- Du lịch, kinh tế biển: Phá vỡ quang cảnh thiên nhiên, môi trường bị ô nhiễm, Đóng cửa khai thác các bãi biển, khu du lịch ô nhiễm… từ đó giảm khả năng khai thác du lịch. Ảnh hưởng khả năng nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản – giảm tỉ trọng GDP đóng góp ngành thủy sản.

- Sức khỏe con người, sinh vật:

+ Nhựa xâm nhập vào cơ thể con người thông qua nước uống, thức ăn, việc gói, đựng thức ăn trong các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, trong không khí có các hạt nhựa li ti, mỹ phẩm và các sinh vật ăn phải các sản phẩm là nhựa lâu ngày tích tụ trong cơ thể mà con người trực tiếp ăn phải: tôm cá, ngao sò ốc…

+ Nghiên cứu gần đây cho thấy vi nhựa ở trong máu, mỗi tuần con người hấp thụ lượng nhựa đủ để ép được thẻ ngân hàng (Theo CNN). 

+ Gây các bệnh ung thư, ngộ độc hệ thần kinh, gây rối loạn nội tiết tố sinh dục, dị tật bẩm sinh các bệnh về máu, tim mạch, khả năng sinh sản, giảm miễn dịch hệ hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.  

+ Gây chết hàng loạt sinh vật ăn phải nhựa khi chúng nhầm là thức ăn – tích tụ nhiều trong cơ thể không thể tiêu hóa, trao đổi chất từ đó phá vỡ cân bằng hệ sinh thái môi trường, phá vỡ chuỗi thức ăn sinh học.

II. Các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa và rác thải nhựa y tế

Ngày Môi trường thế giới lần thứ 50 (ngày 05 tháng 6 năm 2023) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).

Ngày môi trường thế giới năm nay với thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Tại Việt Nam những năm qua cũng đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế  đã ban hành Chỉ thị số: 08/CT-BYT, ngày 29 tháng 7 năm 2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.

Để hưởng ứng thông điệp ngày môi trường thế giới năm 2023 đồng thời duy trì tiếp tục chỉ thị 08/CT-BYT của Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tích cực thực hiện hiệu quả xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, quản lý chất thải y tế và giảm thiểu chất thải nhựa theo các quy định hiện hành.

Bệnh viện đa khoa Quảng Nam kêu gọi toàn thể nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh cùng chung tay thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa việc phát sinh rác thải nhựa ra khuôn viên bệnh viện, cũng như môi trường xung quanh. Cụ thể như sau:

- Giảm và tiến tới ngừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày của cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, thay thế bằng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và an toàn.

- Đối với các hoạt động chuyên môn y tế: Giảm sử dụng một số vật dụng, vật tư y tế làm từ nhựa có thể thay thế được bằng các sản phẩm làm từ các vật liệu thân thiện môi trường như sử dụng găng tay cao su, khẩu trang, mũ trùm đầu, bọc giầy, túi đựng thuốc bằng giấy; tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống thay cho đường tiêm; ứng dụng công nghệ số trong chụp X-quang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ để hạn chế in phim làm bằng nhựa.

- Đối với các sản phẩm nhựa không thể thay thế sẽ phân loại triệt để tại nguồn để thu gom tái chế theo quy định.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tập thể công chức, viên chức, người lao động về tác hại của chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy đối với môi trường sống; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; nói chuyện sức khỏe tại buổi sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở các khoa phòng với nội dung về tác hại của chất thải nhựa đến sức khỏe và môi trường,...

Nguồn:

  1. https://www.unep.org/events/un-day/world-environment-day-2023
  2. https://www.worldenvironmentday.global/
  3. https://moitruongachau.com/

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 06 Tháng 6 2023 06:23

You are here Tin tức Y học thường thức Tăng cường giảm thiểu rác thải nhựa y tế hưởng ứng ngày môi trường thế giới 2023