Bs CK2 Nguyễn Thị Kiều Trinh- Khoa Phụ Sản
Mãn kinh là thời điểm đánh dấu cho việc kết thúc khả năng có thai và sinh con ở người phụ nữ, biểu hiện bằng việc ngưng kinh liên tiếp trong vòng 12 tháng do dừng hoạt động nội tiết của buồng trứng. Mãn kinh có thể bắt đầu sau tuổi 40 đến 50 tuổi. Đối với phụ nữ Việt Nam, độ tuổi mãn kinh trung bình từ 48- 50 tuổi. Thời gian mãn kinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội thấp, suy dinh dưỡng, hút thuốc lá làm mãn kinh sớm hơn 2-3 năm, trong khi đó chỉ số khối cơ thể cao (BMI) hoặc sinh nhiều con sẽ làm mãn kinh chậm hơn.
Mãn kinh sớm là hiện tượng mãn kinh xảy ra trước 40 tuổi, thường do suy giảm chức năng buồng trứng trong các bệnh lý liên quan đến di truyền, hoặc mãn kinh sau phẫu thuật cắt tử cung hay hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư. Một số nguyên nhân khác như bất thường về gen, nhiễm siêu vi, miễn dịch hoặc không rõ nguyên nhân.
Các triệu chứng thường gặp của mãn kinh liên quan đến việc thiếu hụt nội tiết đặc biệt là estrogen gây ra nhiều biến đổi, tác động lên các cơ quan của người phụ nữ như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn vận mạch như bốc hỏa,đổ mồ hôi, hồi hộp, loãng xương, teo niêm mạc niệu dục làm âm đạo khô, khó chịu, nóng rát hay ngứa âm hộ, rối loạn tiết niệu thường gặp là tiểu rắt, tiểu buốt do bàng quang và niệu đạo dễ bị viêm nhiễm, tiểu không tự chủ. Mãn kinh còn gây ra rối loạn tình dục (66,7%) biểu hiện giảm ham muốn so với trước. Thời kỳ mãn kinh còn làm cho người phụ nữ phải đối diện với những thay đổi về tâm lý như cảm xúc thất thường, lo âu, khó chịu, hay quên, mất tập trung. Tỉ lệ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh tại Việt Nam là 37,9%. Bệnh Alzheimer cũng thường thấy ở phụ nữ sau mãn kinh biểu hiện tình trạng rối loạn ý thức, sa sút trí tuệ. Mãn kinh cũng như tuổi già là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, trong đó liên quan đến sự sụt giảm nghiêm trọng của nồng độ cholesterone HDL trong máu (chất béo tốt) và tăng lượng LDL (chất béo xấu), nguy cơ huyết khối tĩnh mạch gồm huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Nguy cơ tim mạch càng tăng cao ở phụ nữ mãn kinh khi có kèm theo tiền sử đái đường, cao huyết áp.
