• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hội thảo hướng dẫn triển khai kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030

  • PDF.

BS Nguyễn Thị Kiều Trinh - Khoa Phụ Sản

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm gan vi rút B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh. Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, điều quan trọng hơn là việc phòng ngừa 3 bệnh kể trên đều dựa trên các giải pháp can thiệp tương tự và được triển khai thực hiện trên cùng đối tượng là bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh tại các cơ sở cung cấp dịch vụ trong hệ thống CSSKSS/SKBMTE. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trong khu vực, dịch vụ dự phòng và kiểm soát HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống, chương trình ngành dọc, thiếu sự phối hợp, liên kết cần phải có giữa các hệ thống như: CSSKSS, Phòng chống HIV/AIDS, da liễu, truyền nhiễm... Việc cung cấp dịch vụ như vậy chính là rào cản, hạn chế bà mẹ và trẻ sơ sinh tiếp cận dịch vụ, gây lãng phí nguồn lực cũng như làm hạn chế hiệu quả của các can thiệp.

hoithao1

Được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các Tổ chức Liên hợp quốc (WHO, UNICEF và UNAIDS), Bộ Y tế xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động Quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030” để định hướng các can thiệp và tổ chức thực hiện theo các mục tiêu của Liên hợp quốc và của Việt Nam.

Tham gia Hội thảo, có lãnh đạo Vụ Sức khỏe BMTE, đại diệnTổ chức Y tế thế giới, UNICEF, các đại biểu thuộc lĩnh vực y học dự phòng, sức khỏe sinh sản và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung và Tây nguyên đến tham dự tại TP Đà nẵng ngày 19/03/2019.

Đại diện Vụ SKBMTE đã phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B, giang mai. Mục tiêu của chương trình là đảm bảo người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận các dịch vụ, can thiệp, loại trừ lây truyền tự mẹ sang con một caccsh liên tục và có chất lượng. Đây là một thách thức to lớn, đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều cơ quan, các ban ngành đoàn thể trong việc thực hiện chủ trương chính sách về dự phòng và loại trừ 03 bệnh.

Thông tin giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng y tế về nguy cơ của việc mắc 03 bệnh, các biện pháp dự phòng, lợi ích của việc khám thai sớm để phát hiện sớm/ điều trị kịp thời và tuần thủ điều trị. Lồng ghép việc tuyên truyền và tư vấn dự phòng 03 bệnh với tư vấn và tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và tư vấn trước sinh.

Đại diện UNAIDS cũng nêu lên kinh nghiệm của các nước về loại trừ lây truyền HIV và giang mai từ mẹ sang con, đặc biệt là các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia.

Các đại biểu nhận thấy việc tư vấn cho các thai phụ làm xét nghiệm sàng lọc sớm trong quý I thai kỳ đã được nêu lên trong Hướng dẫn Quốc Gia năm 2016 về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên đây là vấn đề khó khăn cho các tuyến y tế cơ sở trong quản lý thai nghén, việc cung ứng xét nghiệm không sẵn có, giá cả xét nghiệm là vấn đề cần bàn vì đây là xét nghiệm sàng lọc, BHYT không chi trả, vận động người dân xét nghiệm trên tinh thần xã hội hóa là vấn đề không đơn giản. Do đó, cần tăng cường tính chủ động của các cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch và phân bố kinh phí, tranh thủ sự tài trợ nguồn kinh phí xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai.

Việc quản lý thai nghén, kết quả xét nghiệm giữa hệ thống phòng mạch tư nhân và các hệ thống bệnh viện công lập, tư nhân cho các thai phụ cũng là vấn đề cần hướng đến. Bệnh án điện tử với việc mã hóa thông tin sẽ giúp quản lý các xét nghiệm sàng lọc và vấn đề điều trị, tuy nhiên các phần mềm hỗ trợ việc quản lý sức khỏe chưa đồng bộ trên các địa phương và trên cả nước.  

