Ths Lê Văn Tuấn - Khoa ICU
Chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp nhiễm khuẩn hệ thống là một thách thức trong thực hành hàng ngày tại các khoa ICU. Ngày nay, nhiều chiến lược điều trị đã chứng minh cải thiện tỉ lệ sống còn cho bệnh nhân nhiễm khuẩn hệ thống, do đó điều quan trọng là phải chẩn đoán nhanh chóng và chính xác nhiễm khuẩn hệ thống.
Trong các dấu ấn sinh học mới nhất của nhiễm khuẩn hệ thống thì procalcitonin (PCT) có độ chính xác chẩn đoán cao nhất. Nồng độ PCT tăng nhanh (trong vòng 6-12 giờ) sau một đợt nhiễm khuẩn hệ thống có hậu quả toàn thân. Vì kết cục của bệnh nhân nhiễm khuẩn hệ thống có thể đựơc cải thiện rõ rệt nếu bệnh nhân được điều trị sớm và đầy đủ, đo nồng độ PCT để chẩn đoán sớm và hiệu quả được khuyến cáo đối với tất cả các bệnh nhân nghi ngờ có nhiễm khuẩn hệ thống và có hội chứng đáp ứng viêm hệ thống.
Procalcitonin là tiền hormone của hormone calcitonin, nhưng PCT và calcitonin là hai protein khác biệt hoàn toàn. Calcitonin được sản xuất duy nhất bởi tế bào C của tuyến giáp khi đáp ứng với kích thích hormone, trong khi đó PCT có thể được sản xuất bởi nhiều loại tế bào và nhiều cơ quan khác nhau khi đáp ứng với kích thích tiền viêm, đặc biệt với các sản phẩm do vi khuẩn bài tiết.
Ở người khỏe mạnh, nồng độ PCT huyết tương dưới ngưỡng 0,05mcg/l, nhưng nồng độ PCT có thể tăng lên đến 1000 mcg/l trên bệnh nhân có nhiễm khuẩn hệ thống, nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
Thông thường, nồng độ PCT vượt ngưỡng 0,5 mcg/l được coi là giá trị bất thường gợi ý hội chứng nhiễm khuẩn hệ thống. Giá trị PCT dao động trong khoảng từ 0,5 và 2 mcg/l đại diện cho vùng “xám”, xem như không chắc chắn nếu xét về chẩn đoán nhiễm khuẩn hệ thống. Trong những trường hợp này, người ta khuyến cáo làm lại xét nghiệm sau 6-24 giờ, cho đến khi có chẩn đoán xác định. Nồng độ PCT trên 2 mcg/l gợi ý nhiều đến quá trình nhiễm khuẩn có hậu quả toàn thân. Nồng độ trên 10 mcg/l hầu như chắc chắn thấy được trên những bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
Sự tăng sản xuất PCT có thể do các kích thích khác nhau gây nên cả trong ống nghiệm (in vitro) và trong cơ thể (in vivo). Nội độc tố của vi khuẩn và các cytokine tiền viêm là những chất kích thích rất mạnh sự sản xuất PCT. Vai trò sinh lý chính xác của PCT vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm gần đây gợi ý rằng PCT có thể đóng vai trò bệnh sinh trong nhiễm khuẩn hệ thống. Protein PCT có đặc tính của chất hóa ứng động bạch cầu và điều hòa sự tổng hợp NO bởi các tế bào nội mạc.
PCT là một protein ổn định trong các mẫu phẩm huyết tương và máu toàn phần. Ở nhiệt độ phòng, trên 80% nồng độ ban đầu có thể được phục hồi sau 24 giờ lưu trữ, và > 90% được phục hồi khi mẫu phẩm được lưu trữ ở 4 độ C. PCT huyết tương có thời gian bán hủy bình thường là 25-30 giờ, và 30-45 giờ trên bệnh nhân suy thận nặng.
Quan sát thấy nồng độ PCT tăng một cách có ý nghĩa trong nhiễm khuẩn hệ thống, nhưng đặc biệt tăng cao trong những ngày đầu của nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn. Trên bệnh nhân “SIRS” không do nhiễm khuẩn, nồng độ PCT thường ở mức thấp hơn (<1 mcg/l). Tuy vậy, ở giai đoạn đầu sau đa chấn thương hoặc phẫu thuật lớn, trên bệnh nhân bỏng nặng hoặc trẻ sơ sinh, nồng độ PCT có thể tăng không phụ thuộc vào quá trình nhiễm trùng. Thường nhanh chóng trở về mức ban đầu và trong những trường hợp này thì lần tăng PCT thứ hai được diễn giải là sự xuất hiện một đợt nhiễm khuẩn hệ thống. Nhiễm vi rút, xâm thực vi khuẩn, nhiễm trùng khu trú, bệnh lý dị ứng, bệnh lý miễn dịch và phản ứng thải ghép thường không gây tăng đáp ứng đáng kể về PCT (giá trị <0,5mcg/l)
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn sử dụng lâm sàng xét nghiệm PCT - Roche
- 12/04/2015 06:27 - Colistin: sự trở lại của kháng sinh nhóm polymycin…
- 06/04/2015 08:42 - Đánh giá nhanh kết quả khí máu động mạch
- 06/04/2015 08:22 - Stent phủ thuốc Everolimus hay mổ bắt cầu cho …
- 31/03/2015 11:50 - Nhân 06 trường hợp dây rốn thắt nút trên lâm sàng
- 27/03/2015 15:56 - Các thuốc ức chế bơm proton (PPI)
- 22/03/2015 18:59 - Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
- 05/03/2015 12:13 - Đánh giá tổn thương động mạch vành qua kỹ thuật ch…
- 09/02/2015 17:34 - Xoắn đường tiêu hóa (phần 2)
- 30/01/2015 21:21 - Xoắn đường tiêu hóa (phần 1)
- 26/01/2015 17:29 - Bổ sung oxy hợp lý trong nhồi máu cơ tim cấp