• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28/9

  • PDF.

Khoa Dược

Bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường lây truyền qua các loài động vật hoang dại mà nhiều nhất là từ chó (83%), mèo (13,3%) qua vết cắn, cào cấu hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước dãi con vật.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới hằng năm có khoảng 55.000 người chết vì bệnh dại. Viện Pasteur TP HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã có 35 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Mặc dù là căn bệnh rất nguy hiểm (bệnh dại hiện không có thuốc điều trị và khi đã lên cơn thì 100% tử vong) nhưng tỉ lệ chích ngừa rất thấp. Tính chủ quan cùng với sự thiếu hiểu biết về bệnh đã dẫn đến nhiều cái chết đáng tiếc.Hầu hết những trường hợp tử vong là do không đi tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn hoặc tiêm muộn.

dai1

1. Đặc điểm của bệnh:

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếpxúc.Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

- Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập

- Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng.Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

- Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

- Chẩn đoán xác định: bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp

2. Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh là vi rút dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Sức đề kháng của vi rút dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút, ở 600C/5-10 phút và ở 700C/2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 40C, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 00C sống được từ 3 - 4 năm.

3.  Phương thức lây truyền

Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.
          .
4. Tính cảm nhiễm và miễn dịch:

Tất cả loài động vật máu nóng đều có cảm nhiễm với vi rút dại ở mức độ khác nhau. Tính cảm nhiễm cao nhất là chó, chó sói, mèo, cáo rồi đến trâu, bò, ngựa, lợn, lạc đà, khỉ, gấu, chuột. Trong đó, chó bị mắc bệnh nhiều nhất. Dơi hút máu, dơi ăn hoa quả, dơi ăn côn trùng đều có thể nhiễm bệnh. Loài chim không mẫn cảm với bệnh dại, Cho đến nay, chưa biết được tính miễn dịch tự nhiên ở người.

5. Các biện pháp phòng, chống dịch

5.1. Biện pháp dự phòng:

- Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, nhất là khi phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc; đến các cơ sở y tế Dự phòng để khám, tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Phổ biến nội dung, biện pháp thực hiện Nghị định số 05/2007-NĐ-CP về phòng chống bệnh dại ở động vật và ở người để cộng đồng biết và thực hiện.

- Phối hợp thú y và y tế thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật nhất là chó, mèo.

- Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.

- Những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có vi rút dại... cần được gây miễn dịch bằng vắc xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.

Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:

 - Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

 - Bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: Dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng. Không được lạm dụng trong sử dụng vắc xin và HTKD.

Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin + HTKD phải thực hiện càng sớm càng tốt.

- Vắc xin dại: vắc xin dại tế bào là tốt nhất, đây là vắc xin an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Nước ta từ năm 1992 đã dùng vắc xin dại tế bào Verorab, có 2 phác đồ dưới đây được WHO đồng ý và khuyến cáo sử dụng:

+ Phác đồ tiêm bắp: 0,5ml x 5 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, 14, 28.

+ Phác đồ tiêm trong da: liều đơn 0,1ml x 8 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, mỗi ngày tiêm 2 liều đơn vào 2 vị trí khác nhau của vùng cơ Delta, tiêm tiếp vào ngày 28 và ngày 90 kể từ mũi tiêm thứ nhất, mỗi ngày 1 liều vào cơ Delta.

5.2. Biện pháp chống dịch

- Điều kiện và thẩm quyền công bố dịch, chống dịch và công bố hết dịch:  thực hiện theo Nghị định số 05/2007/NĐ-CP, ngày 09 tháng 01 năm 2007

- Chuyên môn: Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.

+ Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.

+ Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

+ Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.

+ Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.

+ Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam

5.3. Kiểm dịch y tế biên giới:

Không thực hiện kiểm dịch ở người, chỉ thực hiện kiểm dịch động vật do Ngành thú y thực hiện theo Pháp lệnh thú y 18/2004 PL-UB-TV11, Nghị định 33/2005/NĐ-NĐ-CP, Nghị định số 05/2007-NĐ-CP.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 12 Tháng 9 2014 19:56

You are here Tin tức Y học thường thức Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28/9