• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hãy tích cực hưởng ứng Ngày Tim Mạch Thế Giới 2015 (World Heart Day 2015)

  • PDF.

Thông điệp: "Tạo môi trường lành mạnh cho trái tim khỏe" (Healthy Heart Environments)

ngaytim1

 ngaytim2

Bs CK II Trần Lâm - Khoa Nội TM

Trong cuộc sống hiện đại ngày này, gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, từng gia đình và cho toàn xã hội. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim và đột quỵ bao gồm tăng huyết áp, mức cholesterol và glucose máu cao, hút thuốc lá, ăn không đủ trái cây và rau quả, thừa cân, béo phì, ít vận động....

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi mạng sống của khoảng 17,5 triệu người. Có thể nói, bệnh tim mạch là kẻ giết người nguy hiểm nhất thế giới. Theo thống kê, tử vong do bệnh lý tim mạch cao gấp 4 lần tổng tử vong do 3 loại bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Cứ 3 phụ nữ tử vong thì có 1 người tử vong do bệnh lý tim mạch. Và mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra mắc các bệnh tim bẩm sinh.

Trước thực tế này, ngay từ năm 2000, Liên đoàn Tim mạch thế giới (World Heart Federation – WHF) đã quyết định chọn ngày 29 tháng 9 là “Ngày Tim mạch thế giới” (World Heart Day). Từ đó, hàng năm vào ngày này, WHF phối hợp với WHO tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng ở hơn 100 quốc gia thành viên. Ở từng quốc gia, đây là dịp để họ tự nhìn nhận, đánh giá lại những điều chưa làm được và đề ra phương hướng, biện pháp để phấn đấu vì những mục tiêu cụ thể đối với sức khỏe tim mạch cộng đồng. Trong dịp này, chính phủ và các tổ chức không chính phủ phối hợp tiến hành các hoạt động hướng đến cộng đồng - bao gồm kiểm tra sức khỏe, tổ chức các sự kiện thể thao (đi bộ, chạy bộ, trình diễn thể dục, thể thao, thể hình...), các buổi nói chuyện về sức khỏe tim mạch, biểu diễn sân khấu, diễn đàn khoa học, triển lãm, hòa nhạc, lễ hội và các giải thể thao. Phải chắc chắn rằng, mọi người đều có cơ hội thực hiện những chọn lựa để có trái tim khỏe bất cứ nơi đâu họ đang sống, làm việc và vui chơi. Và mỗi người, từng người biết cách chia sẽ thông qua các kênh thông tin về những hoạt động, những thành công mà mình đã đạt được cho bạn bè, người thân, cộng đồng...

Nhân Ngày Tim mạch thế giới năm nay, WHF và WHO đưa ra một thông điệp: "Tạo môi trường lành mạnh cho một trái tim khỏe" cũng không ngoài mục đích nhằm nâng cao ý thức phòng chống bệnh tim mạch trong cộng đồng trên toàn thế giới. Để hưởng ứng thông điệp đầy tính nhân văn này, chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm và hành động cụ thể chứ không phải chỉ là phong trào, băng rôn hay biểu ngữ.

A. Các yếu tố nguy cơ tim mạch: bao gồm:

a. Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được: * Hút thuốc lá, * Ít hoạt động thể lực, * ăn uống không lành mạnh, * tăng huyết áp, * rối loạn lipid máu, * quá cân, béo phì, * đái tháo đường, * tình trạng kinh tế-xã hội.

b. Các yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được:

  • Tiền sử gia đình,
  • Tuổi,
  • Giới,
  • Chủng tộc.

- Tuổi: Sau tuổi 55, cứ tăng mỗi 10 năm thì nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

- Giới tính: Đàn ông có nguy cơ bệnh tim cao hơn phụ nữ. Sau tuổi mãn kinh, nguy cơ của 2 giới tương đương đương nhau. Đối với đột quỵ, 2 giới có nguy cơ bằng nhau.

- Chủng tộc: Người gốc Châu Á và Châu Phi có nguy cơ xuất hiện bệnh tim mạch cao hơn những nhóm dân tộc khác.

- Tình trạng kinh tế-xã hội: Nghèo đói làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh tim và đột quỵ. Cuộc sống bị stress kéo dài, bị cô lập xã hội, lo lắng và trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ.

Nếu bạn có 1 yếu tố nguy cơ, chưa chắc sẽ bị bệnh tim mạch. Nhưng nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ hơn, khả năng bị bệnh tim mạch sẽ cao hơn; trừ khi bạn có những hành động tích cực để điều chĩnh những yếu tố nguy cơ của mình.

