• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị thoái hóa khớp gối

  • PDF.

BSCK1. Bùi Văn Hội
Khoa Phục hồi chức năng

Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau và giảm, mất khả năng vận động ở người cao tuổi tại hầu hết các nước trên thế giới. Năm 2010, ở Mỹ có trên 27 triệu người mắc bệnh thoái hóa khớp  trong khi con số này ở Anh  là trên 8 triệu người. Ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác nào nhưng thoái hóa khớp chiếm tỷ lệ cao  trong các bệnh lý cơ xương khớp.

Thoaihoakhop

Trong số các vị trí thoái hóa khớp như thoái hóa khớp ngoại biên (khớp gối, háng, bàn tay) và thoái hóa cột sống thì thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao. Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới, trên thế  giới vào năm 2000, tỷ lệ thoái hóa khớp gối là 1770 trên 100.000 nam giới và 2693 trên 100.000 nữ giới. Tại Mỹ, tỷ lệ thoái hóa khớp gối gây triệu chứng chiếm khoảng 4,9% người  lớn trên 26 tuổi, 16,7% người lớn trên 45 tuổi và 12,1% người lớn trên 60 tuổi. Tại một số nước châu Á, tỷ lệ thoái hóa khớp gối gây triệu chứng trên dân số nói chung chiếm tỷ lệ 0,9% ở nam giới và 1,1% ở nữ giới.

Việc điều trị bệnh hiện nay là gánh nặng rất tốn kém cho cá nhân người bệnh nói riêng và toàn xã hội nói chung với chi phí điều trị cao, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn trong khi có nhiều tai biến nặng nề. Các phương pháp điều trị bao gồm giáo dục bệnh nhân về cách phòng ngừa bệnh, chống các tư thế xấu, giảm các yếu tố nguy cơ gây nặng bệnh kết hợp điều  trị nội khoa và ngoại khoa. Điều trị nội khoa bao gồm các biện pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu: chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tắm suối khoáng, đắp bùn… thường đơn giản, dễ  làm, ít biến chứng song hiệu quả chưa cao. Các biện pháp dùng thuốc giảm đau, thuốc  chống  viêm không steroid có hiệu  quả  nhanh chóng nhưng do tác động toàn thân hay gây nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày hành tá tràng, xuất  huyết  tiêu  hóa,  tăng  huyết  áp, tổn thương gan, thận… trong đó có biến chứng nặng có thể gây tử vong. Tiêm corticoid tại khớp gối có tác dụng cải thiện  triệu chứng nhanh chóng nhưng dùng kéo dài có thể gây tổn thương thoái hóa sụn khớp hoặc gây biến chứng  tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc, nhiễm khuẩn khớp.

Tiêm acid hyalorunic (chất nhờn) vào khớp có tác dụng tái tạo chức năng bảo vệ, bôi trơn và chống xóc cho khớp nhưng  theo nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả không ổn định lâu dài, không có chức năng bảo vệ, tái tạo sụn khớp. Nhìn chung, các biện pháp nội khoa hiện nay điều  trị  thoái hóa khớp gối chủ yếu nhằm hai mục đích: giảm đau và cải thiện chức năng vận động khớp, tức  là vẫn điều trị triệu chứng bệnh chứ chưa đạt tới đích cải thiện được chất  lượng sụn khớp hay làm ngừng quá trình thoái hóa. Điều  trị ngoại khoa bao gồm đục xương chỉnh trục, nội soi khớp can thiệp, thay khớp gối nhân tạo một phần hay toàn phần chỉ được chỉ định trong những trường hợp có biến đổi giải phẫu khớp hoặc ở giai đoạn muộn của bệnh và thường gây tốn kém nhiều cho bệnh nhân.

