Bs CKI Phạm Văn Sáu - Khoa Cấp Cứu
Vào ngày 23/08/2014 – BVĐK Quảng Nam đã cấp cứu kịp thời cho 02 cha con bệnh nhân: Đoàn Văn T. (cha) và Đoàn Thị Th. (con gái). Do ăn thử vài hạt Bả đậu thấy béo và ngon, khoảng hơn 01 giờ sau, cả hai cha con cùng xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn mữa và tiêu chảy phân toàn nước nhiều lần, người lừ đừ mệt nhiều, được gia đình đưa vào khoa cấp cứu BVĐK Quảng Nam cùng với mẫu cây Bả đậu và hạt. Hai bố con đã bị ngộ độc cấp do ăn hạt Bả đậu, được các Bác sĩ kịp thời cấp cứu truyền dịch, làm các xét nghiệm theo dõi chức năng gan, thận và được chuyển Khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc theo dõi điều trị.
Đây là trường hợp ngộ độc hạt Bả đậu đầu tiên tại BVĐK Quảng Nam. Loại cây và hạt bả đậu mà 02 cha con ăn phải – qua tìm hiểu tài liệu của DS. Phan Đức Bình thì đây là cây Bả đậu nam, còn gọi là cây Dầu lai, cây Dầu mè, Đậu cọc rào, Purging nut tree (Anh), Pourghère (Pháp), tên khoa học Jatropha curcas L. (Euphorbiaceae).
Bả đậu nam (Dầu lai) là tiểu mộc, cao 1 - 5 m, có nhũ dịch trong, nhiều. Phiến không lông, đáy hình tim, có thùy; cuống dài 5 - 12 cm. Tảng phồng lưỡng phân, đồng chu; lá đài 5; cánh hoa 5, trắng; nhị 5 dính nhau, 5 rời. Trái nang to 2,5 cm, vàng lúc chín, chứa 3 hột cao 18 mm, đen, mòng trắng. Gốc Brasil, mọc hoang hoặc trồng khắp nước ta để lấy hột ép dầu. Hột có dulcitol. Dầu từ hột độc (chứa curcin là một toxalbumin), có khi dùng để xổ mạnh (độc), chỉ dùng bôi ngoài da trị ghẻ và lở loét ngoài da. Nhũ dịch (mủ) dùng thuốc cá. Vỏ cây chứa b-amirin, taraxerol, b-sitosterol; lá, chồi chứa? -amirin, campesterol. Lá già độc, có tính chống ung thư bạch huyết (leukemia), nhưng đọt có khi luộc ăn và có nơi dùng như trà hay đắp vú lợi sữa. Mủ cầm máu tốt, trị nhọt, lở miệng.
(Bả đậu nam)
Đọc thêm...