Các đại biểu cũng thảo luận về giải pháp chuyên môn, cần đảm bảo cơ sở y tế đỡ đẻ có sẵn vaccine để thực hiện tốt việc tư vấn và tiểm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, đặc biệt nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu, đảm bảo tính sãn có của ARV điều trị cho bà mẹ và trẻ nhiễm HIV ngay sau sinh. Tiêm huyết thanh kháng viêm gan cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus viêm gan B và điều trị kháng virus cho phụ nữ có tải lượng virus viêm gan B là can thiệp hiệu quả nhưng chưa được điều trị thường quy ở các cơ sở y tế, giá thành của huyết thanh còn quá cao, vượt khả năng chi trả của người bệnh. Các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan virus còn mang tính riêng lẽ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để nang cao hiệu quả phòng bệnh và điều trị kịp thời, tránh lây truyền mẹ con.

Theo thống kê các nhà nghiên cứu, tình trạng lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con chiếm 40-70%. Tình hình mắc bệnh giang mai bẩm sinh có chiều hướng gia tăng vì các phụ nữ nhiễm bệnh giang mai không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, vấn đề tiếp cận sớm các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm là vấn đề quan trọng trong giảm lây truyền mẹ con.

Các chỉ tiêu cần hướng đến trong chương trình hành động như sau:

Chỉ tiêu giai đoạn 2018-2020

  • Đảm bảo tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai (ít nhất 1 lần) ≥ 95%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong thời kỳ mang thai ≥ 65%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV ≥ 75%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai ≥ 50%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị ≥ 50%
  • Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 80%
  • Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B ít nhất 95%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong thời kỳ mang thai ≥ 50%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc giang mai được điều trị ≥ 50%

Chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025

  • Đảm bảo tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai (ít nhất 1 lần) ≥ 98%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong thời kỳ mang thai ≥ 80%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV ≥ 85%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai ≥ 70%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị ≥ 70%
  • Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 85%
  • Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B ít nhất 98%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong thời kỳ mang thai ≥ 70%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc giang mai được điều trị ≥ 70%

Chỉ tiêu giai đoạn 2026-2030

  • Duy trì tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai (ít nhất 1 lần) >95%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong thời gian mang thai ≥ 95%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV ≥ 95%
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai ≥ 95%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị ≥ 95%
  • Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 90%
  • Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B ít nhất 98%.
  • Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong thời kỳ mang thai ≥ 95%
  • Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc giang mai được điều trị ≥ 95%

Các chỉ tiêu tác động

  • Giảm còn ≤ 50 ca nhiễm mới HIV ở trẻ sơ sinh trên 100,000 trẻ sinh sống
  • Khống chế tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con < 5% ở trẻ bú mẹ hoặc < 2% ở trẻ không bú mẹ
  • Giảm còn ≤ 50 ca giang mai bẩm sinh trên 100,000 trẻ sinh sống
  • Khống chế tỷ lệ nhiễm HBsAg ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ≤ 0.1 %

Trong một ngày Hội thảo, các đại biểu các tỉnh đã làm việc theo nhóm và phác thảo xây dựng và triển khai kế hoạch hành động tại địa phương, trong đó nhấn mạnh đến các khó khăn, đề xuất các giải pháp, nêu cam kết thực hiện, đề xuất các hoạt động theo thời gian. Hy vọng trong thời gian đên, với sự phối hợp của các đơn vị trong ngành y tế, dưới sự hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới, UNICEF, Vụ SKBMTE, các đơn vị y tế liên quan đến các hoạt động sức khỏe sinh sản, chăm sóc phụ nữ mang thai, sẽ có những kế hoạch có tính khả thi, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các bà mẹ mang thai sẽ được xét nghiệm sàng lọc 03 bệnh HIV, giang mại, viêm gan B càng sớm càng tốt để phối hợp điều trị kịp thời, giảm lây truyền mẹc con và tiến đến loại trừ 03 bệnh vào những năm 2030.

(Cập nhật Hội thảo Phổ biến và hướng dẫn triển khai kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai tự mẹ sang con giai đoạn 2018-2030)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 20 Tháng 3 2019 21:27

You are here Tin tức Tin tức y học Hội thảo hướng dẫn triển khai kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030