• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Xử trí bệnh tim mạch ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

  • PDF.

Bs CK2 Trần Lâm - Khoa Nội TM

Bệnh nhân bị Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường mắc kèm những bệnh khác có một ảnh hưởng quan trọng đến tiên lượng của bệnh nhân. Một số bệnh xuất hiện độc lập với COPD, một số bệnh khác có thể có mối liên hệ nhân quả, hay có cùng những yếu tố nguy cơ, hoặc bệnh này làm tăng nguy cơ hay gia tăng độ nặng của bệnh kia. Vì vậy, trong chăm sóc bệnh nhân COPD phải nhận biết và điều trị các bệnh kết hợp này, đặc biệt, là nhóm bệnh tim mạch. Hơn nữa, việc chẩn đoán phân biệt giữa COPD và bệnh kết hợp có thể gặp khó khăn. Ví dụ, ở bệnh nhân bị cả COPD và suy tim, một đợt nặng lên của COPD có thể kèm theo một cơn suy tim cấp, hoặc ngược lại. Và, bản thân COPD là một trong những bệnh lý quan trọng nhất ảnh hưởng xấu đến kết cục của những bệnh khác. Chẳng hạn, bệnh nhân nhập viện do suy tim sung huyết hoặc bệnh nhân được can thiệp tim mạch sẽ có tử suất cao hơn nếu có kèm COPD [1, 2, 10].

copd11

Suy tim:

Tỷ lệ hiện mắc suy tim tâm thu hoặc suy tim tâm trương ở bệnh nhân COPD vào khoảng 20-70% , và tỷ lệ mới mắc hằng năm  3-4%. Suy tim mới mắc là một yếu tố dự đoán quan trọng và độc lập tử vong do mọi nguyên nhân.

Suy tim không nhận biết được có thể giống hoặc đi kèm đợt cấp COPD. 40% bệnh nhân COPD được thông khí cơ học do suy hô hấp tăng CO2 có bằng chứng của rối loạn chức năng thất trái.

Không có bằng chứng cho thấy suy tim mạn nên được điều trị khác đi khi có sự hiện diện của COPD. Thuốc chẹn β1 giao cảm được khuyến cáo sử dụng ở bệnh nhân suy tim do cải thiện tỷ lệ sống còn. Tuy nhiên, nhóm  thuốc này thường không được kê cho bệnh nhân COPD mặc dù bằng chứng hiện có cho thấy chẹn β1sử dụng an toàn ở COPD. Do vậy, khuyến cáo sử dụng chẹn β1chọn lọc cho bệnh nhân COPD kèm suy tim [3, 10].

Suy tim cấp nên được điều trị theo các khuyến cáo hiện hành vì không có bằng chứng ủng hộ cho một chiến lược điều trị thay thế. Thông khí không xâm nhập bổ sung vào liệu pháp kinh điển cải thiện kết cục cho cả bệnh nhân suy hô hấp tăng CO2 do một đợt cấp của COPD cũng như là suy tim với phù phổi cấp

Bệnh tim thiếu máu cục bộ (BTTMCB)

BTTMCB nên được lưu tâm ở tất cả BN COPD liên quan đến các yếu tố nguy cơ của họ. Nguy cơ tim mạch có thể được đánh giá bằng Bảng tính nguy cơ toàn bộ [4], và điều trị dựa vào các Khuyến cáo hiện hành.

 Trong đợt cấp COPD, có một sự gia tăng tổn thương cơ tim ở BN có BTTMCB kết hợp. Những BN với tăng hs-Troponin bất thường có nguy cơ tăng tử vong ngắn hạn (30 ngày) và lâu dài [5], đặc biệt khi  có nhịp tim nhanh.

  Điều trị dựa vào những Khuyến cáo hiện hành  về xử trí BTTMCB dành cho BN COPD và ngược lại [10].

Rối loạn nhịp tim (RLNT):


 RLNT gặp phổ biến ở BN COPD và ngược lại, trong đó, rung nhĩ thường gặp và liên quan trực tiếp với FEV1.

  Ở BN COPD với khó thở cấp trầm trọng, rung nhĩ có thể là yếu tố khởi kích hay là hệ quả của một đợt cấp COPD.

Sự hiện diện của rung nhĩ không làm thay đổi phương thức điều trị COPD. Các thuốc dãn  phế quản là những tác nhân tiền loạn nhịp, tuy nhiên, các bằng chứng hiện có gợi ý tính an toàn có thể chấp nhận được của các đồng vận β2 tác dụng kéo dài, các thuốc kháng cholinergic và corticosteroids dạng hít. Tuy nhiên, cần phải thận trọng khi sử dụng các đồng vận β2 tác dụng ngắn và theophylline, bởi vì chúng có  thể thúc đẩy rung nhĩ và làm cho việc kiểm soát tần số thất trở nên khó khăn [6,7, 10].

Bệnh động mạch ngoại biên (BĐMNB):

  BĐMNB do xơ vữa thường hay kết hợp với bệnh tim do xơ vữa, có thể có những ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động chức năng, tình trạng sức khỏe chung  và chất lượng cuộc sống của BN COPD. Trong một nghiên cứu lớn bao gồm những BN COPD với độ nặng khác nhau, 8,8% được chẩn đoán BĐMNB, cao hơn so với nhóm chứng không bị COPD (1,8%) [8].

 Vì vậy, người thầy thuốc cần lưu tâm đến BĐMNB ở những BN COPD có nguy cơ biến cố mạch máu, và cần đánh giá đầy đủ về sự suy giảm chức năng của họ [10].

Tăng huyết áp (THA)

 THA là một đồng bệnh xảy ra thường xuyên nhất ở BN COPD và có một ý nghĩa tiên lượng quan trọng. Rối loạn chức năng tâm trương ở BN THA có thể kết hợp với kém dung nạp gắng sức và có những triệu chứng tương tự đợt cấp COPD làm cho BN COPD nhập viện. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp tối ưu ở BN COPD với THA nền.

THA phải được điều trị theo các Khuyến cáo hiện hành. Không có chứng cứ cho thấy THA phải được điều trị khác đi khi có sự hiện diện của COPD. Vai trò của các thuốc chẹn β chọn lọc ít nổi trội trong các Khuyến cáo THA mới đây.

  Cũng thế, COPD nên được điều trị như bình thường, bởi vì không có chứng cứ trực tiếp cho thấy COPD phải được điều trị khác đi khi có THA [9, 10].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Krahnke JS, Abraham WT, Adamson PB, et al. Heart failure and respiratory hospitalizations are reduced in patients with heart failure and chronic obstructive pulmonary disease with the use of animplantable pulmonary artery pressure monitoring device. J Card Fail 2015; 21(3): 240-9.
  2. Leavitt BJ, Ross CS, Spence B, et al. Longterm survival of patients with chronic obstructive pulmonary disease undergoing coronary artery bypass surgery. Circulation 2006; 114(1 Suppl): I430-4.
  3. Lipworth B, Wedzicha J, Devereux G, Vestbo J, Dransfield MT. Beta-blockers in COPD: time for reappraisal. Eur Respir J 2016; 48(3): 880-8.
  4. National Heart Lung & Blood Institute. Risk Assessment Tool for Estimating Your 10-year Risk of Having a Heart Attack 2016. http://cvdrisk.nhlbi.nih.gov/
  5. Hoiseth AD, Neukamm A, et al. Elevated  high-sensitivity  cardiac troponin T is associated with increased mortality after acute exacerbation of chronic obstructive pulmonary disease. Thorax 2011; 66(9): 775-81.
  6. Calverley PM, Anderson JA, Celli B, et al. Cardiovascular events in patients with COPD: TORCH study results. Thorax 2010; 65(8): 719-25.
  7. Vestbo J, Anderson JA, Brook RD, et al. Fluticasone furoate and vilanterol and survival in chronic obstructive pulmonary disease with heightened cardiovascular risk (SUMMIT): a double-lind randomised controlled trial. Lancet 2016; 387(10030): 1817-26.
  8. Houben-Wilke S, Jorres RA, Bals R, et al. Peripheral Artery Disease and its Clinical Relevance in Patients with COPD in the COSYCONET Study. Am J Respir Crit Care Med 2016.
  9. Lopez-Sanchez M, Munoz-Esquerre M,  et al. High Prevalence of Left Ventricle Diastolic Dysfunction in Severe COPD Associated with A Low Exercise Capacity: A Cross-Sectional Study. PloS one 2013; 8(6): e68034.
  10. Global strategy for diagnosis, management, and prevention of COPD (2017 report).

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 28 Tháng 3 2017 13:01

You are here Đào tạo Tập san Y học Xử trí bệnh tim mạch ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)