• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Can thiệp mạch vành cho bệnh nhân cao tuổi - Lợi ích và nguy cơ

  • PDF.

Bs CKII Trần Lâm - Khoa Nội TM

Ở nước ngoài, người từ 65 tuổi trở lên thường được gọi là người cao tuổi. Tuổi cao có lẽ là yếu tố dự đoán mạnh nhất của bệnh tim mạch (BTM) hiện đại. Sau tuổi 70, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tim mạch liên quan tuyến tính với tuổi tăng. Chẳng hạn, nhóm tuổi ≥80 có nguy cơ phát triển BTM cao gấp 10 lần so với nhóm tuổi <50. Trong hội chứng vành cấp, tử vong 30 ngày của nhóm bệnh nhân (BN) quá già cao gấp 10 lần so với nhóm BN <65 tuổi. Còn trong đau thắt ngực ổn định, theo N/C TIME (Trial of Invasive versus Medica therapy in Elderly patients with chronic angina), BN được điều trị nội khoa đơn thuần tăng gấp đôi nguy cơ biến cố tim mạch so với BN được can thiệp tái thông mạch [1,11].

Can thiệp mạch vành qua da (PCI) là một chiến lược điều trị chọn lựa cho hội chứng vành cấp (HCVC) và bệnh động mạch vành (ĐMV) mạn có triệu chứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu (N/C) cộng đồng cho thấy người cao tuổi thường ít có cơ hội được tái tưới máu mạch vành, chủ yếu là do một số N/C trước đây từ “thời kỳ tiền stent” cho thấy tỷ lệ thành công thấp hơn và tăng tỷ lệ biến chứng ở quần thể BN này. Có lẽ đây là một nghịch lý của điều trị: “lợi ích VÀ nguy cơ". Ngoài ra, BN cao tuổi bị HCVC thường có triệu chứng không điển hình, điện tâm đồ không đặc hiệu chẩn đoán, nhiều bệnh đi kèm, thường chậm trể trong việc tìm cách chữa trị, và tỷ lệ tử vong cao; vì thế, họ thường bị từ chối tái tưới máu mặc dù có nhiều khả năng được hưởng lợi từ đó. Tuổi tác là một trong nhiều lý do giải thích tại sao PCI hay bị từ chối thực hiện cho BN cao tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy PCI là một chọn lựa điều trị sống còn đối với BN cao tuổi [2,4,7,9,10,11].

I. Nguy cơ của can thiệp mạch vành qua da ở bệnh nhân cao tuổi

Tuổi cao liên quan với tiên lượng ngắn hạn và dài hạn xấu hơn, tỷ lệ biến chứng và tử vong nội viện sau PCI cao hơn so với BN trẻ, vì nhiều lý do khác nhau [2, 11]:

+ BN lớn tuổi thường yếu đuối và có tổn thương ĐMV lan tỏa. Nhiều N/C cho thấy tuổi cao là một yếu tố dự báo độc lập kết cục xấu sau PCI. Một N/C quan sát lớn ở New York đánh giá kết cục sau PCI ở 82.140 trường hợp. Họ nghiên cứu tử vong nội viện và biến cố tim nặng (MACE) sau PCI chương trình và cấp cứu ở các nhóm tuổi < 60, 60-80 và > 80. Kết quả, tỷ lệ tử vong nội viện và MACE cao nhất ở nhóm tuổi >80, lần lượt là 11.5% và 13.1% [1]. Một N/C sổ bộ khác ở Châu Âu bao gồm 47.407 BN bị bệnh ĐMV, trong đó có hơn 8000 BN >75 tuổi được PCI cấp cứu hoặc chương trình. N/C này kết luận, BN ≥75 tuổi có nguy cơ tử vong nội viện cao hơn, và tuổi là một yếu tố nguy cơ độc lập ngay cả sau khi điều chỉnh những đặc điểm cơ bản và mức độ trầm trọng của bệnh ĐMV.

+ Sự hiện diện của các bệnh đi kèm quan trọng như suy thận, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, rối loạn chức năng đa phủ tạng, và bệnh mạch máu lan tỏa (mạch vành, mạch não, mạch ngoại biên) làm tăng nguy cơ liên quan với PCI.

