Ths Bs Trần Thị Minh Thịnh - Khoa Nội TH
Tai biến mạch máu não còn được gọi là đột quỵ. Theo tổ chức y tế thế giới: ''Tai biến mạch máu não là sự xảy ra đột ngột các thiếu sót chức năng thần kinh, thường khu trú hơn là lan toả, tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ. Các khám xét loại trừ nguyên nhân chấn thương". Tai biến mạch máu não gồm 2 thể chính: Nhồi máu não (nhũn não) và xuất huyết não.
Tai biến mạch máu não luôn là vấn đề thời sự cấp bách của Y học. Tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng rất cao và tăng theo thang tuổi, chủ yếu từ 50 tuổi trở lên, nam nhiều hơn nữ. Ở Việt Nam tai biến mạch máu não ngày càng gia tăng, trở thành một vấn đề lớn của ngành thần kinh học. Một số thống kê ở bệnh viện tỉnh thành cho thấy bệnh nhân nội trú vì tai biến mạch máu não gia tăng. Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu. Tai biến mạch máu não được xem như là bệnh đe dọa tình trạng tử vong cũng như một tàn phế trầm trọng về tinh thần lẫn thể xác người bệnh, để lại nhiều di chứng về tâm thần kinh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển các phương tiện chẩn đoán, nghiên cứu những biện pháp điều trị tích cực, và nhất là nhiều tiến bộ trong cơ chế bệnh sinh tai biến mạch máu não, nhiều nghiên cứu dịch tể học cho thấy tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não có giảm nhưng giảm không đáng kể. Đối với những nguyên nhân làm nặng thêm bệnh lý tai biến mạch máu não là rối loạn điện giải trong đó có hạ natri huyết tương.
Na+ là cation chính của dịch ngoại bào, do đó có vai trò đáng kể đối với nồng độ thẩm thấu của dịch ngoại bào. Hạ natri huyết tương là rối loạn điện giải thường gặp ở bệnh nhân tai biến mạch máu não, đây là biến chứng thứ phát sau tổn thương hệ thần kinh, dẫn đến rối loạn chức năng trầm trọng hệ thần kinh. Hạ natri huyết tương khi natri huyết tương < 135 mmol/lít. Hạ natri huyết tương sẽ dẫn đến tăng thể tích nội bào, gây phù tế bào. Kết quả là rối loạn chức năng tế bào, đặc biệt là tế bào của hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng lâm sàng của hạ natri huyết tương phụ thuộc vào mức độ hạ natri huyết tương hoặc tốc độ hạ natri huyết tương, triệu chứng của hạ natri máu bao gồm các triệu chứng thần kinh thường lẫn với triệu chứng của tai biến mạch máu não. Do đó hạ natri huyết tương là một rối loạn điện giải thường bị bỏ sót, hậu quả gây nên tình trạng phù não và làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân dẫn tới tăng tỷ lệ tử vong, giảm khả năng bình phục của bệnh nhân tai biến mạch máu não. Trong 1 số nghiên cứu cho thấy hạ natri huyết tương trong xuất huyết não chiếm tỷ lệ cao hơn nhồi máu não. Glasgow càng thấp, kích thước tồn thương não càng lớn thì tỷ lệ hạ natri huyết tương càng cao. Trong xuất huyết não vị trí tổn thương ở gian não thì tỷ lệ hạ natri máu càng cao.
Trong tai biến mạch máu não hai hội chứng gây hạ natri máu cấp: SIADH (Syndrome of inappropriate antidiuretic hormone), CSWS: (Cerebral salt wasting syndrome). Hai hội chứng này có cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị khác nhau. SIADH điều trị hạn chế nước đưa vào cơ thể, thuốc lợi tiểu cũng có thể được giảm tái hấp thu nước, nhưng phải cẩn thận không để mất cân bằng nước quá nhanh. Đối với bệnh nhân có triệu chứng hạ natri máu nặng truyền muối trong 3-4 giờ nên được đưa ra. CSWS điều trị truyền dịch và muối, dùng fludrocortisone. Vì vậy ta cần phân biệt 2 hội chứng này để điều trị cho phù hợp.
Do đặc tính của tai biến mạch máu não là khởi phát đột ngột tiến triển nhanh đến thiếu hụt thần kinh, bệnh diễn tiến nặng dần ngay từ đầu nên thầy thuốc có một nhận định đúng đắn nhất để xử trí những tình huống của bệnh, hạn chế tử vong và những biến chứng thường gặp khác do tai biến mạch máu não. Chúng ta điều trị như một cấp cứu nội khoa sẽ cải thiện tình trạng bệnh nhân khi ra viện và hạ tỷ lệ tử vong một cách đáng kể.
Trong tai biến mạch máu não giai đoạn cấp và bán cấp, cần theo dõi natri huyết tương liên tục cho bệnh nhân, phát hiện sớm hạ natri huyết tương để có hướng xử trí đúng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tai biến mạch máu não.
Tài liệu tham khảo.
- Nguyễn Thanh Sơn (2003), "Nghiên cứu sự biến đổi natri huyết tương ở bệnh nhân tai biến mạch máu não cấp", Luận văn thạc sỹ y học, Trường đại học Y Khoa Huế.
- Richard H. Sterns, Stephen M. Slive(2008), “Cerebral Salt Wasting Versus SIADH: What Difference”, Jounal of the American society of nephrology.
- Sheikh Saleem, Irfan Yousuf, Azhara Gul, Satish Gupta, Sawan Verma(2014), “Hypernatremia in stroke”, official journal of indian academy of neurology, vol 11
- 24/04/2014 08:25 - Bướu giáp đơn
- 22/04/2014 12:33 - Đôi điều về SpO2
- 22/04/2014 08:07 - U xơ tiền liệt tuyến
- 22/04/2014 07:20 - Những điều cần biết về viêm gan siêu vi C
- 21/04/2014 09:21 - Xoắn tinh hoàn
- 17/04/2014 08:52 - Viêm quanh khớp vai và thực hành trong khám - điều…
- 15/04/2014 17:37 - Điều trị viêm quanh khớp vai
- 15/04/2014 17:13 - Chương trình tập phục hồi chức năng sau tái tạo dâ…
- 11/04/2014 09:26 - Xét nghiệm men Cholinesterase trong máu
- 10/04/2014 19:41 - Phình động mạch chủ bụng trên CT Scanner