Y đức là những quy ước không có tính chất pháp lí, nhưng thuộc phạm trù luân lí, đạo đức ràng buộc người thầy thuốc phải chấp hành trong hành nghề hàng ngày, vì danh dự của tập thể, bản thân và quyền lợi của bệnh nhân. Nội dung của y đức được nêu trong lời thề Hippôcrat hay lời thề tương tự của thầy thuốc và cán bộ y tế khi mới ra trường. Các quy định của Y đức thay đổi theo không gian và thời gian, tùy theo các yếu tố tâm lý, tín ngưỡng, phong tục, tập quán sống của mỗi cộng đồng xã hội.
Ở Việt Nam, vào thế kỷ XVIII, Lê Hữu Trác cho rằng “nghề y là nghề cao quý, nghề giúp nước, giúp dân, là nghề nhân thuật, nghề liên quan đến tính mệnh con người. Vì vậy, người làm nghề y không thể là người kém cỏi về tài năng cũng như đạo đức”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào... Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, “Lương y phải như từ mẫu”.
Nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ y tế ở nước ta hiện nay đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc, mà còn là việc làm vừa thường xuyên, vừa mang tính cấp bách của ngành y tế, nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân và tạo niềm tin cậy, yêu mến của nhân dân đối với người thầy thuốc, đối với chế độ. Hiểu rõ tầm quan trọng của y đức, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng việc nâng cao y đức của cán bộ y tế trong công việc hằng ngày của mình. Y đức không ở đâu xa mà nó biểu hiện trong công việc thực hiện quy tắc ứng xử (QTUX) đối với người bệnh, người nhà người bệnh và việc ứng xử với đồng nghiệp cùng cơ quan cũng như ở các đơn vị cơ sở y tế tuyến khác trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đọc thêm...