• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh bị bệnh hô hấp mạn tính

  • PDF.

Phòng Điều Dưỡng

Các bệnh hô hấp mạn tính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những bệnh lý thường gặp: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản,...

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tên gọi chung một nhóm bệnh ở phổi do tắc nghẽn thông khí. COPD là bệnh biểu hiện bởi sự giới hạn lưu thông khí trong các đường hô hấp, sự giới hạn này không hồi phục hoàn toàn. Phần lớn các bệnh này do hút thuốc lá, nhưng một số nhỏ do các nguyên nhân khác như hít phải độc tố hay bụi hóa học, ô nhiễm khí thở. Một số trường hợp nhiễm bệnh chưa rõ nguyên nhân, có thể do bẩm sinh.

benhphoi1

Dự phòng bệnh phổi mạn tính bao gồm các biện pháp tránh  các yếu tố gây bệnh, các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh nhằm làm giảm tỉ lệ người mắc bệnh và tần suất đợt cấp của các bệnh phổi mạn tính.

1. Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc

Hút thuốc làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị giảm hoạt động làm giảm thải chất nhầy khỏi đường hô hấp. Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.

Mặt khác giảm tỉ lệ hút thuốc sẽ làm giảm đáng kể số BN mắc bệnh phổi mạn tính trong tương lai, làm chậm lại đáng kể tốc độ xấu đi của chức năng  thông khí phổi. Bên cạnh đó không hút thuốc làm giảm tần xuất mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, căn nguyên hàng đầu gây các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

2. Tránh ô nhiễm không khí trong nhà

Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà là nguy cơ gây các đợt cấp bệnh phổi  mạn tính như hen phế quản, COPD. Việc tạo môi trường sống trong nhà sạch làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, giảm nồng độ các dị nguyên gây các đợt cấp hen phế quản.

Vật nuôi cũng có ảnh hưởng đối với sức khỏe con người, đặc biệt với các bệnh nhân hen suyễn. Vật nuôi trong nhà có thể thải dị nguyên tới bất cứ nơi nào trong nhà. Không có biện pháp hoặc hóa chất nào có thể loại trừ các dị nguyên này. Biện pháp tốt nhất là không nuôi bất cử vật nuôi nào khi trong nhà đã có người được chẩn đoán hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Con Gián là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là hen phế quản. Cần hạn chế môi trường sống của gián bằng cách bịt kín các lỗ, khe hở trên tường, nền nhà và giảm rơi vãi thức ăn,… có thể dùng hóa chất hay bẫy để diệt gián.

Phòng chống ẩm ướt: Những nơi ẩm ướt trong nhà như tường, nền nhà là những vị trí thuận lợi cho nấm phát triển. Môi trường không khí ẩm thấp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng đường hô hấp.

3. Tránh ô nhiễm không khí ngoài nhà

Ô nhiễm không khí ngoài nhà có thể là căn nguyên gây các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính,  hen,…. Trong thành phần không khí có chứa nhiều phần tử khí như ozon, oxit nitrogen... Các phần tử khí này có thể gây cơn hen phế quản. Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi các thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp , thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm trùng hô hấp.

Cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên ra ngoài lúc sáng sớm hoặc đêm khuya. Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao hoặc môi trường nhiều bụi, tránh hút thuốc, khói thuốc, khói bếp, nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

4. Tiếp xúc nghề nghiệp

Cần tiến hành các biện pháp làm giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm khói, bụi, các sản phẩm hóa chất ở nơi làm việc như bụi gỗ, thực vật, các protein hay gây kích ứng như tôm, cua sò..., các dược liệu như kháng sinh, các chất xúc tác như chất giặt tẩy, các chất tiết của thú vật, côn trùng như ong,  bướm, ruồi....Nếu có thể nên chuyển công tác sang bộ phận có nồng độ bụi, khói thấp.

5. Chế độ dinh dưỡng

Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối. Giữ vệ sinh răng miệng. Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc có thành phần sulfit thường thấy trong chất bảo quản thực phẩm đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.

6. Thuốc uống

Những bệnh nhân hen phế quản nên tránh dùng các thuốc đã từng lên cơn hen khi tiếp xúc trước đó. Những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính có rối loạn thông khí tắc nghẽn không dùng các thuốc chẹn beta giao cảm.

Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai mũi họng,... nhằm tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.

Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già >65 tuổi hoặc ở những người mắc bệnh mạn tính như  COPD, giãn phế quản, xơ phổi...Do vậy những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc. Ở những bệnh nằm lâu cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp với vỗ rung lồng ngực

7. Tiêm phòng cúm

Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm vaccin phế cầu (5 năm một lần), tiêm vaccin phòng vi khuẩn hemophylus cho tất cả những người có bệnh phổi mạn tính làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm trùng hô hấp

8. Các biện pháp phục hồi chức năng hô hấp

Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần được hướng dẫn biện pháp thở bụng, thở chúm môi

Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở. Liệu pháp này đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân giãn phế quản. Trước vỗ rung và dẫn lưu tư thế, bệnh nhân cần được khám lâm sàng tỉ mỉ, kết hợp với chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác tư thế cần thiết cho việc dẫn lưu tư thế, với nguyên tắc vùng được dẫn lưu nằm ở trên cao. Mỗi lần vỗ rung kéo dài 15-30 phút, mỗi ngày nên vỗ rung tối thiểu 3 lần.

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 05 Tháng 10 2014 19:17

You are here Tin tức Y học thường thức Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh bị bệnh hô hấp mạn tính