• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tiếp cận bệnh nhân đau ngực

  • PDF.

BS Trịnh Minh Thiện - Khoa Cấp cứu

Đau ngực là một trong những triệu chứng khá thường gặp tại cấp cứu. Đau ngực có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân rất nguy hiểm cần được phát hiện và xử lý kịp thời. Ví dụ như đau thắt ngực do nguyên nhân tim mạch đặc biệt là nhồi máu cơ tim.

Do vậy, trước một bệnh nhân đau ngực việc tìm hiểu nguyên nhân là rất quan trọng và để có thể làm tốt việc đó bác sĩ cần hỏi rõ tiền sử, bệnh sử, cũng như khám lâm sàng kỹ lưỡng.

Các nguyên nhân gây đau ngực thường gặp:

Đau thắt ngực do nguyên nhân bệnh động mạch vành (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định). Đây là một trong những nguyên nhân đau ngực hay gặp và cần có thái độ kịp thời. Bệnh thường xảy ra ở những người có tuổi (ngày nay cũng không ít những người trẻ tuổi bị bệnh động mạch vành), có nhiều yếu tố nguy cơ của tim mạch như tăng huyết áp, hút thuốc, tiểu đường, rối loạn lipid máu…

daunguc

Các nguyên nhân đau ngực do các bệnh tim mạch khác không phải do bệnh động mạch vành.

Những đau ngực do thiếu máu cơ tim không phải do bệnh động mạch vành: các nguyên nhân này cũng gây ra bệnh cảnh đau ngực trên lâm sàng gần giống với bệnh động mạch vành do cơ tim cũng bị thiếu máu vì những nguyên nhân cơ học, huyết động hoặc thiếu hụt máu, oxy…
- Hẹp van động mạch chủ.
- Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn.
- Tăng huyết áp nặng.
- Tăng áp động mạch phổi và tim phải nhiều.
- Hở van động mạch chủ.
- Thiếu máu nhiều,thiếu oxy nhiều.
- Các rối loạn nhịp tim nặng

Những đau ngực do một số bệnh tim mạch khác:
- Tách thành động mạch chủ.
- Bệnh màng ngoài tim.
- Sa van hai lá.

Bệnh lý hệ tiêu hóa
Các bệnh tiêu hóa đôi khi gây cảm giác đau ngực nhiều mà rất đễ nhầm với đau thắt ngực do bệnh động mạch vành.
- Co thắt tâm vị.
- Trào ngược dạ dày-thực quản.
- Bệnh lý thực quản khác (u, viêm, tách thành thực quản…)
- Loét dạ dày-tá tràng.
- Một số đau bùng cấp: viêm tuy cấp, bệnh gan mật…

Đau ngực do hệ thần kinh cơ
- Các bệnh lý cột sống ngực, bệnh xương sườn, xương ức.
- Viêm khớp ức sườn (hội chứng tietze).
- Đau do bệnh cơ thành ngực, căng cơ.
- Virus Herpes zoster.
- Hội chứng đau thần kinh liên sườn…

Đau ngực do bệnh phổi và trung thất
- Tắc mạch phổi là một trong những bệnh lý khá trầm trọng gây nhầm lẫn với bệnh mạch vành cấp.
- Tràn khí màng phổi
- Tràn dịch màng phổi, viêm màng phổi.
- Các bệnh lý trong phổi: viêm phế quản, viêm phổi, u phổi, áp xe phổi W…
- Bệnh lý vùng trung thất( u, tràn dịch, tràn khí…).

Nguyên nhân do tâm lý
Đây cũng là nguyên nhân khá hay gặp. Việc chẩn đoán hết sức tế nhị cần dựa trên việc loại trừ các nguyên nhân thực tổn khác.
- Rối loạn lo âu.
- Trầm cảm
- Hội chứng rối loạn thần kinh tim
- Tự kỷ ám thị…

