Bs CK1 Lê Văn Hiếu – Khoa Mắt
Ngày 28/05/2019, khoa Cấp Cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân nam, 51 tuổi, bị ong đốt toàn thân, trong đó có 1 vết đốt vào mắt bên phải.
Bệnh nhân khai làm chặt phát cây trong vườn nhà, do sơ ý đập trúng tổ ong. Được người nhà chở vào bệnh viện cấp cứu. Tại thời điểm khám bệnh, MP thị lực AS (+), kết mạc cương tụ, phù toàn bộ giác mạc, nhăn màng desetmet, trung tâm giác mạc có một ngòi ong cắm sâu khoảng 2/3 bề dày.
Bệnh nhân được chuyển phòng mổ phẫu thuật lấy ngòi ong, được tra mắt Maxitrol x6 lần/ngày, Refresh tear x 6 lần/ngày, Fefasdin 60mg x 2 viên/ngày, kháng viêm tại chổ và toàn thân. Sau 4 ngày điều trị, MP đỡ nhức, thị lực tăng (ĐNT 2m), giác mạc giảm phù, nhưng phát hiện thêm tình trạng đục Thủy tinh thể. Bệnh nhân được ra viện, cho đơn về nhà và hẹn tái khám.
Ong đốt vào mắt là một tai nạn ít gặp, ong có thể đốt vào mi, kết mạc hoặc giác mạc. Trong đó, vết đốt vào giác mạc thường gây tổn thương nặng nhất. Sau khi đốt ngòi ong thường bị đứt ra và lưu lại tổ chức (gồm ngòi ong được nối với một túi chứa nọc độc) do đó nọc độc tiếp tục được tiết vào tổ chức. Hơn nữa, khi BN đến khám cấp cứu ở tuyến dưới, ngòi ong thường không được phát hiện để lấy đi hoặc lấy không đúng cách, làm cho nọc độc tiết ra từ túi nọc tiết thêm vào giác mạc gây tổn thương nặng thêm. Ngoài những tổn thương trực tiếp tại giác mạc, nọc độc còn gây tổn thương khác như: Đục thủy tinh thể, glôcôm, viêm màng bồ đào trước, viêm hắc võng mạc, viêm thị thần kinh, có thể gây mù vĩnh viễn.
Nọc ong chứa nhiều thành phần gây độc cho tổ chức: melitin (peptit gồm 70 axít amin): gây tan máu, dung giải hồng cầu, biến đổi điện thế màng ở thần kinh cảm giác gây cảm giác đau; chất làm vỡ dưỡng bào, hyaluronidase và histamine: gây giãn mạch, tăng thoát dịch, phù nề; dopamine: làm tim đập nhanh; apamin: bất hoạt bơm canxi ở màng tế bào, gây tê liệt hoạt động thần kinh, cơ. Ngoài tác dụng gây độc, nọc ong còn gây ra phản ứng miễn dịch với độc tố, đôi khi vết đốt gây nhiễm trùng.
Ngay sau khi bị ong đốt vào giác mạc, điều quan trọng là phải khám và phát hiện ra ngòi ong trong nhu mô giác mạc. Nếu có thì phải phẫu thuật để lấy ngòi ong ra. Khi phẫu thuật, chú ý không làm cho túi nọc vỡ ra, tránh gây tổn thương thêm cho giác mạc.
Sau phẫu thuật lấy ngòi ong ra, bệnh nhân cần được tiếp tục điều trị bằng tra mắt với kháng sinh, kháng viêm, giảm đau nếu đau nhiều . Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào: số lượng vết đốt (càng nhiều vết đốt thì tiên lượng càng nặng) và thời gian, nếu bệnh nhân đến sớm, được điều trị đúng và kịp thời thì tổn thương tiến triển tốt, giác mạc hết phù dần, thị lực bệnh nhân hồi phục đáng kể. Nếu bệnh nhân đến muộn, nọc ong gây nhiễm độc giác mạc nặng (đặc biệt là tổn hại lớp nội mô) sẽ làm cho giác mạc bị đục, gây giảm thị lực trầm trọng.
Nhìn chung, ong đốt vào mắt là một tai nạn ít gặp, nhưng nguy hiểm, có thể giảm thị lực vĩnh viễn. Tai nạn hay gặp ở vùng nông thôn, cho nên người dân cần cảnh giác, đeo kính bảo hộ khi làm việc ở nơi nhiều cây cối, hay nơi nghi ngờ có ong làm tổ. Nếu bị ong đốt vào mắt, nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được chữa trị kịp thời.
- 30/09/2019 10:15 - Báo cáo ca lâm sàng che tinh hoàn bằng vạt đùi tro…
- 23/09/2019 17:55 - Vạt diều
- 14/09/2019 18:11 - Lấy hàm răng giả ra khỏi thực quản của bệnh nhân
- 18/08/2019 08:03 - Nhân một trường hợp huyết khối tĩnh mạch nội sọ
- 03/07/2019 17:54 - Nhân một trường hợp bệnh nhân 102 tuổi gãy liên mấ…
- 28/05/2019 20:33 - Cứu sống bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi
- 21/05/2019 19:02 - Báo cáo ca lâm sàng chuyển vạt cơ thon chức năng
- 24/04/2019 09:54 - Nhân trường hợp ngộ độc phẩm màu và acid phosphori…
- 09/04/2019 17:50 - Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do vỡ dị dạng động tĩ…
- 12/11/2018 21:10 - Nhân 1 trường hợp bệnh nhân mang van tim cơ học bị…