Khoa Nội Tim Mạch -
Lúc 19h50 ngày 05/8/2020, khoa Cấp cứu BVĐK Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân nam, 70 tuổi trong tình trạng ngưng tim ngoại viện (hôn mê, ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn). Ekip trực cấp cứu đã tiến hành hồi sức tim phổi và kích hoạt hệ thống báo động đỏ của bệnh viện. Sau hơn 10 phút hồi sức, bệnh nhân có tim lại nhưng tái ngưng tim nhiều lần, ekip can thiệp đã quyết định vừa hồi sức vừa chuyển phòng can thiệp, bệnh nhân vừa được hồi sức tim vừa bóp bóng qua nội khí quản. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước (LAD). Bệnh nhân được đặt 1 stent để tái thông vị trí tắc động mạch vành. Sau can thiệp, bệnh nhân dần tỉnh lại, tần số tim và huyết áp phục hồi, bệnh nhân có thể tự thở qua ống nội khí quản. Theo dõi tại phòng can thiệp hơn 30 phút, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, rút ống nội khí quản, tự thở được, huyết áp còn lệ thuộc thuốc vận mạch, bệnh nhân được chuyển về theo dõi tại phòng Hồi sức Khoa Nội Tim mạch. Đến nay, sau 5 ngày điều trị, bênh nhân phục hồi hoàn toàn, dự kiến sẽ ra viện đầu tuần sau.
Điện tim sau hồi sinh tim phổi
Điện tim sau can thiệp
Ngưng tim ngoài bệnh viện (OHCA- Out-of-Hospital Cardiac Arrest) được định nghĩa là mất co bóp cơ tim đột ngột biểu hiện với mất các dấu hiệu tuần hoàn xảy ra trong cộng đồng. Ngưng tim ngoài bệnh viện là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, theo ước tính có gần 1.000 người Mỹ trưởng thành bị ngưng tim ngoài bệnh viện mỗi ngày; nếu tính cả ngưng tim tại bệnh viện (IHCA) thì tới hơn 500.000 người trưởng thành bị ngưng tim mỗi năm tại Mỹ. Tỷ lệ OHCA khó được đánh giá chính xác bởi một số lớn các trường hợp không thể tiếp cận được với các trung tâm cấp cứu, tại Châu Âu ước tính có 270.000 bệnh nhân OHCA đến được với các EMS (Emergency Medical Services), trong số này có 29.000 bệnh nhân được sống sót xuất viện. Mặc dù có những tiến bộ trong kiến thức điều trị cũng như các thiết bị hô trợ, tỷ lệ sống còn sau OHCA còn rất thấp, khoảng 12% ở Mỹ và 7-9% ở Châu Âu, 1/3 số bệnh nhân sống sót có rối loạn nhận thức không hồi phục.
Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Quảng Nam triển khai can thiệp tim mạch từ đầu năm 2013. Cho đến nay đã thực hiện được gần 3.000 ca can thiệp tim mạch, trong đó nhiều kỹ thuật đã được triển khai bao gồm, can thiệp động mạch vành, đặt máy tạo nhịp, can thiệp động mạch não, động mạch ngoại biên, thăm dò và đốt điện sinh lý điều trị rối loạn nhịp tim, điều trị các bất thường ở mach máu tạng như gan, phổi…Bệnh viện đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân một cách ngoạn mục, như những bệnh nhân ngưng tim ngoại viện do bệnh lý tim mạch, đột quỵ, rối loạn nhịp tim…Đặc biệt là sau khi triển khai hoạt động “báo động đỏ”, đây là một hoạt động nhằm ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân theo từng chuyên khoa, sau khi các đội được kích hoạt sẽ có mặt tại bệnh viện nhanh nhất có thể để cấp cứu cho bệnh nhân, bỏ qua một số thủ tục hành chính. Trong tương lai gần, bệnh viện sẽ triển khai thêm nhiều kỹ thuật cao mới, đặc biệt là phương pháp kiểm soát nhiệt độ mục tiêu (TTM-Targeted Temperature Management) để tăng cơ hội sống còn và cải thiện kết cục thần kinh ở những bệnh nhân ngưng tim ngoại viện đã phục hồi tuần hoàn sau hồi sức tim phổi.
- 28/09/2020 10:55 - Chìa khóa sắt hoen rỉ nằm trong tai cả năm sau tai…
- 25/09/2020 20:06 - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam một địa chỉ đáng …
- 13/09/2020 19:25 - Điều trị thành công bệnh nhân mắc phải chủng vi kh…
- 24/08/2020 11:19 - Khoa Ngoại Chấn Thương Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Quản…
- 16/08/2020 09:01 - Bệnh viện đa khoa Quảng Nam phẫu thuật cấp cứu thà…
- 06/08/2020 20:34 - Chào mừng "Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ"
- 03/08/2020 21:09 - Khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp cấ…
- 01/08/2020 17:52 - Số điện thoại đường dây nóng của các TTYTDP và các…
- 01/08/2020 15:05 - Rà soát, quản lý, thực hiện cách ly trường hợp đi …
- 30/07/2020 22:24 - Khai trương Ngân hàng Sữa mẹ Vệ tinh Quảng Nam ngà…