Rối loạn quanh mãn kinh
Một chế độ ăn phù hợp là hết sức quan trọng với phụ nữ tuổi mãn kinh. Chế độ ăn nên ít đường, ít chất béo, giàu vitamin và khoáng chất. Hạn chế bánh ngọt, tăng cường trái cây, rau xanh, cung cấp chất xơ dễ tiêu hóa. Sử dụng các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa (Vitamin E, Vitamin C, Beta carotene) có trong cà rốt, bí ngô, khoai tây.. tăng lượng chất đạm từ đậu , sữa tươi, sữa chua vì chúng cung cấp nhiều acid amin cần thiết cho não bộ. Bổ sung vitamin D và omega 3 hằng ngày làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tim mạch, đái đường và trầm cảm…
Tập luyện thể thao như thể dục dưỡng sinh, yoga…có vai trò làm chậm sự lão hóa, giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường sự dẻo dai của xương khớp, giảm huyết khối tĩnh mạch, giúp phổi và hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm lượng mỡ trong cơ thể, giúp cho người phụ nữ cảm giác vui khỏe, đỡ căng thẳng, ngủ ngon giấc hơn. Trong rối loạn tiểu không tự chủ, bài tập Kegel làm giảm tình trạng són tiểu, phục hồi cơ sàn chậu,giảm sa tử cung, giảm bệnh huyết khối, trĩ... Tập co cơ chậu bằng cách co thắt phần cơ giúp nhịn tiểu, co lại trong vài giây rồi thả lỏng ra, thực hiện động tác này 10 lần mỗi đợt, mỗi ngày khoảng 20 đợt. Bài tập này có thể thực hiện ở mọi nơi: lúc nấu ăn, lúc nghỉ ngơi, khi đi xe buýt, khi xếp hàng…
Do sự sụt giảm nội tiết là nguyên nhân gây ra các triệu chứng và bệnh lý thời kỳ mãn kinh nên một số phụ nữ có thể sử dụng nội tiết thay thế trong thời kỳ mãn kinh để điều trị bệnh. Tùy tình trạng và mục đích điều trị sẽ cung cấp thuốc và thời gian điều trị khác nhau.Theo khuyến cáo của Hội Mãn kinh Quốc tế, liệu pháp nội tiết sẽ được sử dụng khi lợi ích còn cao trên người phụ nữ và nguy cơ xảy ra còn thấp. Vấn đề quan trọng là cần bắt đầu sử dụng sớm trước 60 tuổi và mới mãn kinh dưới 10 năm. Trước khi chỉ định sử dụng nội tiết mãn kinh, cần thăm khám và làm một số xét nghiệm cần thiết để BS quyết định có nên sử dụng liệu pháp nội tiết hay chỉ định biện pháp thay thế khác. Có 2 cách sử dụng liệu pháp nội tiết tuổi mãn kinh:
-Liệu pháp estrogen đơn thuần nếu đã được cắt tử cung.
-Liệu pháp kết hợp estrogen và progesterone/ progestin khi còn tử cung để tránh tăng sinh nội mạc tử cung. Còn chỉ định trong trường hợp cắt tử cung do ung thư nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, cắt tử cung bán phần, phẫu thuật U lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng.
Có nhiều hình thức sử dụng: thuốc uống dạng viên, thuốc đặt âm đạo trong các trường hợp khô âm đạo hay các triệu chứng về rối loạn tiết niệu, dạng que cấy dưới da, dạng miếng dán hoặc gel thoa để nội tiết tố giải phóng từ từ qua da vào máu, ít gây huyết khối tĩnh mạch hơn uống…
Trong cuộc sống của người phụ nữ, giai đoạn mãn kinh là giai đoạn người phụ nữ phải đối mặt với nhiều thay đổi ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe, tình dục. Vì vậy, cần nhận biết những dấu hiệu về các rối loạn trong thời kỳ này để có thể dự phòng hoặc điều trị giảm các ảnh hưởng trong giai đoạn thay đổi nội tiết này là điều cần thiết để tăng cường sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người phụ nữ.
( Cập nhật từ Hội nghị mãn kinh tháng 12/2017,TP Hồ Chí Minh)
- 22/01/2018 12:35 - Cập nhật chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2017 …
- 20/01/2018 12:27 - Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng diệt trừ Helicobact…
- 15/01/2018 20:06 - Nghiên cứu Culprit-Shock, một trong những câu chuy…
- 11/01/2018 15:24 - Hội chứng tim – thận trong nhiễm khuẩn: một tổng q…
- 06/01/2018 18:12 - Theo dõi trong phẫu thuật nội soi (Phần 2)
- 29/12/2017 09:38 - Một số cách đưa thuốc theo đường tiêm
- 29/12/2017 09:31 - Phát hiện sớm và phòng bệnh viêm gan B
- 29/12/2017 08:54 - Gãy xương đùi trẻ em
- 29/12/2017 08:47 - Vết thương phần mềm
- 22/12/2017 22:38 - Nghiên cứu Cantos khẳng định giả thuyết viêm của c…