• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tin hoạt động BV

Cứu sống bệnh nhân 64 tuổi bị thanh gỗ 30cm xuyên qua đầu

  • PDF.

Châu Nữ - 

(QNO) - Trong khi làm mộc, ông T.Q.S. (64 tuổi, xã Tam Thanh) bị một thanh gỗ dài 30cm xuyên qua đầu, ngay vị trí hốc mắt trái, đẩy lệnh cả nhãn cầu... Nạn nhân may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam phẫu thuật cấp cứu thành công.

Theo đó, lúc 16 giờ ngày 18.8, ông T.Q.S. (SN 1957, ngụ xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) được chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam với tình trạng bị dị vật bằng gỗ đâm xuyên đầu ngay vị trí mắt trái.

Bệnh nhân bị tai nạn trong lúc đang làm mộc và được người dân băng cố định, cầm máu rồi đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được xử trí cấp cứu, đánh giá vị trí dị vật, chụp cắt lớp vi tính sọ não, hội chẩn chuyên khoa ngoại thần kinh và mắt.

thanhgo1

Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Hình ảnh cắt lớp vi tính cho thấy, dị vật cây gỗ đâm vào hốc mắt trái đẩy lệch nhãn cầu sang phải, phá vỡ xương sọ, gây tổn thương nhu mô não trán trái.

Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định mổ cấp cứu. Các bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh và Mắt tiến hành phẫu thuật phối hợp để lấy dị vật ra khỏi đầu bệnh nhân một cách an toàn, tránh được các biến chứng nguy hiểm.

thanhgo2

Thanh gỗ được lấy ra khỏi đầu bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Tấn An – Trưởng khoa Ngoại thần kinh - cột sống cho biết, ê kip phẫu thuật đã mở sọ thám sát vết thương, kết hợp cầm máu não và tiến hành rút dị vật là một thanh gỗ, độ sâu của thanh gỗ xuyên vào đầu từ vị trí hốc mắt, đi vào nhu mô não khoảng 10cm… Bệnh nhân sau đó được cầm máu nhu mô não, bảo tồn nhãn cầu, lấy ra nhiều dị vật gỗ…

Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy dị vật thành công, bảo tồn nhu mô não và nhãn cầu tối đa cho bệnh nhân. Bác sĩ phẫu thuật cho biết, bệnh nhân rất may mắn khi cây gỗ đâm xuyên nhưng không gây tổn thương các mạch máu lớn và vùng não chức năng quan trọng.

Hiện bệnh nhân tỉnh, vết mổ khô, sinh hiệu ổn định được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Ngoại thần kinh - cột sống.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/y-te/cuu-song-benh-nhan-64-tuoi-bi-thanh-go-30cm-xuyen-qua-dau-116345.html

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 20 Tháng 8 2021 18:16

Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tổ chức gặp mặt, động viên và chia tay bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc trước khi lên đường vào tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh

  • PDF.

Nguyễn Thị Lệ Thu - 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, số ca nhiễm tăng nhanh từng ngày, nhu cầu về nhân lực tham gia phòng, chống dịch rất cấp thiết. Được sự động viên tinh thần và đồng ý của Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, BS Lê Thị Bảo Ngọc, đã viết thư gửi trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để đăng ký tình nguyện tham gia và đã được đồng ý tiếp nhận tại công văn số 17/ BVĐHYD-TCCB ngày 12/8/2021 của trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh về việc tiếp nhận tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 18/8/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi gặp mặt, động viên và chia tay bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc, hiện đang công tác tại khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Đến tham dự buổi gặp mặt, chia tay có Đ/c Phan Xuân Quang – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Đ/c Phạm Thị Ngọc Ánh – Chủ tịch công đoàn ngành Y tế Quảng Nam, cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc, BCH công đoàn, BCH Đoàn Thanh niên bệnh viện.

Buổi gặp mặt, chia tay diễn ra rất xúc động, BSCKII Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc bệnh viện đã động viên và dặn dò bác sĩ Bảo Ngọc yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, đặc biệt phải chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và cố gắng cùng các đồng nghiệp làm tốt công tác chuyên môn. Đây cũng là một cơ hội để bác sỹ Ngọc nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để sau khi trở về có thể hỗ trợ cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch tại Quảng Nam.

GAPMAT1

BSCKII Phạm Ngọc Ẩn – Giám đốc bệnh viện tặng quà cho BS Ngọc

Đọc thêm...

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 17:55

Nối liền cẳng tay bị đứt

  • PDF.