+ Nhiều đặc điểm sinh lý có thể ảnh hưởng đến kết cục sau PCI, bao gồm các hiệu ứng kéo dài của các yếu tố nguy cơ trên hệ thống mạch máu dẫn đến kiểu xơ vữa động mạch lan tỏa trong ĐMV và giường mạch máu khác, tăng độ cứng mạch máu theo tuổi, dẫn đến tăng huyết áp tâm thu, phì đại và giảm chức năng thất trái, chức năng tâm trương cơ tim bị suy giảm theo tuổi, và rối loạn chức năng nội mạc cũng phổ biến hơn.

+ Một biến chứng nặng sau PCI là chảy máu (bao gồm chảy máu nội sọ), và tuổi tác là một yếu tố dự báo độc lập chảy máu quan trọng sau PCI.

+ Tính khả thi của kỹ thuật PCI thực hiện ở BN lớn tuổi cũng là một vấn đề lớn, đặc biệt do ĐMV vôi hóa nặng và giải phẫu mạch máu xoắn vặn làm cho việc tiếp cận mạch vành gặp nhiều khó khăn.

Bảng 1. Tỷ lệ một số biến chứng quan trọng ở BN cao tuổi bị bệnh ĐMV được PCI [2]

pci 1

BN cao tuổi tăng nguy cơ các biến chứng liên quan với thủ thuật PCI, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong. N/C cho thấy 30% tử vong do HCVC ở người cao tuổi liên quan với PCI. Một N/C gần đây ở Mỹ nhận thấy tỷ lệ tử vong nội viện đang giảm ở BN > 80 tuổi, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao gấp 5 lần so với BN < 80 tuổi. Gần như tất cả các N/C đều cho thấy, BN cao tuổi tăng nguy cơ các biến chứng liên quan với đường vào, tăng các biến cố chảy máu quan trọng, nguy cơ đột quỵ nội viện cao hơn, tăng nguy cơ các biến chứng liên quan với điều trị nội khoa sau PCI, và tăng nguy cơ bệnh thận do thuốc cản quang. BN cao tuổi thường có tổn thương mạch vành phức tạp hơn, trong thủ thuật cần một lượng thuốc cản quang cao hơn , do vậy, tăng nguy cơ bệnh thận dẫn đến tăng tử vong sớm và muộn sau PCI.

Vậy, đường tiếp cận mạch máu nào có thể làm giảm biến chứng mạch máu cho BN cao tuổi bị NMCT ? Yan ZX và cs (2008) thực hiện một N/C ngẫu nhiên ở BN  NMCT được PCI tiên phát, so sánh giữa 2 đường tiếp cận mạch máu (ĐM quay và ĐM đùi), tác giả nhận thấy: thời gian tái tưới máu và tổng thời gian tiến hành thủ thuật tương đương nhau, nhưng thời gian nằm viện của nhóm BN ĐM đùi dài hơn (10.1 +/- 4.6) sv (7.2 +/- 2.6) ngày, P < 0.01). Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê các biến chứng tại vị trí chọc mạch giữa 2 nhóm, 1,8% trong nhóm ĐM quay sv 13,1% trong nhóm ĐM đùi (P < 0.05). Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm về tỷ lệ biến cố tim nặng (MACE) (5.3% sv 6.5%, P > 0.05). Như vậy, đường ĐM quay là an toàn và khả thi đối với BN cao tuổi bị NMCT được PCI tiên phát [5].

Năm 2004, tỷ lệ sử dụng đường ĐM quay trong PCI ở Anh quốc chỉ 10.2%, nhưng đã tăng lên đến 58.5% trong năm 2011. Ích lợi của đường ĐM quay so với đường ĐM đùi là giảm các biến chứng mạch máu tại chỗ, BN sớm đi lại và làm tăng sự vừa lòng của BN. Ở BN cao tuổi, đi lại sớm là đặc biệt quan trọng vì làm giảm nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và nhiễm trùng bệnh viện.

