Bs Trình Trung Phong
Bệnh nhân : HỒ THỊ N. 22 TUỔI,
Địa chỉ : Phước trà, Hiệp Đức, Quảng Nam.
Số vào viện: 38696 Vào viện : 18h37 phút ngày 19 tháng 11 năm 2013.
Bệnh sử: Bệnh nhân bị chó cắn cách nhập viện khoảng 1,5 tháng, bệnh nhân không điều trị gì và sinh hoạt bình thường. Khởi bệnh trước nhập viện 2 ngày với đau tê rần tay trái, uống nước khó khăn, không sợ nước, không sợ gió, đau thượng vị. Bệnh viện Hiệp đức chưa điều trị gì và chuyển về Bệnh viện Quảng nam.
Tại Khoa Nội A bệnh tỉnh, không sốt, không nôn, uống nước khó khăn, van đau nhiều cổ và tay trái. Sau một đêm theo dõi tại khoa bệnh vẫn nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh dại. Bệnh được hội chẩn nhiều lần với khoa Lây và trung tâm Y học dự phòng sau đó chuyển về khoa Lây điều trị tiếp. Tại Khoa Lây bệnh nhân lên cơn dại điển hình và được đưa về Bệnh viện Hiệp Đức trong tiên lượng tử vong gần.
Qua trường hợp này chúng tôi nhận thấy việc chẩn đoán điều trị dại rất khó, cần phải theo dõi sát bệnh nhân.
Vài nét về bệnh dại:
Ở nước ta trong những năm gần đây, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng và thực sự là mối nguy hiểm lớn cho con người và vật nuôi. Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát. Bệnh dại được đánh giá là bệnh truyền nhiễm gây chết người kinh sợ nhất của loài người. Chính vì vậy, bệnh dại được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào hạng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong. Đây là một bệnh có thể chủ động phòng tránh được, chỉ có phương pháp tiêm phòng sớm, đúng mới mong cứu sống được người bệnh. Theo Tổ chức y tế thế giới, hàng năm thế giới có 100.000 người chết vì bệnh dại, chủ yếu ở Châu Phi, Châu á. Có khoảng 4 triệu người phải điều trị phơi nhiễm dại mỗi năm. Năm 1996, trên toàn cầu có 32.209 người bị bệnh dại (theoWHO).8 tháng qua, cả nước có hơn 175.000 người phải tiêm vắcxin sau khi bị chó cắn và 63 người tử vong do dại. Tình hình này khiến Bộ Y tế đề nghị các địa phương quản lý phòng bệnh và vận động người bị chó nghi dại cắn đi tiêm phòng.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm chung do virus Rhabdovirus gây nên theo hướng thần kinh. Bệnh lây rất nguy hiểm giữa chó và loài động vật máu nóng.
Tuổi mắc bệnh: mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhất là những vật máu nóng.
Nguồn virus: chính là thú bệnh, lây lan trực tiếp từ chó này sang chó khác, chó bệnh bài thải virus qua dịch tiết, nước bọt. Virus cũng tập trung nhiều ở não, phổi, thận, bàng quang, tinh hoàn.. Virus xâm nhập trực tiếp qua vết thương vết cắn, vết trầy xước hoặc niêm mạc bị thương.
Sau khi xâm nhập trong mô, virus nhân lên tại chỗ, đặt biệt trong cơ. Sau 1 thời gian virus bắt đầu phát tán, chúng đến tế bào cơ và những dây chằng tận cùng thần kinh. Virus nhân lên trong những tế bào hạch thần kinh, dây thần kinh, tùng thần kinh. Ngoài mô thần kinh, virus con nhân lên trong biểu mô của tuyến nước bọt, giác mô, da, dịch tiết nước bọt cơ lưỡi… Như vậy sau khi thực hiện sự xâm lấn ly tâm từ hệ thần kinh, virus xâm nhiễm tất cả cơ quan và mô.
Ngay sau khi bị chó nghi là dại cắn tốt nhất nên đến ngay trung tâm Y học dự phòng để được tư vấn và chích ngừa. Hiện tại tỷ lệ tử vong gần như là 100% khi bệnh nhân đã lên cơn dại. Điều đáng lưu ý là đã có trường hợp báo cáo bệnh dại phát triển sau 7 năm ủ bệnh. Vì vậy chúng ta không vội xem xét yếu tố thời gian để loại trừ chẩn đoán mà trường hợp trên đây cũng là một ví dụ điển hình.
Song vacxin dù cho được chứng minh là hiệu quả nhất cũng không cứu được bệnh nhân nếu họ đến chích trễ, việc xử lý vết thương không đấy đủ, vết thương quá gần thần kinh trung ương mà lại thiếu huyết thanh dại phối hợp với vacxin. Ngoài ra sự suy giảm miễn dịch chung của cơ thể do đang mắc các bệnh kinh niên như viêm gan, xơ gan hay đang điều trị các thuốc corticoide gây giảm đáp ứng miễn dịch kéo dài cũng góp phần làm giảm hiệu quả của vacxin. Rửa sạch vết thưong với thật nhiều nước và xà bông sau đó sát trùng bằng cồn iốt, đi chích vacxin ngay trong những giờ đầu tiên là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn cản virus dại xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.
- 01/04/2014 15:19 - Nhân một trường hợp được chẩn đoán và điều trị u x…
- 25/03/2014 07:11 - Nhân trường hợp phẫu thuật lấy đầu đạn trong lồng …
- 25/01/2014 14:30 - Báo cáo một trường hợp: Lao lách
- 21/12/2013 06:15 - Cứu sống một bệnh nhân lớn tuổi bị nhồi máu cơ tim…
- 01/12/2013 17:58 - Chuyện ghi từ …facebook !
- 03/11/2013 20:33 - Nhân một trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng đượ…
- 25/08/2013 19:12 - Lấy thành công dị vật còn sống ra khỏi đường thở
- 20/08/2013 21:14 - Sẻ chia
- 06/07/2013 20:08 - Nhân một trường hợp nhau tiền đạo cài răng lược
- 26/06/2013 10:58 - Bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne (DUCHENNE MUSCULAR DYS…