• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Chương trình tập phục hồi chức năng sau tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối của Shelbourne và Nitz

  • PDF.

Bs CKI Nguyễn Duy Tân - Khoa PHCN

Khoa PHCN chúng tôi áp dụng chương trình tập luyện dựa trên chương trình của Shelbourne và Nitz năm 1990, kết hợp với hướng dẫn dành cho bệnh nhân (BN) sau tái tạo dây chằng chéo trước (DCCT) bằng gân cơ thon và gân cơ bán gân. Chương trình đã được áp dụng tại Trung Tâm Chấn Thương Chỉnh Hình–Phẫu Thuật Tạo Hình Bệnh viện Trung ương Huế, gồm các giai đoạn như sau:

phcnkhopgoi 

Giai đoạn I: Ngay sau sau mổ đến 6 tuần.

Tất cả BN ngay mổ đều được nẹp cố định ở tư tế duỗi gối hoàn toàn.

Trong thời gian hồi tỉnh sau mổ, BN nằm ngửa với bàn chân được kê cao hơn gối, gối cao hơn hông.

Nẹp duỗi gối phải mang liên tục kể cả lúc ngủ trong tuần đầu sau mổ, trừ những lúc tập PHCN.

Vết mổ cần được giữ khô trong 7 -10 ngày đầu sau mổ.

Mục tiêu:

  • Bảo vệ sự cố định mảnh ghép vào xương (8 -12 tuần) đồng thời giảm thiểu tác động của sự bất động.
  • Chăm sóc gối và vết thương (thay băng)
  • Kiểm soát viêm đau và sưng nề.
  • Duỗi thụ động gối hoàn toàn ngay lập tức .
  • Kích hoạt sơ tứ đầu.

Các bài tập chình thức: (thường bắt đầu từ ngày thứ 2-3 sau mổ)

Duỗi gối thụ động (tránh hạn chế duỗi gối về sau): kê gót chân bên mổ lên một tấm chăn mỏng được cuộn lại, lưu ý cần kê chân đủ cao để bắp chân và đùi nhấc khỏi mặt giường. Khi đã đạt được tư thế đúng, ấn gối xuống mặt giường để duỗi gối hoàn toàn trong 6 giây sau đó thư giãn 10 giây và lặp lại động tác.

Tập cơ tứ đầu: Cần bắt đầu tập cơ tứ đầu sớm để hạn chế teo cơ, ngoài ra bài tập này còn giúp giảm bớt sưng nề và tràn dịch khớp gối. Bắt đầu bằng tập gồng cơ tứ đầu đùi với gối duỗi hoàn toàn. Cần đạt được sức co cơ tối đa vào khoảng ngày thứ tư sau mổ, khi có thể giữ vững chân trong tư thế duỗi gối hoàn toàn, chuyển sang bài tập nhấc toàn bộ chân trong tư thế duỗi gối. Gồng căng cơ tứ đầu để giữ vững gối, nhấc toàn bộ chân lên khỏi mặt giường 20 -30 cm, giữ 6 giây, và từ từ hạ chân xuống. Tập bài tập này 6 -8 lần mỗi ngày để duy trì duỗi gối hoàn toàn.

Tập vận động khớp háng, cử động cổ chân: Trượt bàn chân trên tường (giúp tăng biên độ gấp gối): nằm ngửa đủ sát để đặt hai chân lên tường. Từ tư thế duỗi hai chân, trượt dần bàn chân bên mổ xuống đến khi cảm giác căng khớp gối. Giữ như vậy trong 15 đến 30 giây sau đó trượt bàn chân về vị trí ban đầu, lặp lại 2 đến 4 lần. Có thể thay thế  bài tập này bằng cách ngồi ở cạnh giường và gấp gối đến 90 độ. Trong 2 tuần đầu cần gấp được 90 độ.

Tập các cơ bắp chân: các cơ bắp chân (cơ sinh đôi cẳng chân và cơ dép) có vai trò trong làm vững khớp gối nhờ làm dịch chuyển xương chày ra trước. Bắt đầu với các bài tập cơ bắp chân không tì trọng lượng cơ thể, để tập trung vào cơ sinh đôi tập ở tư thế gối duỗi thẳng, tập trung vào cơ dép gối hơi gấp nhẹ. Dần dần chuyển sang bài tập tì toàn bộ trọng lượng cơ thể ở giai đoạn tiếp theo.

Tập nhóm cơ khoeo mặt sau đùi: không tập nhóm cơ này trong giai đoạn sớm do nguy cơ kích thích phần còn lại của cơ bán gân hoặc gây bệnh lý gân cho cơ bán màng.Những bài tập nhẹ có thể bắt đầu vào khoảng 4 tuần, sau 6 tuần có thể tập các bài tập co cơ đẳng trường nhẹ dần dần tập trượt gót chân tư thế nằm ngửa. Ngồi hoặc nằm ngửa, duỗi thẳng 2 chân trên mặt giường, gồng các cơ mặt sau đùi để ấn gót chân xuống giường đồng thời trượt gót chân về phía mông, giữ khoảng 6 giây và từ từ quay lại vị trí ban đầu, lặp lại 8 đến 12 lần.

Nhấc gót chân tì trọng lượng: tập đi lại tì đè trong suốt quá trình sau mổ. Trong 2 tuần đầu, tập đi lại chịu một phần trọng lượng với 2 nạng giữ cân bằng. Sau tuần thứ 2 cho toàn bộ sức nặng cơ thể trên chân được phẩu thuật. Vào cuối giai đoạn này cho tập nhấc gót chân trong tư thế đứng tì toàn bộ trọng lượng cơ thể để đạt được sức cơ cho toàn bộ chi. Đứng thẳng tựa tay vào ghế, nhón 2 chân để nâng cơ thể lên, giữ trong 6 giây rồi từ từ hạ gót xuống tư thế ban đầu. Trường hợp có tổn thương sụn chêm kèm theo, tập chịu tỳ đè bằng đầu ngón chân, sau 4 – 6 tuần mới chụi toàn bộ sức nặng.