Mới đây, một trong những N/C lớn nhất so sánh đường vào ĐM quay và ĐM đùi trong PCI là N/C RIVAL (Radial Versus Femoral Access for Coronary Intervention) thực hiện ở 7021 BN bị hội chứng vành cấp. Sau 30 ngày, không có sự khác biệt có ý nghĩa về tỷ lệ tử vong, NMCT, hoặc đột quỵ, nhưng tỷ lệ biến cố mạch máu tại chỗ như giả phình mạch hay hematome lớn ở nhóm ĐM đùi cao hơn có ý nghĩa so với nhóm ĐM quay. Có thể kết luận, BN cao tuổi thường có nguy cơ biến chứng mạch máu cao đáng kể, nên việc sử dụng đường vào ĐM quay sẽ giúp giảm tỷ lệ biến cố mạch máu tại chỗ [6].

II. Ích lợi của can thiệp mạch vành qua da ở bệnh nhân cao tuổi

Hiện nay, ít có bằng chứng để hướng dẫn điều trị PCI cho quần thể BN này vì tuổi cao là một tiêu chuẩn loại trừ trong hầu hết các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, trong thực tế đã có tới 25% trường hợp PCI được thực hiện ở người >75 tuổi và 12% ở người > 80 tuổi. Hai N/C sổ bộ rất lớn ở Mỹ đã phát hiện có tới 1/9 BN được PCI có tuổi ≥85. Kết quả của khảo sát SF 36 (Short Form Health Survey) và N/C TIME (Trial of Invasive Versus Medical Therapy in Older Patients) cho thấy chất lượng cuộc sống của BN cao tuổi cải thiện có ý nghĩa sau khi được tái thông mạch máu [1, 7, 8].

1. Nhồi máu cơ tim ST chênh lên (STEMI)

Bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ cao khi vào viện với STEMI. Các lý do của nguy cơ cao bao gồm triệu chứng không điển hình, chậm trễ trong việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế, thường được điều trị bởi những thầy thuốc không chuyên khoa, và khởi đầu thường được nhận vào những bệnh viện không có khả năng làm PCI.

Nghiên cứu PAMI-I (Primary Angioplasty in Myocardial Infarction-I) là một trong những nghiên cứu sớm so sánh PCI tiên phát với liệu pháp tiêu sợi huyết (tPA) ở  bệnh nhân STEMI. Một phân tích nhóm nhỏ của N/C này cho thấy một xu hướng tử vong nội viện ít hơn và giảm đáng kể tử vong hoặc nhồi máu cơ tim tái phát ở những bệnh nhân tuổi ≥65 tuổi được PCI. Mặc dù có sự gia tăng nguy cơ đột quỵ và xuất huyết não ở BN lớn tuổi nhưng không có biến cố nào xảy ra ở nhóm PCI.

N/C CADILLAC (Controlled Abciximab and Device Investigation to Lower Late Angioplasty Complications) trên 2681 BN bị NMCT đã rút ra một số kết luận: @ Người cao tuổi bị NMCT thường có một số bệnh kèm ảnh hưởng xấu  đến tiên lượng sau PCI, @  tỷ lệ thành công của PCI tiên phát tương đương giữa người cao tuổi và người trẻ, @ tuổi cao là một yếu tố dự đoán độc lập, mạnh của cả tử vong ngắn hạn và tử vong muộn sau PCI, @ tỷ lệ đột quỵ và chảy máu quan trọng tăng đáng kể ở BN cao tuổi sau PCI, @ đặt stent cho BN cao tuổi làm giảm tỷ lệ huyết khối bán cấp và tái thông mạch máu đích ở cả 2 mốc 30 ngày và 1 năm, và @ tỷ lệ tử vong sau 1 năm PCI chỉ là 8,4% ở nhóm BN ≥65 tuổi, một tỷ lệ chấp nhận được so với 15-30% ở những BN được điều trị nội khoa trong những N/C trước đó.

Nghiên của GUSTO IIb (Global Use of Strategies to Open Occluded Coronary Arteries in Acute Coronary Syndrome) cho thấy một xu hướng mạnh đối với tỷ lệ tử vong 30 ngày thấp hơn ở nhóm PCI so với nhóm điều trị tiêu sợi huyết ở bệnh nhân STEMI ≥70 tuổi.