 X.H - P.M

(QNO) - Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nối liền một phần cẳng tay bị chém đứt.

Do mâu thuẫn cá nhân, một nam thanh niên 31 tuổi, quê tại huyện Tiên Phước bị người khác dùng rựa chém đứt gần lìa 1/3 dưới cẳng tay trái. Bệnh nhân được bệnh viện tại huyện Tiên Phước sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam 2 tiếng sau khi bị nạn.

Bác sĩ Hà Phước Mỹ (Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xương cẳng tay bị đứt gần lìa chỉ còn 1 cầu da nhỏ mặt trước ngoài, mất máu nặng, đầu ngón tay lạnh. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định vẫn còn khả năng cứu sống cẳng tay cho bệnh nhân nên tiến hành mổ cấp cứu ngay sau khi tiếp nhận khoảng 30 phút.

“Tại phòng mổ bệnh nhân được xử lý vết thương, cắt lọc tổ chức cơ dập nát, làm sạch vết thương và các đầu xương. Ê kip phẫu thuật tiến hành kết hợp xương cho cả 2 xương cẳng tay. Sau khi đã cố định xương thì bộc lộ mạch máu và thần kinh. Chúng tôi dùng kính vi phẫu để nối lại mạch máu thần kinh tái lưu thông máu và dẫn truyền, tiếp đến nối lại toàn bộ gân gấp mặt trước và gân duỗi mặt sang cẳng tay” – bác sĩ Hà Phước Mỹ nói.

Gần 4 tiếng phẫu thuật liên tục, tay bệnh nhân đã hồng hào trở lại. Sau phẫu thuật ngày đầu tiên, tay bệnh nhân hồng ấm, có thể cử động nhẹ được các ngón tay. Đến nay, sau 10 ngày thực hiện phẫu thuật nối liền cánh tay, bệnh nhân đã bắt đầu tập gấp duỗi các ngón tay và được cắt chỉ cho xuất viện.

Với các trường hợp đứt lìa và phẫu thuật nối liền như thế này, các bác sĩ cho biết, tùy vào khả năng đáp ứng của bệnh nhân cũng như trải qua thời gian tập vật lý trị liệu thì bệnh nhân có thể phục hồi sức cơ khoảng 60% - 90%. Thời gian phục hồi cũng mất từ 3 đến 6 tháng.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/y-te/noi-lien-cang-tay-bi-dut-116233.html

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 23 Tháng 8 2021 06:49

Phẫu thuật 6 giờ liên tục để cứu một cánh tay dập nát do máy băng chuyền

  • PDF.

Xuân Hiền - 

(QNO) - Bác sĩ Nguyễn Tam Thăng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thông tin, một trường hợp bị tai nạn lao động do máy băng chuyền gỗ cuốn cánh tay trái, mất máu nhiều vừa được bệnh viện cấp cứu và phẫu thuật thành công.

Ê kíp bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để cứu sống nhiều bệnh nhân gặp tai nạn lao động, giảm áp lực cho việc chuyển tuyến. Ảnh: T.T

Nam bệnh nhân 28 tuổi, quê tại Quế Sơn bị máy băng chuyền gỗ cuốn cánh tay trái vào máy.

Sau khi được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng choáng mất máu, cánh tay trái tím lạnh do thiếu máu. Chụp mạch máu bị tổn thương động mạch dưới đòn.

bangchuyen

Bác sĩ Nguyễn Tam Thăng cho hay, đây là trường hợp nặng, rất nguy hiểm đến tính mạng do mất máu nhiều và cần phải cứu cánh tay trái cho bệnh nhân do thời gian mất máu đã 4 giờ đồng hồ.

"Bệnh viện đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ toàn viện, ê kíp bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu tái lưu thông động mạch và tĩnh mạch dưới đòn, bằng ghép đoạn tĩnh mạch khoảng 10cm lấy từ tĩnh mạch đùi. Sau 6 tiếng phẫu thuật, hồi sức truyền tổng cộng 10 đơn vị máu, sáng hôm sau bệnh nhân đã tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tạm thời qua cơn nguy kịch và cánh tay trái đã được cứu sống" - bác sĩ Nguyễn Tam Thăng cho biết.

Được biết, đây là một trong những phẫu thuật khó lần đầu tiên thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Trước đây, với các phẫu thuật mang tính liên hoàn này chỉ thực hiện ở các bệnh viện đầu ngành. Tuy nhiên, với sự phối hợp nhiều chuyên khoa như cấp cứu, gây mê, hồi sức, huyết học, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam hiện nay đã có thể thực hiện được nhiều ca phẫu thuật phức tạp.

"Trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp hiện nay, việc triển khai được các kỹ thuật này giúp thực hiện tốt phương châm điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến trên, đồng thời cấp cứu kịp thời bệnh nhân" - bác sĩ Nguyễn Tam Thăng nói thêm. 

Nguồn: https://baoquangnam.vn/y-te/phau-thuat-6-gio-lien-tuc-de-cuu-mot-canh-tay-dap-nat-do-may-bang-chuyen-114984.html

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 25 Tháng 7 2021 09:36

Đặt stent nội sọ để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp

  • PDF.

Xuân Hiền - 

(QNO) - Lần đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam dùng đến kỹ thuật đặt stent nội sọ để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp.

Cụ thể, bệnh nhân nam 75 tuổi (quê Thăng Bình) nhập viện trong tình trạng liệt nhẹ nửa người, nói ngọng. Đặc biệt, trong lúc đang được bác sĩ thăm khám, bệnh nhân đột ngột hôn mê, liệt tứ chi, rối loạn nhịp thở.

Các bác sĩ đánh giá đây là tình trạng đột quỵ tối cấp, tiên lượng rất nặng. Ê kíp can thiệp đột quỵ được khởi động ngay lập tức. Bệnh nhân được nhanh chóng đưa đi chụp CT mạch máu não, kết quả cho thấy tắc đoạn gần động mạch thân nền.

Bác sĩ Trần Lâm - Trưởng khoa Nội - Tim mạch BVĐK Quảng Nam cho biết, ê kip phẫu thuật phải can thiệp để lấy huyết khối bằng dụng cụ, nhưng tổn thương của bệnh nhân không đơn giản như dự đoán ban đầu. Theo các bác sĩ, chỗ tắc bị hẹp rất nặng do mảng xơ vữa chứ không phải chỉ đơn thuần do huyết khối (đa số các ca khác chỉ cần hút huyết khối tái thông là thành công). Bệnh nhân được tiếp tục nong bóng chỗ hẹp, tuy nhiên vẫn không thành công.

noiso

"Sau khi hội ý chuyên môn khẩn cấp, bệnh nhân đã được đặt 1 stent vào đoạn gần của động mạch thân nền. Sau đặt stent thành công, động mạch thân nền không còn hẹp và dòng chảy mạch máu não trở lại bình thường. Bệnh nhân tỉnh lại ngay trên bàn can thiệp" - bác sĩ Trần Lâm cho biết. 

Các bác sĩ can thiệp đột quỵ não cho biết, đây là trường hợp đầu tiên tại BVĐK Quảng Nam phải dùng đến kỹ thuật đặt stent nội sọ để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp. Trước đó 2 tuần, cũng có bệnh nhân đột quỵ cấp do tắc gốc động mạch cảnh trong trái nhưng chỉ cần hút huyết khối và nong bóng đã hồi phục lại sự lưu thông mạch máu cho bệnh nhân.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các bác sĩ của BVĐK Quảng Nam đã can thiệp thành công 2 ca đột quỵ nặng và phức tạp với việc kết hợp hút huyết khối kèm nong bóng và đặt stent cấp cứu.

Điều này mở thêm nhiều cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ, đặc biệt là những ca nặng vào viện sớm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ tại BVĐK Quảng Nam. 

Tắc động mạch thân nền là một dạng của đột quỵ não. Mặc dù tỷ lệ mắc ít hơn so với các dạng khác, nhưng mức độ nguy hiểm rất cao. Nếu hệ thần kinh trung ương bị tổn thương thì gần như bệnh nhân sẽ mất hết chức năng sống và dẫn đến tử vong nhanh.

Bác sĩ Trần Lâm khuyến cáo, khi phát hiện có những biểu hiện bất thường như: bỗng dưng mệt mỏi, méo miệng, nói khó, nói đớ, tay chân không cử động được, đau đầu, thị lực giảm, hôn mê, khó thở,… ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt. Với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian chính là não. Mất thời gian đồng nghĩa với mất não, dẫn đến tử vong hoặc các di chứng không mong muốn.

Nguồn:https://baoquangnam.vn/y-te/dat-stent-noi-so-de-cap-cuu-benh-nhan-dot-quy-cap-114772.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR1fyI6kJYE9kBYrHUZgbkuvD348ObJ88-hesxt5acRuhsVdRG5B3KDsv60

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 25 Tháng 7 2021 09:32

You are here Tin tức Tin hoạt động BV