• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Nghèo khó – một yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch

  • PDF.

Bs CKII Trần Lâm - Khoa Nội TM

Hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG), mỗi năm thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, chiếm 30% tử vong trên toàn cầu, trong số đó, 7,3 triệu là do bệnh mạch vành, 6,2 triệu là do đột quỵ. Nếu không có một hành động tích cực thì đến năm 2015 trên toàn thế giới sẽ có 20 triệu người chết do bệnh tim mạch, và dự đoán năm 2030 sẽ là 23,3 triệu người, chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển (khoảng 80%).

1. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch:

Các yếu tố nguy cơ hành vi quan trọng nhất của bệnh tim mạch và đột quỵ là chế độ ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu...Các yếu tố nguy cơ này chịu trách nhiệm cho khoảng 80% bệnh mạch vành và bệnh mạch máu não. Những hậu quả của chế độ ăn uống không lành mạnh và ít hoạt động thể chất có thể là tăng huyết áp, tăng đường huyết,  tăng lipid máu, quá cân, béo phì...Những "yếu tố nguy cơ trung gian” này làm tăng nguy cơ xuất hiện các cơn đau tim, đột quỵ, suy tim và các biến chứng khác. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ này có thể được cân đo, phát hiện tại các cơ sở chăm sóc ban đầu.

ngheo1

Ngoài ra, còn có một số yếu tố quyết định cơ bản của bệnh tim mạch, hay còn gọi là "nguyên nhân của nguyên nhân". Những yếu tố này phản ánh sự chi phối của các lực lượng chủ yếu (sự thay đổi kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường...) đến nguy cơ xuất hiện bệnh tim mạch; đó là toàn cầu hóa, đô thị hóa, dân số già, sự nghèo khó, stress và các yếu tố di truyền.

2. Nghèo khó – một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch:

Mặc dù gánh nặng và các xu hướng bệnh tim mạch thay đổi giữa các nước, nhưng từ góc độ phát triển con người, 4 khía cạnh sau đây của gánh nặng bệnh tim mạch đều rất quan trọng. Thứ nhất, mặc dù tuổi trung bình khởi phát bệnh tim mạch ở phụ nữ cao hơn nam giới nhưng số trường hợp tử vong tim mạch tương đương giữa 2 giới. Thứ hai, tử vong tim mạch được phân bổ đều giữa các nước phát triển và đang phát triển. Hiện nay, bệnh tim mạch không còn là nhóm bệnh chuyên biệt của các quốc gia giàu có, mà ngược lại, các nước nghèo nhất thường bị ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với bệnh tim mạch. Theo thống kê, 80% dân số thế giới đang sống ở các nước đang phát triển, và > 80% các ca tử vong tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Thứ ba, mặc dù tử vong do bệnh tim mạch gia tăng cùng với tuổi tác ngày càng tăng, nhưng gần 45% tử vong tim mạch xảy ra ở nhóm tuổi < 70, và tỷ lệ tử vong tim mạch của lứa tuổi trung niên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cao hơn đáng kể so với các nước giàu có. Cuối cùng, sự bất bình đẳng lớn nhất trong sự phân bố bệnh tim mạch được tìm thấy ngay trong lòng những nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở đó, bệnh tim mạch có một tác động rất lớn trên sức khỏe của lực lượng lao động và đặt một gánh nặng lên nền kinh tế cả nước.

Thật vậy, bệnh tim mạch và nghèo đói có sự liên quan chặc chẽ. Khi một quốc gia phát triển kinh tế, phát triển đô thị và vấn đề di cư xảy ra, các yếu tố nguy cơ tim mạch khởi đầu tăng ở những người giàu có, nhưng ngay sau đó, nhờ học được những bài học từ bản thân mình và điều chỉnh lối sống, những nguy cơ này chuyển sang tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp hơn. Tính nhạy cảm của những người kém giàu có với những yếu tố này được khuếch đại bởi sự căng thẳng tâm lý, những mức độ cao hơn của hành vi nguy cơ, và bởi sự tiếp cận hạn chế với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt. Ở hầu hết các nước có thu nhập cao, những người có bệnh tim mạch được bảo vệ bởi hệ thống an sinh xã hội và sức mạnh tài chính đáng kể cho phép họ mua dịch vụ chăm sóc cần thiết. Ngược lại, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, hệ thống bảo hiểm y tế phát triển kém, không tốt hoặc không tồn tại; người bệnh phải tự trang trải chi phí điều trị bệnh tim mạch thường với những hậu quả tệ hại, hoặc không thể tham gia điều trị.  

Theo các nhà nghiên cứu, người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình hay tiếp xúc hơn với các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch và các bệnh không lây khác..Hơn nữa, họ thường không được hưởng lợi nhiều từ các chương trình dự phòng so với cư dân ở các nước thu nhập cao, và ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả và công bằng nhằm đáp ứng nhu cầu của họ (bao gồm cả các dịch vụ phát hiện bệnh sớm). Hậu quả là, nhiều người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình bị chết trẻ do bệnh tim mạch, đây là lứa tuổi có cơ hội làm ra nhiều của cải và cống hiến cao nhất.