 Nghiên cứu DANAMI-2 (Danish Multicenter Randomized Study on Fibrinolytic Therapy versus Acute Coronary Angioplasty in Acute Myocardial Infarction-2) so sánh bệnh nhân STEMI được chuyển đến để làm PCI trong vòng 2 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng với BN được điều trị tPA tại chỗ. Kết quả, nhóm  BN ≥ 63 tuổi được PCI giảm đáng kể tử vong 30 ngày, NMCT hoặc đột quỵ so với nhóm bệnh nhân dùng tPA.

Nghiên cứu Senior PAMI cho thấy PCI ở BN STEMI ≥70 tuổi làm giảm đáng kể tử vong, NMCT hoặc đột quỵ.

Nghiên cứu  PCAT (Primary Coronary Nong mạch Trial) gộp 11 thử nghiệm ngẫu nhiên so sánh PCI với điều trị tiêu sợi huyết, nhận thấy tỷ lệ tử vong 30 ngày giảm đáng kể  ở những BN ≥70 tuổi được PCI. Kết quả của N/C này đã tăng cường bằng chứng ủng hộ thực hiện PCI cho BN cao tuổi với STEMI.

Bảng 2. Các nghiên cứu ủng hộ thực hiện PCI cho BN cao tuổi bị STEMI [2].

pci 2

2. Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (non-STEMI)

Hiện có nhiều tranh luận về liệu pháp tối ưu cho BN cao tuổi có chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định (UA) hoặc non-STEMI. Có 2 quan điểm, ​​đó là điều trị nội khoa bảo tồn hay điều trị can thiệp sớm, bởi vì một số N/C trước đây đều cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 phương pháp điều trị này hoặc có tăng nguy cơ khi điều trị can thiệp. Tuy nhiên, cần thận trọng khi diễn giải kết quả của các thử nghiệm này vì chúng được tiến hành trước khi các chất ức chế glycoprotein IIb/IIIa và kỹ thuật đặt stent trở thành phổ biến.

Thử nghiệm TIMI- IIIB (The Thrombolysis in Myocardial Infarction) là một trong những N/C đầu tiên so sánh điều trị xâm nhập sớm (PCI trong 48 giờ đầu nhập viện) với điều trị nội khoa bảo tồn ở những BN UA hoặc non-STMI nhận thấy, BN ≥65 tuổi được PCI sớm đã giảm có ý nghĩa tử vong hoặc NMCT. Tuy nhiên, thử nghiệm này được tiến hành ở thời kỳ tiền stent. N/C ngẫu nhiên  FRISC II  (Fragmin and Fast Revascularization during Instability in Coronary Artery Disease) bao gồm những BN non-STEM cho thấy, nhóm BN được PCI đã giảm có ý nghĩa tử vong hoặc NMCT, trong đó, BN ≥65 tuổi đã giảm nguy cơ tương đối và tuyệt đối so với BN trẻ hơn ở cả tử vong và NMCT.

N/C TACTICS-TIMI 18 (Treat Angina with Aggrastat and Determine Cost of Therapy with an Invasive or Conservative Strategy) so sánh kết quả điều trị xâm nhập sớm với điều trị bảo tồn ở BN NSTEMI cũng nhận thấy, nhóm BN được điều trị xâm nhập đã giảm có ý nghĩa tiêu chí phối hợp tử vong, NMCT và tái nhập viện, và nhóm BN ≥65 tuổi đã giảm nguy cơ tương đối và tuyệt đối của tử vong hoặc NMCT ở ngày theo dõi thứ 30. Điều này chứng tỏ lợi ích gia tăng khi điều trị can thiệp sớm cho BN lớn tuổi. Tuy nhiên, một thử nghiệm sau đó so sánh điều trị xâm nhập sớm với điều trị xâm nhập thường quy, nhận thấy, không có sự khác biệt có ý nghĩa về kết cục giữa 2 cách tiếp cận điều trị này. Mặc dù, tỷ lệ tử vong nội viện cao hơn ở nhóm BN cao tuổi, nhưng một N/C sổ bộ dữ liệu tim mạch quốc gia của Mỹ cho thấy, có sự cải thiện theo thời gian tỷ lệ tử vong nội viện điều chỉnh sau PCI. Và phát hiện này có ý nghĩa hơn trong những nhóm BN già nhất.

