Điều dưỡng Lê Thị Thủy – Khoa NCT
Trước mỗi cuộc mổ, bệnh nhân và người nhà cần chuẩn bị chu đáo về thể chất, tinh thần cũng như các vấn đề liên quan đến cuộc mổ. Biết rõ các vấn đề cần chuẩn bị sẽ giúp cho bệnh nhân và người nhà hợp tác tốt hơn với đội ngũ y tế. Từ đó giúp cho cuộc phẫu thuật thành công và an toàn hơn.
Phẫu thuật được phân loại tùy theo tình trạng bệnh nhân và tùy theo từng bệnh lý khác nhau:
+ Cấp cứu: Không được trì hoãn vì bệnh nhân sẽ chết, như vết thương mạch máu, vỡ tạng, vết thương tim…
+ Bệnh mổ cấp cứu trì hoãn: là những bệnh cấp cứu nhưng có sự chuẩn bị để bệnh nhân được mổ trong những điều kiên thuận lợi hơn như: viêm túi mật, bán tắc ruột…
+ Mổ chương trình là những bệnh nếu chưa mổ ngay thì cũng chưa nguy hiểm tính mạng. Mổ chương trình được lên kế hoạch và chuẩn bị cẩn thận đầy đủ nhất, nhằm an toàn nhất cho bệnh nhân. Ví dụ sỏi thận, u xơ tử cung, bướu giáp, gãy xương đơn giản…
Những vấn đề cần được chuẩn bị đối với bệnh nhân trước mổ:
1. Chăm sóc về tinh thần
Bất kì một cuộc phẫu thuật nào thì người điều dưỡng phải biết cảm xúc ở một bệnh nhân.Những cảm xúc này có thể biểu hiện ra hoặc được giấu kín, bình thường hoặc không bình thường.Người điều dưỡng phải xác định được những vấn đề bệnh nhân phải chịu đựng khi trải qua cuộc mổ. Thông thường, bệnh nhân phải đối diện với những sợ hải như: sợ vì không biết gì hết, sợ chết, sợ gây mê… Thêm vào đó là những lo lắng về công việc, tài chính, hậu quả của phẫu thuật.
Người Điều dưỡng cần động viên, an ủi bệnh nhân, giải thích những thắc mắc của người bệnh trong phạm vi cho phép. Nếu bệnh nhân lo lắng thái quá dẫn đến mất ngủ thì nên dùng thuốc an thần vào đêm trước mổ là điều cần thiết.
2. Chăm sóc về dinh dưỡng
Dinh dưỡng cần thiết là được xác định bởi đánh giá chiều cao và cân nặng của bệnh nhân, độ căng của cơ tam đầu, vòng đo của cánh tay trên, lượng protid máu.
Bệnh nhân cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trước cuộc mổ, mà đặc biệt quan trọng là lưu ý đến chất đạm và calo cho người thiếu dinh dưỡng, vì chất đạm là thành phần chủ yếu cho sự hồi phục cơ.
Quá trình bổ sung chất đạm là một quy trình xảy ra chậm và có thể cần nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Cần tăng cường các loại thức ăn giàu đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, pho mát…
Khi cuộc mổ được lên lịch vào buổi sáng, thức ăn của buổi tối hôm trước có thể là bữa ăn kiêng nhẹ. Nếu cuộc mổ được lên lịch vào buổi chiều và không liên quan đến bất cứ phần nào của đường tiêu hóa, người bệnh có thể được ăn sáng nhẹ với thức ăn mềm. Thông thường nhất, ăn hay uống qua đường miệng không được cho từ 8hà 10h trước cuộc mổ.
Mục đích trong việc từ chối không cho thức ăn qua đường miệng trước cuộc mổ là để ngăn ngừa sự trào ngược. Sự trào ngược xảy ra khi thức ăn hoặc dịch bị trào từ dạ dày và bị hít ngược vào phổi. Những chất bị hít ngược như là một vật thể lạ sẽ gây kích thích và gây nên một phản ứng viêm nhiễm, đồng thời trong quá trình mổ sẽ gây ra những ngăn chặn đường trao đổi khí một cách đáng kể.
Vì vậy, để ngăn ngừa sự hít ngược, việc cho bệnh nhân nhịn ăn uống trong vòng 8hà 10h trước mổ là điều cần thiết.
Ngoài ra, trước lúc chuyển mổ, điều dưỡng cần yêu cầu bệnh nhân tháo răng giả (nếu có) để tránh lọt vào đường thở trong quá trình phẫu thuật.
3. Chuẩn bị đường ruột
Thụt tháo bệnh nhân được thực hiện bằng nước ấm, sạch hoặc thuốc nhuận tràng sẽ được cho vào buổi tối hôm trước khi mổ và có thể được lặp lại nếu không có hiệu quả. Điều này để ngăn chặn sự đi cầu trong quá trình gây mê hoặc để ngăn chặn một tai nạn phẫu thuật bất ngờ trong suốt thời gian mổ ổ bụng.
4. Chuẩn bị về vệ sinh
Khi sắp đến thời gian mổ, ví dụ như mổ theo kế hoạch , không cấp cứu, bệnh nhân sẽ được dùng xà phòng chứa chất diệt khuẩn, sát trùng để rửa sạch vùng da trong nhiều ngày trước khi đến ngày mổ để làm giảm những vi trùng trên da.
Trước khi mổ, bệnh nhân sẽ được tắm rửa với nước ấm, sử dụng xà phòng có chất povidine-iodine, ví dụ như betadine
- Cạo lông, tóc vùng da chuẩn bị mổ. Hạn chế tối đa việc làm tổn thương vùng da bị cạo bởi đây là cửa đi vào của vi khuẩn. Mô tổn thương này có thể hoạt động như là chất nền, cơ sở cho vi khuẩn phát triển. Khoảng thời gian giữa cạo và mổ càng lâu thì tỉ lệ nhiễm trùng của vết thương càng cao.
- Có thể dùng kem bôi làm rụng lông, tóc ở vùng da cần mổ. Phương pháp này có ưu điểm:
+ Da sạch, trơn, láng
+ Da không bị thay đổi
+ Vết xướt da, trầy da hoàn toàn được hạn chế
Ngoài ra, kem bôi da này có hiệu quả và an toàn hơn cho việc sử dụng trên những bệnh nhân không hợp tác hoặc những bệnh nhân dễ bị kích thích
- Cởi bỏ tư trang người bệnh: Điều dưỡng nên gửi tư trang của người bệnh cho thân nhân vì những vật này vừa gây trở ngại đè cấn trong tư thế phẫu thuật, vừa gây nhiễm khuẩn vùng mổ.
5. Các xét nghiệm cần cho phẫu thuật
- Các xét nghiệm máu cơ bản: Công thức máu, thời gian máu chảy, máu đông, nhóm máu, đường máu, ure máu, protid máu.
- Các xét nghiệm nước tiểu: đường niệu, protein niệu, ure, creatinine
- Các xét nghiệm cận lâm sàng chức năng
+ Chức năng gan: SGOT, SGPT, tỷ prothrombin, siêu âm gan
+ Chức năng thận: ure niệu, creatinin niệu, ure creatinin máu, UIV
+ Chức năng hô hâp: X quang phổi, do khí dung
+ Chức năng tuần hoàn: Siêu âm tim, ECG, Siêu âm Doppler mạch, chụp mạch máu có cản quang.
- Xquang xương khớp, CTscan, MRI…
Tất cả các xét nghiệm trên đều phản ánh chức năng của từng cơ quan trong cơ thể người bệnh.Vì vậy, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm bất thường thì cần phải được điều chỉnh về mức bình thường trước khi chuyển mổ.Điều dưỡng cần biết cách đánh giá những xét nghiệm tiền phẫu để báo cáo kịp thời cho bác sĩ.
6. Chuẩn bị hồ sơ trước mổ cho bệnh nhân:
Ngày trước mổ, điều dưỡng cần kiểm tra tất cả các xét nghiệm tiền phẫu của bệnh nhân. Nếu thấy thiếu hoặc bất thường thì phải bổ sung và điều chỉnh ngay để cuộc mổ được tiến hành theo kế hoạch đã định.
Những biểu đồ, đồ thị về các chức năng của các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân đã hoàn tất và được chuyển cùng với bệnh nhân đến phòng mổ, giấy cam đoan mổ cũng được đính kèm theo.
7. Vận chuyển bệnh nhân đến phòng tiền phẫu
Bệnh nhân được chuyển đến phòng chuẩn bị mổ khoảng 30 phút đến 60 phút trước khi được gây mê.Bệnh nhân phải được nằm trên giường thoải mái, đắp ra đủ ấm từ chân đến hai vai.Tốt nhất là điều dưỡng viên, người mà trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phải đi cùng bệnh nhân đến phòng mổ.Luôn có người giám sát bệnh nhân trong phòng chờ mổ cho đến khi bệnh nhân được chuyển giao cho nhân viên phòng mổ. Hồ sơ được bàn giao cho điều dưỡng phòng mổ, không bao giờ được để với bệnh nhân
KẾT LUẬN
Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ chiểm 1 vị trí quan trọng trong quá trình điều trị ngoại khoa, phải được tiến hành toàn diện, xem người bệnh là một thực thể, không chú trọng một vài cơ quan. Chuẩn bị càng chu đáo, đầy đủ thì càng giảm hẳn các tai biến, biến chứng. Mang đến sự an toàn và sức khỏe tốt cho người bệnh.
- 09/11/2017 09:37 - Tầm soát ung thư gan
- 02/11/2017 11:31 - Ung thư chưa rõ nguyên phát(Phần 2)
- 02/11/2017 11:08 - Biện luận kết quả xét nghiệm đông máu
- 02/11/2017 10:58 - Giảm tiểu cầu giả do EDTA
- 02/11/2017 10:39 - Nhân trường hợp ứng dụng vạt xương mác vi phẫu điề…
- 26/10/2017 19:27 - Nhân một trường hợp điều trị phình động mạch chủ b…
- 22/10/2017 09:16 - Cập nhật về xử trí băng huyết sau sinh
- 16/10/2017 11:31 - Hội chứng trộm máu dưới đòn
- 16/10/2017 11:05 - Ung thư cổ tử cung
- 15/10/2017 05:31 - Tiếp cận về điều trị lạc nội mạc tử cung