Lâm sàng

Triệu chứng cơ năng

Việc khai thác các triệu chứng cơ năng là rất quan trọng trong đau ngực, giúp thầy thuốc định hướng được để tìm nguyên nhân:
- Đặc điểm đau ngực: đau như thắt, bóp ngẹt hoặc đè nặng (như hòn đá nặng đè hoặc như ai thò tay vào ngực bóp mạnh) ngay sau xương là đặc điểm điển hình của nguyên nhân bệnh động mạch vành. Đau rát bỏng từ bụng lên có thể nghĩ đến của bệnh trào ngược thực quản, đau rát theo nhịp thở có thể do nguyên nhân bệnh màng tim hoặc màng phổi, đau nhấm nhói như dùi đâm tại một điểm thường do nguyên nhân thần kinh, tâm lý hoặc cơ học tại chỗ.
- Vị trí và hương lan: Vị trí rất quan trọng trong định hướng đau ngực. Đau thắt ngực do bệnh động mạch vành thường ngày sau xương ức và kinh diển là lan lên cằm rồi lan lên vai trái sau đó xuống mặt trong cánh tay trái. Đôi khi lan lên hàm hoặc vai phải. Nếu đau ngực nhiều, sâu và lan về phía sau lưng cần nghĩ tới tách thành mạch chủ. Đau tại những vị trí cố định và liên tục thì cần tìm nguyên nhân do viêm nhiễm tại chỗ hoặc bệnh lý thần kinh - cơ…Những đau có liên quan đến vùng thượng vị hoặc lan đến thượng vị cần chú ý đến bệnh lý hệ tiêu hóa.
- Những yếu tố tác động đến đau ngực: gắng sức, Stress tâm lý, thay đổi tư thế, nhịp thở, tác động bên ngoài vào (ví dụ ấn tay), hoặc dùng một số thuốc (nitroglycerin)… làm thay đổi tính chất đau ngực cũng là những thông tin quan trọng giúp thầy thuốc tìm nguyên nhân. Đau thắt ngực do bệnh động mạch vành thường xảy ra khi gắng sức, đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin, đau ngực do bệnh màng tim hoặc phổi thường bị ảnh hưởng của tư thế hoặc nhịp thở , đau khi chạm hoặc ấn vào thành ngực như viêm khớp ức sườn, hội chứng thần kinh liên sườn, virus herpes. Đau do nguyên nhân tiêu hóa lại thường liên quan đến bữa ăn (sau ăn hoặc khi đói), tăng khi nằm và không đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin…
- Thời lượng đau, tần suất tái phát cơn đau cũng có ý nghĩa cho chuẩn đoán.Trong đau thắt ngực do nguyên nhân bệnh động mạch vành điển hình là những cơn đau kéo dài trong vài phút.Đau thường tái phát khi có những yếu tố ảnh hưởng như gắng sức,lo lắng…Nếu cơn đau có tính chất như vậy nhưng kéo dài hơn 30 phút và không đỡ khi nghỉ thì phải nghĩ tới bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực không ổn định. Những đau ngực chỉ trong thời gian ngắn (vài giây) hoặc kéo dài liên tục thì thường là do những nguyên nhân khác ngoài bệnh lý động mạch vành.
- Các triệu chứng khác đi kèm: các triệu chứng đi kèm đau ngực cũng rất quan trọng giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Đau thắt ngực do bệnh động mạch vành thường kèm theo khó thở, hoảng sợ, vã mộ hôi. Đau ngực do bệnh lý tiêu hóa thường kèm theo nôn hoặc buồn nôn, khó nuốt. Bệnh lý đau do nhồi máu phổi thường kèm theo khó thở dữ dội có thể ho ra máu. Bệnh nhân có sốt thì cần tìm hiểu nguyên nhân viêm nhiễm (viêm phế quản, herpes, viêm màng tim, màng phổi)…
Khai thác các yếu tố nguy cơ
Trước một trường hợp đau ngực, cần khai kỹ yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch (Bệnh động mạch vành). Bệnh nhân càng có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh DMV càng tăng khả năng nghi ngờ bệnh nhân bị đau ngực do bệnh DMV. Các yếu tố nguy cơ kinh điển là:

- Hút thuốc lá
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu.
- Có yếu tố gia đình
- Béo phì, lười vận động
- Tuổi trung niên trở ra
- Nam giới hoặc nư giới sau mãn kinh…

