Trần Thi Na - Khoa HHTM
Kết quả của các xét nghiệm đông máu phụ thuộc rất nhiều vào cách lấy máu làm xét nghiệm. Để tiến hành tốt các kỹ thuật này, cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây trong khâu lấy bệnh phẩm:
Trước khi lấy máu cần nắm chính xác tiền sử gia đình, tiền sử bản thân bệnh nhân về chảy máu. Bệnh nhân có được điều trị các thuốc có ảnh hưởng đến hệ thống đông máu như Aspirin, Heparin, dẫn xuất Coumarin hiện tại hoặc trong thời gian gần đây..hay không?
Tốt nhất bệnh nhân không được ăn chất béo trong vòng 12 giờ trước khi lấy máu nhằm tránh sai lạc kết quả xét nghiệm do huyết tương bị đục. Ngoại trừ những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân được nghỉ ngơi trước khi lấy máu vì mọi sự vận động mạnh đều gây tình trạng tăng nồng độ các yếu tố đông máu trong huyết tương. Đối với phụ nữ nên tránh xét nghiệm đông máu trong những ngày đang hành kinh.
Tốt nhất là lấy máu tĩnh mạch, chỉ lấy máu động mạch, mao mạch trong những trường hợp không thể lấy được máu tĩnh mạch.
Lấy máu phải đảm bảo hạn chế đến mức tối đa sự khởi động đường đông máu nội sinh: cần sử dụng bơm tiêm nhựa hoặc tráng silicon. Chọc vào tĩnh mạch, không được chọc vào nơi có tụ máu hoặc vết chọc trước.
Máu lấy ra cho vào ống nghiệm nhựa có chứa chất chống đông (loại chống đông hiện nay đang đùng là Natricitrat 3,8%). Tỷ lệ chống đông tùy theo từng xét nghiệm.
Các xét nghiệm cần được tiến hành trong khoảng thời gian 4 giờ kể từ khi lấy máu . Bảo quản mẫu máu ở nhiệt độ 40C (trong trường hợp mẫu xét nghiệm là huyết tương giàu tiểu cầu thì bảo quản ở nhiệt độ 220C)
Lưu ý, kết quả của các xét nghiệm đông máu thường quy không phản ánh chính xác lượng các yếu tố đông máu trong mẫu kiểm tra mà chỉ là tỷ lệ phần trăm so với mẫu chứng bình thường (ngoại trừ các xét nghiệm định lượng chính xác các yếu tố đông máu nếu có). Trong khi đó nồng độ các yếu tố đông máu ở người bình thường dao động trong một khoảng khá rộng (ví dụ yếu tố VII: 30-180%). Vì vậy mẫu chứng cần phải là mẫu máu trộn của nhiều người (pool), một pool tốt nhất là lấy từ 15 người bình thường. Mẫu chứng phải đảm bảo lấy cùng thời điểm với mẫu bệnh hoặc được đông khô và bảo quản trong những điều kiện chuẩn. Mẫu chứng và mẫu bệnh luôn được tiến hành cùng kỹ thuật, cùng điều kiện và cùng một người thực hiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch- Bộ Môn Ngoại (2010), "Rối loạn cầm máu - đông máu trong Ngoại khoa", Sổ tay Ngoại khoa lâm sàng, tr. 1 - 12.
- Nguyễn Ngọc Minh (2007), Bài giảng huyết học truyền máu sau đại học, nhà xuất bản Y học, tr 403-424
- Đỗ Trung Phấn (2013), Kỹ thuật xét nghiệm huyết học và truyền máu, nhà xuất bản Y học, tr 70-71
- Trevor B, Keeling D, Steve K (2012), Effects on routine coagulation screens and assessment of anticoagulant intensity in patients taking oral dabigatran or rivaroxaban: Guidance from the British Committee for Standards in Haematology, British Journal of Haematology, pp. 1-8.
- 29/09/2014 19:48 - Chăm sóc dinh dưỡng ở bệnh nhân đột quỵ
- 28/09/2014 19:51 - Loét và cách phòng chống
- 26/09/2014 09:38 - Ethanol
- 26/09/2014 08:54 - Những thành tựu từ liệu pháp tế bào gốc
- 24/09/2014 12:13 - Chế độ ăn uống, luyện tập cho bệnh nhân tăng huyết…
- 23/09/2014 16:16 - Sự cần thiết nhịn ăn uống trước khi bệnh nhân phẫu…
- 22/09/2014 19:44 - Công văn điện tử
- 22/09/2014 19:23 - Các thuốc gây tăng huyết áp
- 20/09/2014 09:02 - Trưa nắng
- 20/09/2014 08:28 - Phục hồi chức năng cho trẻ bị tự kỷ