Trong một nước, những người có tình trạng kinh tế - xã hội thấp có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác. Nguyên nhân thường được quy là do ít được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hoặc không nghiêm chỉnh tuân thủ các chế độ dự phòng và điều trị bệnh. Tuy nhiên, lần đầu tiên, một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng sự tiếp cận và tuân thủ không thể giải thích hết cho sự khác biệt này. Người nghèo có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn những người khác ngay cả sau khi giải quyết các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp,.. . Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 12.000 người, tuổi 45-64, sống ở Bắc Carolina, Mississippi, Minnesota và Maryland. Đối tượng tham gia nghiên cứu báo cáo trình độ học vấn và mức thu nhập của họ trong năm 1987, và sau đó được theo dõi trong 10 năm về bệnh lý tim mạch và những thay đổi trong các yếu tố nguy cơ của họ, bao gồm cholesterol máu, huyết áp và hút thuốc... Kết quả cho thấy, những người có tình trạng kinh tế- xã hội thấp hơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 50% so với những đối tượng nghiên cứu khác. Để kết luận, các nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng nghèo khó hoặc có một nền giáo dục dưới bậc trung học có thể được coi là một nguy cơ bổ sung khi đánh giá khả năng mắc bệnh tim mạch của một bệnh nhân. Do vậy, những người có tình trạng kinh tế- xã hội thấp cần phải được theo dõi, phát hiện, quản lý tích cực bệnh lý tim mạch của họ.

ngheo2

Những người nghèo nhất trong các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nhất. Ở cấp hộ gia đình, có đủ bằng chứng để chứng minh rằng bệnh tim mạch và các bệnh không lây khác góp phần vào sự nghèo khó do chi phí y tế cao vượt quá túi tiền. Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, bệnh tim mạch đặt một gánh nặng lên nền kinh tế của các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ước tính, các bệnh không lây như bệnh tim mạch và đái tháo đường làm giảm tổng sản lượng quốc nội  (GDP) lên tới 6,77% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình có tăng trưởng kinh tế nhanh.

3. Làm thế nào để giảm gánh nặng bệnh tim mạch ở các nước nghèo khó?

Theo TCYTTG, các can thiệp hiệu quả, khả thi với chi phí rất cao trong phòng, chống các bệnh tim mạch có thể được thực hiện ngay cả trong những bối cảnh có nguồn lực thấp. Bệnh tim và đột quỵ có thể được dự phòng thông qua  hoạt động thể chất đều đặn, chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây và rau quả, tránh các thức ăn có nhiều chất béo, đường và muối, tránh hút thuốc lá và hít khói thuốc lá thụ động, tránh lạm dụng rượu, duy trì một trọng lượng cơ thể thích hợp, dự phòng hoặc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu...

Tiến hành các hành động toàn diện và tích hợp là cách để dự phòng và kiểm soát bệnh tim mạch một cách hiệu quả.

Hành động toàn diện đòi hỏi phải kết hợp các phương pháp nhằm làm giảm nguy cơ trong toàn bộ dân số với những chiến lược nhằm vào các cá nhân có nguy cơ cao hoặc đã có bệnh. Có thể kể một số biện pháp can thiệp sau:

  • Chính sách kiểm soát thuốc lá toàn diện,
  • Đánh thuế để giảm tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều chất béo, đường và muối,
  • Xây dựng các tuyến đường đi bộ, đi xe đạp, đi cầu thang bộ để tăng hoạt động thể chất,
  • Cung cấp các bữa ăn lành mạnh ở trường học cho trẻ em.

Các phương pháp tiếp cận tích hợp tập trung vào các yếu tố nguy cơ phổ biến chính như: chế độ ăn uống không lành mạnh, không hoạt động thể chất, sử dụng thuốc lá... Nhằm dự phòng và phát hiện sớm bệnh tim mạch, chính phủ cần tăng cường đầu tư thông qua các chương trình quốc gia, có các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thích hợp và sẵn có để động viên mọi người chấp nhận và duy trì hành vi lành mạnh. Có nhiều lựa chọn can thiệp có thể sử dụng được. Một số biện pháp can thiệp có thể được thực hiện ngay cả bởi những nhân viên y tế không phải thầy thuốc ở những cơ sở y tế gần với khách hàng. Họ là những người can thiệp rất hiệu quả và có ảnh hưởng cao, đây là đối tượng được TCYTTG ưu tiên. Chẳng hạn, đối tượng có nguy cơ cao có thể được xác định sớm tại trạm y tế bằng cách sử dụng các công cụ đơn giản như là các thước đo, máy đo huyết áp, các tiêu chuẩn chẩn đoán, các biểu đồ dự báo nguy cơ chuyên biệt, cụ thể...Nếu đối tượng được xác định sớm thì các phương tiện điều trị rẻ tiền được sử dụng để dự phòng những cơn đau tim và đột quỵ. Những người sống sót sau cơn đau tim và đột quỵ có nguy cơ cao bị tái phát hoặc tử vong. Nguy cơ này có thể được làm giảm đáng kể bằng sự kết hợp của việc điều chỉnh lối sống và sử dụng các loại thuốc điều trị như thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm mỡ máu, giảm đường máu, statin, aspirin,....

Tóm lại, để hoạt động chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người nghèo khó có hiệu quả vững bền, ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu cần có những chính sách phù hợp để giáo dục cộng đồng, phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả nhiều yếu tố nguy cơ, mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe chuyên khoa phải hành động chặt chẽ với nhau, sử dụng hợp lý các phương tiện hiệu quả với chi phí chấp nhận được để điều trị bệnh và dự phòng thứ phát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. WHO. Cardiovascular diseases (CVDs). Updated March 2013.
  2. Poverty a risk factor for heart disease. Health news. Aug. 30, 2011.
  3. Robert Beaglehole, Srinath Reddy, et al. Poverty and Human Development. The Global             Implications of Cardiovascular Disease. Circulation. 2007; 116: 1871-1873 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 25 Tháng 10 2014 20:37

You are here Đào tạo Tập san Y học Nghèo khó – một yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch