• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Cấp cứu thành công bệnh nhân hen phế quản nguy kịch ngừng thở - ngừng tim

  • PDF.

Bs Huỳnh Minh Thảo - 

Lúc 20h30 phút ngày 16/9/2021 anh Tr. X. Kh được người nhà đưa vào khoa Cấp Cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam sau khi khởi phát cơn khó thở từ chiều và không cải thiện với khí dung thông thường. Tiền sử Hen Phế quản.

Tại Khoa Cấp cứu: Bệnh mê sâu GCS # 3 điểm, ngưng tim ngưng thở, tím tái toàn thân.

Ekip trực cấp cứu lập tức tiến hành hồi sinh tim phổi tích cực, đặt nội khí quản, thở máy, adrenalin..... Sau 20 phút bệnh nhân có mạch trở lại, được làm các xét nghiệm cơ bản và chuyển Khoa Hồi Sức Tích Cực (ICU) tiếp tục xử trí.

Bệnh nhân nhập Khoa Hồi Sức Tích Cực với tình trạng rất nặng :

  • Hôn mê, GCS # 6 điểm (E1V1M4)
  • Huyết động không ổn định, lệ thuộc Adrenalin
  • Phổi co thắt mạnh - phổi câm
  • Toan máu pH: 7.054 và ứ CO2 PaCO2: 77,8 , tăng lactate máu 8.6mmol/l
  • Tổn thương não và gan, thận sau ngưng tuần hoàn
  • Chức năng gan thận có dấu hiệu tổn thương

capcuuHPQ1

Kiểm soát hen tại cộng đồng chính là chìa khóa trong quản lý hen tốt

Chẩn đoán:

  • Bệnh chính: Hen phế quản thể nguy kịch
  • Bệnh kèm: Viêm phổi
  • Biến chứng : Ngừng hô hấp tuần hoàn

Bệnh nhân được sử dụng thuốc :

  • Midazolam, Fentanyl , propofol => kiểm soát thở máy và giảm chuyển hóa não
  • Adrenalin nâng huyết áp + giãn phế quản (0,1-0,5mcrg/kg/ph)
  • Bricanyl truyền tĩnh mạch (0.1-0.4 mcrg/kg/ph)
  • Ventolin, pulmicort khí dung qua máy thở 4-6h/lần
  • Kháng sinh cefoperazone 4g/ngày
  • Methylprednisolon tĩnh mạch 1-2mg/kg
  • Magiesulfat 2g truyền tĩnh mạch trong 20 phút lặp lại sau 12h

Nhận thấy đây là một trường hợp hen phế quản nặng đã biến chứng trụy tim mạch, các bác sĩ khoa ICU rất nỗ lực trong việc kiểm soát đường hô hấp với các thông số máy thở thay đổi khó lường, đồng thời đảm bảo oxy máu nuôi các mô và não, kiểm soát đường huyết và điều chỉnh rối loạn nội môi nặng sau ngưng tim. Việc theo dõi điều trị rất tích cực và sát sao.

Những ngày sau đó bệnh nhân được hồi sức tích cực với chế độ máy thở kiểm soát nghiêm ngặt phù hợp tình trạng phổi tránh các biến chứng lên phổi, tình trạng phổi cải thiện rất chậm. Thay đổi kháng sinh mạnh, phổ rộng (Imipenem), tiếp tục adrenalin điều chỉnh huyết áp, thuốc giãn phế quản theo quy định bộ Y tế, điều chỉnh các rối loạn chức năng gan, thận, nội môi.

Đến 20/9 bệnh nhân tri giác phục hồi, phổi hết co thắt và bớt đàm giãi, được cai thở máy và rút ống NKQ, kết hợp thở máy không xâm lấn tích cực.

Sáng 21/9 bệnh nhân được ngưng thở máy không xâm lấn và thở oxy liều thấp hỗ trợ.

Ngày 22/9 bệnh nhân được chuyển chuyên khoa Nội hô hấp tiếp tục điều trị và kiểm soát, sau đó ra viện ngày 23/9 trong tình trạng ổn định. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được đánh giá và kiểm soát hen tốt để giảm thiểu nguy cơ diễn biến nặng trong thời gian tới.

Đôi điều về Hen phế quản:

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.

Trên thế giới ước tính hiện có khoảng 300 triệu người mắc hen. Con số này đến năm 2025 là 400 triệu người. Mỗi năm thế giới có khoảng 250.000 người chết vì hen. Phần lớn con số này có thể phòng ngừa được nếu như bệnh nhân phát hiện bệnh hen sớm được điều trị đủ, điều trị đúng và điều trị kịp thời.

Theo kết quả điều tra năm 2010 đến hết 2011, tỷ lệ hen phế quản tại Việt Nam là trên 3,9%, khoảng 320.000 người mắc hen.

 

capcuuHPQ2

 

Thực tế, khi nhắc đến bệnh hen sẽ liên quan đến 3 vấn đề: Viêm đường thở, tăng tiết đờm nhầy và co thắt. Đối với bệnh nhân mắc bệnh hen thì đường thở tăng đáp ứng mạnh (quá mẫn) gây co thắt do tình trạng viêm gây ra (viêm dị ứng).

Khi thời tiết chuyển lạnh hay bước sang mùa đông lạnh khô, người bệnh hít không khí lạnh sẽ khiến cho tình trạng bệnh ngày càng trở nặng và cần phải dùng đến thuốc chữa bệnh hen.

Bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn rất nhạy cảm với không khí khô, do vậy khi vào mùa đông cần làm ẩm, làm ấm không khí nhiều hơn để giảm tình trạng khởi phát cơn hen do tế bào dưới đường thở vỡ ra giải phóng chất trung gian hóa học làm co thắt đường thở và khởi phát cơn hen. Việc làm ẩm không khí trong mùa đông có ý nghĩa rất lớn với bệnh hen suyễn nguyên nhân và cách điều trị.

Hạn chế nguy cơ bùng phát trong mùa lạnh với người có tiền sử hen bằng cách:

  • Giữ ấm cơ thể, vùng cổ, hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh để giảm nguy cơ bùng phát cơn hen
  • Cần điều trị bệnh hen tốt, sử dụng thuốc chữa bệnh hen đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ
  • Giảm mức độ viêm
  • Giảm mức tăng đáp ứng của đường thở với các thay đổi về mặt lý hóa hoặc các yếu tố gây ra tình trạng quá mẫn của đường thở.

Đối với bệnh nhân hen, ngoài việc sử dụng thuốc chữa bệnh hen đúng chỉ dẫn thì cần phải sử dụng nước ấm trong mùa đông, hạn chế tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng như lông chó mèo, phấn hoa, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để giảm tối đa nguy cơ khởi phát cơn hen.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 07 Tháng 10 2021 13:19

You are here Tin tức Trường hợp lâm sàng Cấp cứu thành công bệnh nhân hen phế quản nguy kịch ngừng thở - ngừng tim