• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

"Rượu và Cấp Cứu"

  • PDF.

Lê Hoàng Nguyên - Khoa Cấp Cứu

Nói đến rượu những người thuộc trường phái lãng mạn thường nghĩ ngay đến cô gái đẹp, quán bar, sàn nhảy và những bữa tiệc thâu đêm; những nhà văn chương thường nghĩ đến rượu và thơ; còn những nhà xã hội học thường có vẻ bi quan hơn thì nghĩ ngay đến rượu với chửi nhau, đánh nhau thậm chí giết nhau, nghĩ đến tai nạn giao thông.... Ít ai nghĩ đến đặt vấn đề “Rượu và Cấp cứu”. Nói chung, nói đến rượu người ta thường nghĩ ngay đến chốn ăn chơi, tiêu sầu còn cấp cứu thì lại chẳng bao giờ là chốn ăn chơi. Đặt vấn đề như vậy có vẻ khập khiễng bởi  ngay về mặt xã hội thì đó cũng là vấn đề trái khóay rồi, mà về mặt từ ngữ thì vấn đề cũng có vẻ không ổn. Liên từ “và” chỉ dùng để nối những mệnh đề ngang hàng nhau như “Anh và em”, “Đêm và ngày” còn “Rượu” và “Cấp cứu” thì chẳng thể ngang hàng nhau được, chưa kể đôi khi cấp cứu còn có thể nghĩ đến như một động từ mà động từ thì chẳng thể “và” với danh từ được. Nhưng khi chúng ta đặt vấn đề như vậy thì nó gần nhau có vẻ thực tế, dễ liên tưởng và trong bài viết này thì rượu cũng có mối liên hệ mật thiết với cấp cứu.

ruoucc1

“Rượu”và “Cấp cứu”, hai vấn đề nghe qua thì chẳng ăn nhập gì nhưng đối với người làm cấp cứu thì lại rất ăn nhập. Không thua gì những người nấu rượu và bán rượu, người làm cấp cứu thường gặp và đối phó với rượu hàng ngày, hàng giờ, lúc cao điểm có thể đến hàng phút, giây. Nạn nhân trực tiếp của rượu thường gặp nhất là rượu và tai nạn giao thông, đánh chém nhau, ngộ độc rượu, trực tiếp mà lâu dài hơn một chút có thể là xơ gan rượu, ung thư gan, gián tiếp hơn có thể là tự tử vì chồng con uống rượu, stress....

ruoucc2Với nhân viên làm cấp cưú thì thường là gần một nửa bệnh nhân là do tai nạn, lúc Lễ, Tết có thể vượt qua con số đó. Trong một nửa đó thì nói không ngoa có đến một nửa có nguyên nhân do rượu như tai nạn giao thông, đánh chém nhau. Một bệnh viện tỉnh mỗi ngày tiếp đón trung bình khoảng 60 bệnh nhân thì làm một phép tính đơn giản cũng thấy ngay “Rượu” và “Cấp cứu” nó liên quan với nhau đến cỡ nào.

Đi một vòng quanh bệnh viện, ở đâu cũng dán khẩu hiệu “Đi nhẹ, nói khẻ” hoặc “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”. Khoa cấp cứu lại là tuyến đầu nên vấn đề giao tiếp lại cần phải coi trọng. Với chủ trương đó, chúng tôi có một ví von hơi có vẻ chông chênh và lãng mạn một chút là ngừơi làm cấp cứu giống như một cô gái còn người bệnh giống như người yêu của mình. Sau đây là một câu chuyện về “Rượu và Cấp cứu”, về một cô gái là nhân viên cấp cứu và người yêu lúc này là một nạn nhân của rượu .

