• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

HbA1c và vai trò của HbA1c

  • PDF.

Ths Bs Cao Thành Vân -Khoa HSTC-CĐ

1. HbA1c LÀ GÌ

- Hemoglobine (Hb) là thành phần chính của hồng cầu, gồm hai thành phần là nhân heme và globin. Trong hồng cầu của người trưởng thành bình thường có 3 loại Hemoglobine là HbA, HbA2, HbF; trong đó HbA là chủ yếu chiếm 97-99%, HbA2 chiếm 1-3%, HbF hiện diện dưới dạng vết.

- Bình thường luôn luôn có sự gắn kết của đường đơn trong máu với Hb của hồng cầu gọi là hiện tượng đường hoá (Glycosylated Hemoglobine), tạo thành HbA1. Đây là phản ứng không có sự xúc tác của enzym và không đảo ngược, tạo ra sản phẩm bền vững, tồn tại cùng đời sống hồng cầu (120 ngày).

- Tuỳ thuộc vào loại đường đơn và vị trí gắn vào HbA mà có 4 loại HbA1 là HbA1a1, HbA1a2, HbA1b và HbA1c; trong đó HbA1c được hình thành do các phân tử glucose gắn với nhóm NH2 của valin trong chuỗi β của Hb. Do đường đơn trong máu chủ yếu là glucose nên thành phần chủ yếu của HbA1 là HbA1c, chiếm tỉ lệ 80% HbA1 và chiếm 4-6% Hb toàn phần.

 HbA1c1

2. VAI TRÒ CỦA HbA1C

- Do sự hình thành HbA1c xảy ra chậm, bền vững và tồn tại cùng đời sống hồng cầu nên HbA1c phản ánh mức Glucose máu trong vòng 2-3  tháng trước đó, là thông số cần thiết giúp theo dõi sự kiểm soát Glucose máu, giúp quản lý bệnh đái tháo đường tốt hơn.

- HbA1c là sản phẩm nội bào (trong hồng cầu), không thay đổi nhiều theo lượng đường ăn vào, có sự ổn định hơn Glucose máu nên giá trị HbA1c không phản ánh nồng độ glucose máu tức thời và không bị ảnh hưởng bởi thời điểm lấy máu (lúc no, lúc đói đều được), giúp loại trừ các trường hợp tăng Glucose máu do Stress.

3. TƯƠNG QUAN GIỮA TRỊ SỐ HbA1c VÀ MỨC GLUCOSE MÁU TRUNG BÌNH

 HbA1c2

4. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HbA1c

- Tăng HbA1c giả hiệu: PreHbA1c, HC Ure huyết cao (Hb bị Carbamoyl hóa ).

- Giảm HbA1c giả hiệu: Các bệnh làm giảm đời sống HC như tán huyết, thiếu máu mạn hoặc cấp, sau trích máu điều trị, nhiễm sắc tố sắt, Hemoglobine bất thường (HbF,HbH,HbS,HbD,HbE,HbC)…

5. KẾT LUẬN 

HbA1C là một loại huyết sắc tố đã được glycosyl hóa, là sản phẩm tạo thành của glucose hoặc dẫn xuất phosphoryl của glucose với chuổi β của huyết sắc tố A (HbA). Phản ứng glycosyl hóa diễn ra trong suốt thời gian của đời sống hồng cầu (120 ngày). Ở người bình thường, HbA1C chiếm 4-6% hemoglobin toàn phần và tồn tại cùng đời sống hồng cầu nên phản ảnh được tình hình glucose máu của người bệnh trong khoảng thời gian 2 – 3 tháng trước đó. Do tính chất bền vững theo thời gian và chỉ phụ thuộc vào đường huyết nên HbA1C được coi là một thông số có giá trị trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh đái tháo đường. Kết quả không chính xác khi người bệnh bị thiếu máu, có bệnh huyết sắc tố, suy thận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ môn sinh lý – Đại học Y Hà Nội (1984), Bài giảng sinh lý, NXB Y học, Hà Nội.
2. Lâm Văn Hoàng (2009), Chỉ số HbA1c và 10 điều cần biết, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Thế Khánh, Phạm Tử Dương (2005), Xét ngiệm sử dụng trong lâm sàng, NXB Y học, Hà Nội.
4. Trần Ngọc Trâm (1999), “Nghiên cứu tăng đường huyết ở bệnh nhân TBMMN cấp qua HbA1c và nghiệm pháp dung nạp đường”, Luận văn thạc sĩ y học, Huế.

 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 08 Tháng 4 2013 08:03

You are here Tin tức Y học thường thức HbA1c và vai trò của HbA1c