Như vậy việc nghiên cứu tìm ra một kỹ thuật điều trị mới, thực sự tác động tới sự phục hồi sụn, độc lập hoặc phối hợp tốt với các phương pháp điều trị hiện tại nhằm đem lại kết quả cao trong điều trị bệnh, hạn chế các biến chứng và nhu cầu thay khớp nhân tạo là một việc làm cấp thiết. Có nhiều biện pháp đang được nghiên cứu như liệu pháp tế bào gốc tự thân nguồn gốc  trung mô (tủy xương hoặc mô mỡ),  liệu pháp  huyết  tương giàu tiểu cầu tự thân đã mở  ra một hướng mới điều  trị  bảo tồn thoái hóa khớp với đích tác động tới căn nguyên của bệnh là sụn khớp.  Từ 20 năm nay, liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tự thân đã được sử dụng rộng rãi trên  lâm sàng và hiện nay đang được áp dụng điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối tại khoa Cơ Xương Khớp, bệnh viện Bạch Mai- Hà nội. Tác dụng chung  của PRP là thúc đẩy  nhanh quá  trình lành vết thương, rút ngắn thời gian điều trị bệnh, làm giảm nhiễm trùng sau phẫu thuật, giảm đau và mất máu. Trong chuyên ngành cơ xương khớp,  liệu pháp PRP  tự  thân được sử dụng rất nhiều trong các bệnh lý liên quan đến chấn  thương  thể  thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích sự lành vết thương phần mềm cũng như  làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.  Trên thế giới, trong khoảng vài năm trở  lại đây, có một số nghiên cứu đã chứng tỏ PRP tự  thân  tiêm trực  tiếp vào trong khớp là một  liệu pháp có  triển vọng  trong điều  trị thoái hóa khớp gối với cơ chế  là PRP chứa các yếu tố tăng trưởng thúc đẩy sự tăng sinh của sụn khớp, trong khi đó liệu pháp này hầu như không có biến chứng đáng kể.

Tóm lại, với  tác động vào cơ chế bệnh  sinh của bệnh  thoái hóa khớp, kỹ  thuật  tách chiết PRP đơn giản, an toàn do lấy máu  tự  thân,  liệu pháp điều  trị PRP đang  hứa hẹn  là một  trong những lựa chọn điều trị tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối.

Huyết  tương giàu  tiểu cầu (PRP- Platelet rich plasma) được định nghĩa là một  thể tích huyết tương tự thân có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần mức cơ bản. Bình thường số lượng tiểu cầu trong máu khoảng từ 140.000 đến 400.000 tiểu cầu/ μl máu (trung bình 200.000), trong khi đó số lượng tiều cầu trong PRP cao hơn gấp nhiều lần, từ 2- 8 lần, so với mức  trung bình. Sở dĩ cần một nồng độ  lớn  tiểu cầu  trong PRP để điều  trị vì vai trò quan trọng và chủ yếu của  tiểu cầu  trong  liệu pháp PRP để điều  trị nhiều bệnh  lý khác nhau. Khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α của tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein có vai trò quan trọng  đối  với  quá  trình làm lành vết thương. Có thể kể ra đây mộtsố protein quan trọng:

- Platelet-derived growth factor (PDGF- αα, ββ, αβ): yếu  tố  tăng  trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu có tác dụng hóa ứng động đối với đại thực bào- thu hút đại thực bào tới nơi tổn thương; phối hợp PDGF với TGF- β, IGF có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng mạch máu, phân chia tế bào, hình thành da và chất căn bản xương, tổng hợp collagen.

- Transforming growth-factor-beta (TGF-β, β1, β2): yếu  tố  tăng  trưởng chuyển dạng beta có tác dụng thúc đẩy các tế bào gốc nguồn gốc trung mô (sụn, xương, cơ, sợi….) và các nguyên bào xương… phân bào tạo sụn, xương, cơ, sợi…; thúc đẩy quá trình khoáng hóa của xương (khi phối hợp với PDGF).

- Vascular endothelial growth factor (VEGF): yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu, thúc đẩy hình thành mạch máu.

- Epidermal growth factor (EGF): yếu  tố  tăng  trưởng biểu bì, thúc đẩy  tăng  trưởng  tế bào và sự biệt hóa, hình thành mạch máu, hình thành collagen.

- PDEGF (platelet-derived endothelial growth factor): yếu tố tăng trưởng nội mô nguồn gốc tiểu cầu.

- PDAF (platelet-derived angiogenesis factor) : yếu tố tăng sinh mạch nguồn gốc tiểu cầu.

- ECGF (epithelial cell growth factor): yếu tố tăng trưởng tế bào biểu mô.

- Fibroblast growth factor-2 (FGF-2): yếu  tố  tăng  trưởng nguyên bào sợi-2,  thúc đẩy  tăng trưởng của các tế bào biệt hóa và hình thành mạch máu.

- Insulin-like growth factor (IGF): yếu  tố  tăng  trưởng giống Insulin, một điều  tiết sinh lý học bình thường trong gần như mọi loại tế bào của cơ thể.

Các protein trên thuộc nhóm các yếu tố tăng trưởng, các cytokine  và các chemokine hay còn gọi chung là các protein do tiểu cầu bài tiết. Các protein này sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào gốc nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi,  tế bào biểu mô,  tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ  hoạt hóa một  loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất  căn  bản,  các  sản  phẩm  dạng  SỤN,  xương,  tổng  hợp collagen…tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 01 Tháng 3 2013 22:05

You are here Đào tạo Tập san Y học Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị thoái hóa khớp gối