Mới đây (2015) tại Hội nghị khoa học của Trường môn tim mạch Mỹ (ACC), tác giả Tegn và cs trình bày kết quả N/C 457 BN  ≥ 80 tuổi bị non-STEMI hoặc UA, được phân ngẫu nhiên điều trị nội khoa tối ưu hoặc điều trị nội khoa tối ưu kết hợp điều trị xâm nhập (can thiệp mạch vành qua da hay mổ bắt cầu ĐMV (CABG). Sau 1,5 năm theo dõi, tiêu chí phối hợp (NMCT, đột quỵ, tái thông mạch cấp cứu và tử vong) thấp hơn có ý nghĩa ở nhóm xâm nhập (41% sv 61%), cụ thể, tỷ lệ NMCT (17% sv 30%) và tái thông mạch cấp cứu (2% sv 11%) tử vong (35% sv 48%); không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về biến chứng chảy máu (4 BN mỗi nhóm). Tác giả kết luận, chiến lược điều trị xâm nhập ưu việt hơn điều trị bảo tồn ở BN  ≥ 80 tuổi bị non-STEMI hoặc UA [4].

Omar Rana, Ryan Moran, et al (2013) thực hiện một N/C hồi cứu bao gồm 294 BN rất già ≥ 85 tuổi được PCI, trong đó, có 61,2% bị hội chứng vành cấp (UN, STEMI, non-STEMI) và 38,8% được PCI chương trình. Tiêu chí tiên phát là tử vong nội viện, 30 ngày và 1 năm. Kết quả, tỷ lệ tử  vong nội viện là 2.4%, 30 ngày là 4.4% và 1 năm là 17.7%. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong 30 ngày và 1 năm giữa 2 nhóm can thiệp cấp cứu và can thiệp chương trình tương đương nhau (5.6% vs. 3.4%, p=0.24, 20.0% vs. 14.0%, p=0.19, lần lượt). Phân tích đa biến cho thấy tuổi, giới nam, choáng tim và tiền sử PCI là những yếu tố dự đoán độc lập của tử vong 1 năm. Như vậy, PCI có lẽ là một chọn lựa điều trị an toàn cho BN quá già với tỷ lệ sống còn 1 năm khá cao. Các N/C tương lai cần tập trung vào nhóm tuổi này để hướng dẫn cho các chuyên gia can thiệp thực hiện những quyết định sáng suốt khi đối mặt với quần thể BN đầy thách thức này [11].

Tóm lại, bệnh nhân cao tuổi với non-STEMI dường như được hưởng lợi khi được PCI sớm, nhưng việc chọn lựa BN trên cơ sở đánh giá cẩn thận lâm sàng của người thầy thuốc là cần thiết để có được lợi ích này. Bản thân tuổi cao không phải là một tiêu chuẩn loại trừ PCI ở những BN có đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật này.

3. Choáng tim

Có nhiều bằng chứng trái ngược nhau liên quan đến việc thực hiện PCI sớm ở BN cao tuổi bị choáng tim. Trong thử nghiệm SHOCK, điều trị tái tưới máu sớm bằng PCI đã làm giảm có ý nghĩa tỷ lệ tử vong. Cũng theo N/C này, chỉ những BN <75 tuổi mới được hưởng lợi ích này, còn những BN ≥75 tuổi lại có kết cục xấu hơn sau khi được PCI. Sự khác biệt này được giải thích là do số lượng BN cao tuổi ít ỏi và có sự không đồng đều trong các đặc điểm cơ bản của nhóm BN được PCI [3].  Những N/C khác cũng cho thấy ích lợi đáng kể trên tỷ lệ tử vong khi BN cao tuổi bị choáng tim được chọn lọc cẩn thận để tái tưới máu sớm.