Thăm khám lâm sàng một bệnh nhân đau ngực

Cần phải thăm khám toàn diện một bệnh nhân đau ngực để có thể có định hướng tốt nhât cho chuẩn đoán phân biệt cũng như tiên lượng bệnh hoặc tim các biến chứng xảy ra.
- Khám hệ tim mạch: Chú ý tiếng tim, các tiếng thổi bất thường ở tim. Tiếng thổi tâm thu do hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp dưới van động mạch chủ có thể là nguyên nhân của đau thắt ngực. Tiếng cọ mảng tim giúp chẩn đoán viêm màng ngoài tim. Có thể nghe thấy tiếng tim nhanh, ngựa phi, trong suy tim đặc biệt là hậu quả của nhồi máu cơ tim cấp.
- Khám phổi: Tiếng ran trong viêm phổi hoặc phù phổi, tiếng cọ màng phổi trong viêm màng phổi, hội chứng ba giảm trong tràn dịch màng phổi, gõ trong và mất rung thanh trong tràn khí màng phổi…có thể là những nguyên nhân khá thường gặp của bệnh phổi và màng phổi gây ra đau ngực
- Khám kỹ thành ngực có thể thấy các dấu hiệu của viêm khớp ức xườn, các nốt nổi theo đường đi của thần kinh liên sườn trong bệnh zona thần kinh liên sườn.
- Khám bụng: Tìm và phân biệt các nguyên nhân ổ bụng, dạ dày gây đau làm ta nhầm với đau ngực.
- Khám mạch: Đặc biệt thấy các dấu hiệu mất mạch đột ngột các chi trong tách thành động mạch chủ…
- Khám thần kinh và các thăm khám khác toàn diện giúp ích những thông tin cho chẩn đoán. Ví dụ đau ngực kèm liệt nửa người cần nghĩ tới tách thành động mạch chủ.

Các thăm dò cận lâm sàng cơ bản
- Điện tim đồ: là một thăm dò rất cần thiết và quan trọng. Điện tâm đồ có thể giúp nhanh chóng phát hiện một số biến cố nặng của tim, như nhồi máu cơ tim cấp, Đau thắt ngực không ổn định… để có thái độ xử lý kịp thời. Điện tâm đồ cũng không loại trừ được bệnh lý động mạch vành.
- Chụp X-quang tim phổi khi có những nghi ngờ về bệnh lý phổi, màng phổi, lồng ngực…
- Các xét nghiệm máu cơ bản.
- Nếu có điều kiện có thể cho làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm men tim (CK, CK-MB, GOT, GPT… xét nghiệm khi máu động mạch.
- Mốt số thăm dò sâu hơn có thể được thực hiện ở những cơ sở y tế phù hợp như: siêu âm tim, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, chụp động mạch vành…

Tiếp cận bệnh nhân đau ngực

- Đánh giá các dấu hiệu toàn trạng, các thông số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ…) để có thái độ xử trí kịp thời. Tiến hành ngay hồi sinh tim phổi khi có dấu hiệu ngừng tuần hoàn. Trong mọi trường hợp nếu có dấu hiệu bất thường trong các dấu hiệu sinh tồn đi kèm đau ngực thì cần chú ý đến những nguyên nhân nguy hiểm.
- Nhanh chóng khai thác bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng để có hướng chẩn đoán phân biệt sớm.
- Cần hết sức chú ý những nguyên nhân nguy hiểm, cấp tính thường gặp và có thể gây chết người của đau ngực là:
+ Nhồi máu cơ tim cấp và hội chứng mạch vành cấp: cần được xác định sớm và có chiến lược điều trị ban đầu tại chỗ cũng như chuyển để điều trị tái tưới máu kịp thời tại các cơ sở y tế cao hơn.
+ Nhồi máu phổi: đau ngực đột ngột, có thể ho ra máu,tim nhanh, khó thở nhiều, điện tâm đồ có hình ảnh S1,Q3 và T3…
+ Tách thành động mạch chủ: đau ngực nhiều, sau sau lưng và không giảm khi dùng các thuốc kinh điển để chữa bệnh động mạch vành. Điện tâm đồ thường không thay đổi và chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp lồng ngực ở các cơ sở y tế lớn. Điểm quan trọng trong việc điều trị tách thành động mạch chủ khác với nhồi máu cơ tim là không được cho thuốc chống đông.
+ Tràn khí màng phổi: Bệnh nhân cũng đau ngực và khó thở dữ dội. Khám phổi mất rung thanh, rì rào phế nang giảm, gõ trong bên phổi bị tràn khí và thường ở vùng cao trước. trong điều trị lưu ý phải chọc hút khí cấp cứu nếu có dấu hiệu suy hô hấp nhiều.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 04 Tháng 5 2019 20:13

You are here Đào tạo Đào tạo nhân viên BV Tiếp cận bệnh nhân đau ngực