• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Sàng lọc tim bẩm sinh bằng máy đo độ bão hòa oxygen

  • PDF.

BSCKII Nguyễn Thị Kiều Trinh - Khoa Phụ Sản

Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là các dị tật bẩm sinh phổ biến nhất. Trẻ sơ sinh mắc TBS do bất thường trong cấu trúc của tim sẽ làm cho tuần hoàn máu trong cơ thể không hoạt động bình thường.

Bệnh tim bẩm sinh là loại dị tật bẩm sinh phổ biến nhất và nguyên nhân chưa được biết rõ, có thể do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường. Trung bình trong số 1000 trẻ sinh ra sẽ có khoảng 8 trẻ mắc một trong số các dạng BTBS. Một số dạng TBS ảnh hưởng rất ít hoặc không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tuy nhiên một số TBS ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và làm tăng nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời sau khi sinh.

Việc khám trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu tiên là phương pháp phổ biến nhất hiện nay để sàng lọc các bệnh tim bẩm sinh, tuy nhiên phương pháp này chỉ cho phép phát hiện khoảng 50% trường hợp trên các trẻ sơ sinh.

sp1sp2

Ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh, độ bão hòa oxygen bình thường từ 95 – 100%. Ở trẻ có bệnh tim hoặc phổi, chỉ số này sẽ thấp hơn. Độ bão hòa oxygen thấp cũng có thể được thấy ở trẻ sơ sinh khi hệ tuần hoàn đang điều chỉnh để thích nghi với đời sống bên ngoài tử cung.

Máy POX (Pulsy Oximeter) được sử dụng để xác định trẻ sơ sinh mắc các TBS nghiêm trọng do ở những trẻ này có nồng độ oxygen trong máu động mạch giảm, do đó bằng cách đo độ bão hòa oxygen máy POX cho phép phát hiện sớm các trường hợp TBS nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh trước khi tình trạng của trẻ xấu đi.

Bộ Y tế Hoa kỳ (US Department of Health and Human Services) , Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (the American Heart Association), Viện Nhi Hoa kỳ (the American Academy of Pediatrics), Viện nghiên cứu tim mạch Hoa kỳ (the American College of Cardiology) đề xuất sử dụng việc đo độ bão hòa oxygen như là một xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng. Bằng hình thức xét nghiệm này đã làm tăng cơ hội phát hiện các trẻ sơ sinh mắc các bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng trước khi trẻ rời phòng sơ sinh để về nhà. Khi phát hiện trẻ có nồng độ oxygen thấp trong máu có khả năng trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng. Khi đó bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm như siêu âm tim và giới thiệu trẻ đến khám các bác sĩ chuyên khoa nhi tim mạch để chẩn đoán bệnh.

Để đo độ bão hòa oxygen ở trẻ sơ sinh, nhân viên y tế sẽ đặt một đầu dò trông giống như một miếng băng dính lên trên bàn tay phải và chân phải của trẻ. Trên miếng băng này có một đèn LED nhỏ phát ánh sáng màu đỏ. Đầu dò này sẽ được nối với máy đo để đọc và hiển thị kết quả lên trên màn hình. Xét nghiệm chỉ kéo dài khoảng vài phút khi trẻ nằm yên và được ủ ấm. Nếu trẻ khóc, run hoặc lạnh sẽ làm thời gian thực hiện xét nghiệm kéo dài hoặc có thể không thực hiện được.
· Đo độ bão hòa oxygen phải được thực hiện sau khi trẻ sinh ít nhất là 24 giờ. Việc sàng lọc sớm hơn sẽ làm tăng tỷ lệ dương tính sai do đây là thời gian xảy ra việc chuyển đổi từ hệ tuần hoàn của thai sang hệ tuần hoàn của trẻ để thích ứng với đời sống ngoài tử cung và ổn định hệ thống bão hòa oxygen.
· Việc sàng lọc cần được hoàn tất vào ngày thứ hai sau sinh, sàng lọc muộn hơn có thể làm mất cơ hội can thiệp cho một số bệnh lý của tim.
Đối tượng sàng lọc: Tất cả các trẻ sơ sinh có biểu hiện bình thường được sinh vào lúc ≥ 35 tuần thai, trước khi trẻ rời phòng hậu sản hoặc phòng sơ sinh để trở về nhà.
Loại trừ: Các trẻ sơ sinh được sinh lúc < 35 tuần thai hoặc đã được chẩn đoán trước sinh mắc các bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng.

Việc sàng lọc có thể giúp phát hiện 7 loại bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng được liệt kê dưới đây:

1. Hội chứng giảm sản tim trái (HLHS: Hypoplastic left heart syndrome)

2. Tật trít hẹp động mạch phổi (Pulmonary atresia)

3. Tứ chứng Fallot (TOF: Tetralogy of Fallot)

4. Tật trở về bất thường hoàn toàn của tĩnh mạch phổi (TAPVR: Total anomalous pulmonary venous return)

5. Tật chuyển vị các động mạch lớn (TGA: Transposition of the great arteries)

6. Tật hẹp van ba lá (Tricuspid atresia)

7. Tật thân động mạch chung (Truncus arteriosus)

Ngoài ra đo độ bão hòa oxygen còn cho phép phát hiện tình trạng giảm oxygen máu (hypoxia), tình trạng này có thể đi kèm cùng với các bệnh lý bẩm sinh của tim bao gồm cả trường hợp tăng áp thường xuyên động mạch phổi (persistent pulmonary hypertension).

sp3

Tại Việt Nam, đo độ bão hòa oxygen qua da cho trẻ sơ sinh đã được Bộ Y tế khuyến cáo trong chương trình sàng lọc tim bẩm sinh từ năm 2012 và đã được sử dụng rộng rãi ở tuyến trung ương và một số tỉnh thành trên cả nước và cho thấy đây là biện pháp không xâm lấn, đơn giản, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực trong chướng trình sàng loạc tim bẩm sinh.

Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức SPIR, bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã được trang bị một số máy móc và trang thiết bị trong chăm sóc trẻ sơ sinh như máy CPAP hỗ trợ trẻ thở, đèn chiếu vàng da, monitoring theo dõi sức khỏe thai nhi, các phương tiện hồi sức sơ sinh, lồng ấp an toàn khi chuyển viện, máy đo độ bão hòa oxygen qua da ở trẻ sơ sinh. Chúng tôi sẽ ứng dụng đo độ bão hòa oxygen qua da ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện thường quy từ tháng 3/2019 nhằm phát hiện sớm dị tật tim bẩm sinh, góp phần cải thiện sức khỏe trẻ sơ sinh và giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Bài viết này nhằm giới thiệu cho các bà mẹ có quan tâm đến sàng lọc tim bẩm sinh sớm cho trẻ sơ sinh không chỉ trên địa bàn thành phố Tam Kỳ mà rộng rãi khắp tỉnh Quảng Nam.

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

  • Phòng Tư vấn sức khỏe Khoa Phụ Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam
  • Địa chỉ: 01 Nguyễn Du, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
  • Số điện thoại: 0235 3821090 (trong giờ hành chính)

Tài liệu tham khảo:Tài liệu hướng dẫn sàng lọc sơ sinh các dị tật tim bẩm sinh bằng máy đo độ bão hòa oxygen-Trường Đại học Y Dược Huế-2012.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 09 Tháng 3 2019 21:13

You are here Tin tức Tin tức y học Sàng lọc tim bẩm sinh bằng máy đo độ bão hòa oxygen