Một N/C sổ bộ cho thấy ích lợi sống còn rõ ràng ở những BN ≥75 tuổi bị choáng tim được can thiệp tái tưới máu cấp cứu. Tóm lại, có vẽ như có một lợi ích cụ thể xuất hiện ở những BN cao tuổi bị choáng tim được chọn lọc cẩn thận để thực hiện PCI sớm.

Quay lại N/C của Omar Rana và cs (2013) bao gồm những BN rất già ≥ 85 tuổi được PCI, choáng tim là yếu tố dự đoán độc lập, mạnh nhất của tử vong do tất cả các nguyên nhân sau 1 năm. Những BN rất già có nguy cơ huyết khối stent cao hơn. Đây là hậu quả của một vài biến đổi sinh học liên quan đến tuổi như rối loạn chức năng nội mạc, nồng độ các yếu tố đông máu cao hơn và tăng tái  hoạt động của tiểu cầu [11].

Ioakim Spyridopoulos và cs (2014) nghiên cứu 3049 BN bị STEMI được PCI tiên phát, nhận thấy: so với BN trẻ hơn, người cao tuổi có tỷ lệ tử vong nội viện cao gấp 4 lần (11.5% sv 2.8%) . Các yếu tố như choáng tim, TIMI sau PCI <3, tuổi > 75, và chỉ số sốc (shock index) trước PCI dương tính (chỉ số sốc = tỷ lệ tần số tim / HA tâm thu) là những yếu tố dự đoán độc lập, mạnh nhất của tử vong nội viện. Đối với kết cục lâu dài, NMCT trước đây và chỉ số sốc là những yếu tố dự đoán kết cục xấu ở người cao tuổi [9].

Bangalore S và cs (2014) thực hiện một N/C lớn nhất về sốc tim, bao gồm 60.833 BN bị sốc tim, trong đó có 11.004 BN cao tuổi ≥75 tuổi, tiêu chí N/C chính là tử vong nội viện. Kết quả, so với nhóm BN được điều trị bảo tồn, nhóm BN được điều trị xâm nhập có tỷ lệ tử vong nội viện thấp hơn (37.7% sv 59.7%; P < .0001),  ngay cả đối với BN cao tuổi ≥75 (44.0% ở nhóm xâm nhập sv 63.6% của nhóm điều trị bảo tồn (P < .0001) [10]. Kết quả của N/C này nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược điều trị tích cực ở nhóm BN nguy cơ cực cao này.

4. Can thiệp mạch vành qua da chương trình

PCI chương trình đã được nghiên cứu trong một thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng dành riêng cho BN cao tuổi, đó là thử nghiệm TIME (Trial of Invasive versus Medical Therapy in Elderly Patients with Chronic Symptomatic Coronary Artery Disease). N/C này so sánh PCI với điều trị nội khoa tối ưu ở những BN ≥75 tuổi bị bệnh động mạch vành mạn có triệu chứng. Sau 6 tháng theo dõi, BN trong nhóm PCI đã cải thiện triệu chứng đau thắt ngực và chất lượng cuộc sống, giảm có ý nghĩa các biến cố tim quan trong (MACE), chủ yếu là do giảm nhu cầu tái nhập viện do hội chứng vành cấp. Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa triệu chứng đau thắt ngực, chất lượng cuộc sống hoặc tử vong giữa 2 nhóm sau 1 năm theo dõi. Và sau 4 năm, tỷ lệ sống còn của 2 nhóm BN tương đương đương nhau, nhưng BN trong nhóm can thiệp vẫn còn giảm có ý nghĩa MACE, do số lần tái nhập viện vì hội chứng vành cấp ít hơn. Ngoài ra, bất kể là bệnh nhân được PCI  ban đầu hay chỉ sau khi điều trị bằng thuốc thất bại, tỉ lệ sống còn của họ đều tốt hơn nếu PCI được thực hiện trong năm đầu tiên. Cuối cùng, so với điều trị nội khoa bảo tồn, chiến lược xâm nhập có hiệu quả kinh tế hơn.