Kết thúc giai đoạn này cần đạt được: (tiêu chuẩn đạt giai đoạn I)

  • Duỗi gối hoàn toàn.
  • Nâng chân tư thế duỗi không chùng gối.
  • Không khập khiễng hoặc đi tư thế chống đau.
  • Gấp gối 90 độ
  • Không có dấu hiệu viêm hoạt động.
  • Không có tràn dịch hoặc phù.
  • Không có đau tăng thêm.

Giai đoạn II: từ 6 đến 8 tuần

Những tiêu chí cho phép BN chuyển từ giai đoạn I sang giai đoạn II là có thể co cơ tứ đầu tốt nhờ đó nâng chân trong tư thế duỗi không chùng gối.

Ngoài ra, biên độ gấp gối phải đạt tối thiểu 90 độ, duỗi gối hoàn toàn. Bất kì dấu hiệu viêm nào ở giai đoạn này đều cần hết sức chú ý và yêu cầu BN tiếp tục ở lại giai đoạn I.

Mục tiêu:

  • Phục hồi dáng đi bình thường.
  • Duy trì duỗi gối hoàn toàn.
  • Tăng dần biên độ gấp gối.
  • Bảo vệ mảnh ghép.
  • Bắt đầu các bài tập cơ chân ngỗng với chi không cố định.

Các bài tập:

Tập ngồi xổm: Bắt đầu với động tác trượt dọc theo bờ tường với biên độ vận động giới hạn (0 độ đến 45 độ). Đứng tựa lưng vào tường như hình dưới, từ từ trượt dọc theo bờ tường xuống. Lưu ý: không gấp gối quá 90 độ , không nhấc gót chân khỏi sàn nhà.

Từ từ chuyến sang bài tập ngồi xổm tối thiểu: đứng thẳng 2 chân ngang vai và hơi xoay ngoài nhẹ, tay vin và ghế. Gấp háng và gối để từ từ hạ thấp mông xuống, giữ một lúc và trở về vị trí ban đầu.

Tập thăng bằng và cảm giác bản thể: đúng trên một chân là bài tập thăng phổ biến và hiệu quả nhất: đứng trên một chân, mở mắt và tựa nhẹ tay lên một điểm tựa chuyến sang nhắm mắt và tựa tay lên một điểm tựa, rồi mở mắt và buông 2 tay khỏi điểm tựa.

Cuối giai đoạn này bắt đầu các bài tập có kháng trở, từ đơn giản như chống lại trọng lực đến các bài tập nặng hơn với máy tập.

Kết thuc giai đoạn này cần đạt được: (tiêu chuẩn đạt giai đoạn II)

  • Biên độ vận động tối đa.
  • Phục hồi tốt cơ tứ đầu.
  • Duy trì duỗi thụ động gối hoàn toàn.

Giai đoạn III: 8 tuần đến 6 tháng

Mục tiêu:

  • Đạt được biên độ vận động gối tối đa.
  • Gia tăng sức mạnh, độ bền, và cảm nhận bản thể của chi dưới để chuẩn bị cho các hoạt động chức năng.
  • Tránh chụi tải quá mức lên mảnh ghép.
  • Bảo vệ khớp bánh chè đùi.

Các bài tập:

Tiếp tục các bài tập tăng biên độ vận động và kéo giãn và có thể bắt đầu các bài tập ở mức độ cao hơn.

Ngồi xổm trên một chân: đứng thăng bằng trên một chân, gấp gối từ 0 độ đến 45 độ để từ từ hạ thấp trọng tâm và duỗi gối để trở về vị trí ban đầu.

Bước lên xuống bậc cấp (tăng từ 5 cm lên 20 cm).

Ép chân (một hoặc hai chân).

Tập với phương tiện hỗ trợ: bắt đầu ở tư thế gối 45 độ, gồng cơ để đẩy tạ đến tư thế duỗi thẳng gối , giảm 50 % trọng lượng tạ khi tập với chỉ một chân.

Tăng cường các bài tập giữ thăng bằng.

Tập chạy bộ: chạy trên đường bằng phẳng, chạy chậm rãi, tăng dần quãng đường một cách đều đặn, an toan, và không gây đau.

Kết thúc giai đoạn này cần đạt được: (tiêu chuẩn giai đoạn III)

  • Đạt biên độ vận động tối đa không đau.
  • Không có bằng chứng kích thích khớp bánh chè đùi.
  • Cơ lực và cảm giác bản thể đạt xấp chỉ 70% chân không đau.
  • Bắt đầu các bài tập chi cố định tăng cường.

Giai đoạn IV: từ 6 đến 9 tháng sau mổ

Tái khám để đánh giá sau 6 tháng về độ vững, sức cơ và chức năng khớp gối.

Tiếp tục tập luyện để tăng cường sức mạnh cũng như sức chịu đựng để quay lại với công việc và các hoạt động thể thao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

Shelbourne K.D, Nitz P (1990), “Accelerated rehabilitation after anterior cruciate ligament reconstruction”, Am J Sports Med, 18, pp.292-299.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 17:30

You are here Tin tức Y học thường thức Chương trình tập phục hồi chức năng sau tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối của Shelbourne và Nitz