Còn gì lãng mạn bằng một cô gái đón tiếp người yêu của minh, cô gái sẽ ăn mặc thật đẹp, trên môi luôn nở nụ cười, cô sẽ chuẩn bị những lời nói thật dịu dàng để người yêu luôn vừa lòng. Khá nhiều lần, cô gái đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của mình và người yêu của cô thật sự vừa lòng.

ruoucc3Hôm nay cũng với tâm trạng như vậy, cô chuẩn bị một nụ cười thật tươi, một đôi mắt biết nói và một bộ đồ thật tinh tươm. Tiếng xe cấp cứu hú còi inh ỏi, cô gái vội vàng kéo xe ra đón tiếp. Người yêu của cô hôm nay là một chàng thanh niên say rượu không rõ địa chỉ, danh tánh ngã chỏng queo hôn mê ngoài đường, máu me bê bết được người đi đường thương tình gọi xe cấp cứu đưa đến. Một chút thất vọng thoáng qua đôi mắt biết cười, những bài học giao tiếp không lời về ánh mắt, cử chỉ, lời nói của cô không thể áp dụng được nữa rồi, nhưng cô vẫn bình tĩnh vì dù sao cũng là người mình từng yêu, cô nhanh chóng mang găng và phụ kéo chàng người yêu mới đến vào khoa.

Bỗng... chàng uốn mình một cái và nôn thốc nôn tháo, cô chẳng kịp lấy bô cho chàng nôn, cô hơi lợm giọng, mùi rượu lẫn thức ăn lan ra khắp phòng, thức nôn tung tóe trên sàn nhà đang sạch bong. Giọng cô đã mất đi vẻ nhẹ nhàng nhưng vẫn giữ được tông độ trong vùng sáu nốt, cô gọi mọi người đến hỗ trợ lau sàn nhà để khỏi ảnh hưởng đến bệnh nhân khác còn cô vẫn tiếp tục kéo chàng vào trong cấp cứu. Mặt cô bỗng thoáng chút vui an ủi rằng mình đã may mắn tránh được để không tắm chất nôn của chàng, bộ đồ nàng vẫn trắng tinh, chỉ đôi chút lấm chấm không đáng kể. Cô dặn lòng dù sao cũng là người mình yêu, khuôn mặt chàng đang lem luốc máu me, không thể để như thế được nên cô nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ băng vết thương cho chàng. Chàng vẫn lảm nhảm những ngôn từ của cuộc vui chưa dứt như “ cho một ly nữa đi”, “một trăm phần trăm anh em ơi!” ... cô cố gắng nhẹ tay để không làm đứt giấc mơ của chàng. Bỗng... phụt ! một bãi nước bọt lẫn máu văng tung tóe ngay chính giữa mặt nàng, nàng nhíu mày, bặm môi rồi lại tự trấn tĩnh mình rằng chàng không cố ý, rằng chàng đang trong giấc mơ. Nhanh tay nàng vội lấy miếng bông sạch lau đi vết nước bọt và cố gắng băng hết vết thương cho chàng rồi nàng đi rửa tay, rửa mặt. Mắt nàng vẫn không quên “theo dõi” chàng người yêu, rồi một phút nàng lơ đễnh, nhìn lại thì chàng đã đưa tay tung hê tất cả bông băng mà nàng vừa mới làm đẹp cho chàng xuống đất, miếng băng đã làm chàng khó chịu mà chàng vốn coi thể xác này nhẹ tựa lông hồng, rồi máu chàng lại chảy. Nàng đã mất kiên nhẫn nhưng lại tự trấn tĩnh mình dù sao cũng không thể để chàng như thế được, chàng vẫn là người yêu của minh. Lần này để chàng khỏi tung hê công sức của mình, và để chàng khỏi ngã lăn quay xuống đất, nàng áp dụng một biện pháp hơi thô bạo một chút là gọi đồng nghiệp hỗ trợ cố định chân tay chàng. Trong giấc mơ chàng vẫn vùng vẫy chống chọi sự bất nhã ấy và chàng lớn giọng nguyền rủa kể nào đã dám cột chân tay chàng, kẻ nào đã làm tổn hại đến nhân cách chàng, mơ hồ chàng vẫn biết là chân tay chàng bị trói chặt mà chẳng hề biết lý do, ý thức về danh dự khiến chàng nguyền rủa kịch liệt kẻ nào dám chống lại chàng. Ban đầu chỉ có những lời chống đối, rồi lên cao trào là những lời chợ búa và cuối cùng là những lời xó xỉnh nhất mà trên đường đời đi qua chàng đã nhặt được. Nàng hơi căng thẳng nhưng vẫn cố gắng băng lại cho chàng và tự nhủ rằng chàng đang mơ mà trong giấc mơ thì điều gì cũng có thể xảy ra. Vượt qua những khó khăn ban đầu nàng đã lấy lại chút bình tĩnh, giữ vẻ mặt không buồn, không giận nhưng nếu ai gặp nàng lúc này chắc khó đoán được nàng bao nhiêu tuổi!...