Tóm lại, N/C này cho thấy BN cao tuổi bị bệnh ĐMV mạn nên được PCI bất kể tuổi tác nếu họ hội đủ các điều kiện để làm thủ thuật và vẫn còn triệu chứng dù được điều trị nội khoa tối ưu. Đến nay, chưa có N/C nào xem xét vai trò của tái thông mạch máu ở BN ≥85 tuổi có đau thắt ngực ổn định.

Kết luận: BN cao tuổi là một quần thể đang phát triển nhanh chóng trong thời đại ngày nay, và có thể là một thách thức điều trị do những vấn đề đặc biệt về sinh lý và giải phẫu. Người cao tuổi thường được điều trị ít tích cực hơn so với bệnh nhân trẻ hơn, một phần do e ngại gia tăng nguy cơ các biến cố nặng và một phần do thiếu các guideline điều trị chuẩn dành cho người cao tuổi. Bệnh nhân cao tuổi thường bị loại khỏi các thử nghiệm ngẫu nhiên lớn do tuổi tác và có các bệnh kèm theo, vì thế, không thể quyết định theo một tiếp cận tối ưu trong hầu hết các tình huống lâm sàng. Tuy nhiên, trên cơ sở bằng chứng hiện nay, việc quyết định  thực hiện PCI  không nên chỉ dựa vào tuổi thời gian (chronological age) mà còn phải dựa vào sự thỏa mãn điều kiện chung đối với PCI trong từng trường hợp lâm sàng cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Singh M, Peterson ED, Roe MT et al. Trends in the association between age and in-hospital mortality after percutaneous coronary intervention: National Cardiovascular Data Registry experience. Circ Cardiovasc Interv 2009;2:20–6.
  2. Madhan Shanmugasundaram, et al. Percutaneous Coronary Intervention in Elderly Patients. Is It Beneficial? Tex Heart Inst J. 2011; 38(4): 398–403.
  3. Dzavik V, Sleeper LA, Picard MH, et al. Outcome of patients aged >or=75 years in the SHould we emergently revascularize Occluded Coronaries in cardiogenic shocK (SHOCK) trial: do elderly patients with acute myocardial infarction complicated by cardiogenic shock respond differently to emergent revascularization? Am Heart J 2005;149(6):1128–34.
  4. Tegn NK, et al. Late-Breaking Clinical Trials V: TCT@ACC-i2. Presented at: American College of Cardiology Scientific Sessions; March 14-16, 2015; San Diego.
  5. Yan ZXZhou YJ, et al. Safety and feasibility of transradial approach for primary percutaneous coronary intervention in elderly patients with acute myocardial infarction. Chinese Medical Journal. 2008, 121(9):782-786.
  6. Jolly SS, Yusuf S, Cairns J et al. Radial versus femoral access for coronary angiography and intervention in patients with acute coronary syndromes (RIVAL): a randomised, parallel group, multicentre trial. Lancet. 2011;377:1409–20.
  7. Wang TY, Masoudi FA, Messenger JC et al. Percutaneous coronary intervention and drug-eluting stent use among patients ≥85 years of age in the United States. J Am Coll Cardiol. 2012;59:105–12.
  8. Johnman C, Oldroyd KG, Mackay DF et al. Percutaneous coronary intervention in the elderly: changes in case-mix and periprocedural outcomes in 31,758 patients treated between 2000 and 2007. Circ Cardiovasc Interv 2010;3:341–5.
  9. Ioakim Spyridopoulos, et al. Shock-index as a novel predictor of long-term outcome following primary percutaneous coronary intervention. European Heart Journal: Acute Cardiovascular Care November 25, 2014.
  10. Bangalore S, Gupta N, et al. Outcomes with Invasive vs Conservative Management of Cardiogenic Shock Complicating Acute Myocardial Infarction. Am J Med. 2014 Dec 30.
  11. Omar Rana, Ryan Moran, et al. Percutaneous Coronary Intervention in the Very Elderly (≥85 Years) Trends and Outcomes. Br J Cardiol. 2013;20(1):27-31

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 05 Tháng 5 2015 05:08

You are here Đào tạo Tập san Y học Can thiệp mạch vành cho bệnh nhân cao tuổi - Lợi ích và nguy cơ