Ths Bs Dương Ngọc Vinh - Khoa Mắt
Tật khúc xạ (TKX) là từ chung chỉ các tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt, trong đó chủ yếu là cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng. Theo các điều tra tại một số trường học ở các thành phố lớn, tỉ lệ cận thị là gần 30%. Tật khúc xạ xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phần lớn là trẻ em (chiếm >70%). Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, cũng như các sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Khi ta nhìn thấy đồ vật rõ nét, tức là mắt bình thường, lúc đó hình ảnh đồ vật sẽ hiện đúng trên võng mạc của mắt.
Mắt bình thường (chính thị) : Ảnh của các vật luôn rơi đúng trên VM.
Khi mắt bị TKX tức là mắt có thiếu sót ở các thành phần quang học (như giác mạc, thể thủy tinh) làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không tạo thành tiêu điểm rõ nét trên võng mạc. Lúc ấy, mắt bị TKX nhìn đồ vật sẽ bị nhòe, mờ, không rõ nét.