B. Dự phòng bệnh tim mạch cho bản thân và cộng đồng:

Phần lớn các yếu tố nguy cơ tim mạch đều có thể kiểm soát tốt. Sau đây là vài lời khuyên để kiểm soát các yếu tố nguy cơ và bảo vệ trái tim của bạn,  người thân và cộng đồng, đó là:

ngaytim31. Chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh: khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây, một số sản phẩm ngũ cốc, đậu, thịt nạt, cá, dầu thực vật. Hạn chế các thức ăn có các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn. Tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh vì thường chứa nhiều muối. Hạn chế uống rượu, bia và các đồ uống có cồn.

 

ngaytim42. Tập thể dục thường xuyên, đều đặn, mỗi ngày 30 phút có thể giúp dự phòng cơn đau tim và đột quỵ. Bạn có thể thử đi bộ lên cầu thang thay vì đi thang máy, đi bộ thay vì đi xe bus. Hoạt động tích cực giúp bạn giảm stress và kiểm soát cân nặng, đây cũng là 2 yếu tố nguy cơ tim mạch.

 

 

ngaytim53. Ngưng hút thuốc lá và tránh xa thuốc lá: Nếu bạn ngưng hút thuốc lá, nguy cơ bệnh mạch vành sẽ giảm trong vòng 1 năm, và theo thời gian sẽ trở về bình thường. Cần phải tránh xa môi trường thuốc lá, bởi vì tiếp xúc thụ động với khói thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ bị cơn đau tim.

 

 

ngaytim64. Duy trì cân nặng hợp lý, và hạn chế muối sẽ giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ cơn đau tim và đột quỵ. Một phương pháp tốt có thể giúp bạn theo dõi cân nặng là sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index). Để tính chỉ số BMI, bạn lấy cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng met). Một người trưởng thành khỏe mạnh phải giữ chỉ số BMI trong khoảng 18,5 – 24,9.

 

ngaytim75. Bạn nên biết các con số của mình: Cần khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol và hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo / vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ số 1 của đột quỵ, và là yếu tố nguy cơ chủ yếu của khoảng 50% cơn đau tim. Hàm lượng cholesterol và hàm lượng đường trong máu cao cũng đặt bạn ở một nguy cơ lớn hơn. Hãy thử tính tuổi tim (heart age calculator) để biết sức khỏe quả tim của mình thế nào trước khi cần đến lời khuyên của thầy thuốc.

6. Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.

ngaytim8

7. Sử dụng thuốc cẩn thận: Phải dùng thuốc theo dơn của bác sĩ và bảo đảm tuân thủ chế độ điều trị.

 

 

 

ngaytim98. Theo dõi sự tiến bộ và thành quả đạt được: Bạn có cảm thấy tự hào về những điều đã làm cho sức khỏe của bản thân và gia đình mình.

 

 

 

ngaytim109. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nguy kịch: Phải biết các dấu hiệu cảnh báo nguy kịch để tìm kiếm sự giúp đở càng sớm càng tốt, đây là cơ hội tốt nhất để có sự hồi phục đầy đủ. Bạn nên tham gia khóa học “ hồi sinh tim phổi” để có thể giúp đỡ người khác thoát chết do ngưng tim đột ngột.

- Dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực: đây triệu chứng thường gặp nhất của bệnh mạch vành. Đau thường khởi phát khi gắng sức, ở ngay sau xương ức, đau nhói, thắt chặt, lan ra vai trái, cánh tay trái, bàn tay trái... Đau thường kéo dài vài phút, giảm đi khi nghỉ ngơi. Nếu cơn đau xuất hiện lúc nghỉ hoặc cơn đau quá trầm trọng hoặc kéo dài trên 30 phút thì phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim cấp.

- Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ: Nếu có 1 trong những triệu chứng sau:

  •  Tê hoặc yếu mặt, tay hoặc chân, đặc biệt xuất hiện ở 1 bên của cơ thể.
  •   Đột ngột lú lẫn, khó nói, chậm hiểu
  •   Đột ngột khó khăn trong việc nhìn ở 1 hoặc 2 mắt
  •   Đột ngột khó đi lại, xâm xoàng, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp
  •   Đột ngột đau đầu không rõ lý do.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 9 2015 20:19

You are here Tin tức Y học thường thức Hãy tích cực hưởng ứng Ngày Tim Mạch Thế Giới 2015 (World Heart Day 2015)