ruoucc4

Để loại trừ tất cả những nghiêm trọng có thể xảy ra cho chàng, vì chàng đang ở trạng thái nửa mê, nửa say nên bác sỹ cho đưa chàng đi chụp cắt lớp sọ não, siêu âm. Vì chàng hiện giờ đang tứ cố vô thân chỉ có nàng là người yêu bên cạnh nên nàng cố gắng đẩy chàng đi trong khi chàng vẫn luôn miệng nguyền rủa người yêu dấu đang đi bên cạnh chàng. Ở phòng chụp cắt lớp một vấn đề lại xảy ra cho nàng là muốn chụp được rõ ràng thì phải giữ cái đầu cố định mà vì chân tay chàng đang bị cố định nên chàng đã vận dụng hết công lực vào cái đầu hò hét, nghiêng ngữa và chơi trò phun nước bọt. Tình thế chẳng thể hoàn thành công việc nàng đành cầu cứu một liều thuốc an thần tạm thời để hoàn thành trách nhiệm với chàng. Thế là chàng tắt tiếng ca nhưng rồi nàng lại nhìn chàng lo lắng: “Nhộ nhỡ chàng mê sâu rồi ngưng thở luôn thì sao?”. Thế là nàng lại đăm đắm nhìn vào ngực chàng xem có phập phồng không, nhìn vào môi chàng xem có hồng không, chốc chốc nàng lại nắm tay chàng chỗ cổ tay để nghe tiềng vọng từ trái tim chàng lên từng nhịp mạch. Kết quả CT bình thường, nàng thở phào nhẹ nhõm và đưa chàng về lại cấp cứu. Đến đây nàng vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm với chàng vì những vết thương trên mặt chàng vẫn chưa được giải quyết. Những vết thương này chưa đủ lớn để đưa lên đại phẩu vì sợ vướng vấn đề tài chính xảy ra cho chàng sau này, nàng phải giải quyết cấp cứu thôi. Nàng đi chuẩn bị dụng cụ khâu vết thương. Bây giờ để khỏi phải dính bẫy trò chơi phun nước bọt quái dị của chàng, nàng chọn giải pháp đứng trước đầu chàng, mặt mày trùm kín mít. Nàng đang gây tê cho chàng, mũi kim vừa đưa qua da thì cơn vùng vẫy của chàng như được đánh thức, mũi kim uốn cong, chút xíu nữa thì đâm phải tay nàng. Chàng lại hò hét, nguyền rủa kẻ nào đã làm gì trên mặt chàng, rằng nếu mở được chân tay, chàng sẽ giết ngay đứa nào dám làm điều hỗn láo đó. Nàng như chẳng để ý gì đến những lời xách mé đó, nàng vẫn tiếp tục công việc của mình. Lúc này vì can thiệp trực tiếp lên da thịt chàng nên những liều thuốc an thần như lúc nãy không hề có tác dụng, nàng đành cầu cứu đồng nghiệp. Lúc này bạn sẽ thấy một người đứng ôm giữ đầu chàng cho nàng gây tê và khâu vết thương cho chàng. Công việc của nàng với chàng bây giờ đã tạm xong để có thể chuyển chàng đến khoa khác.

Nàng vươn vai một cái và nở một nụ cười méo xệch. Lúc này nếu ai đã từng trông thấy nàng lúc đầu giờ gặp lại hẳn sẽ cho là nàng là kẻ đã đánh mất tuổi xuân trong chốc lát, hoặc nếu như có một người đầy lòng trắc ẩn và cực kỳ nhạy cảm bắt gặp lúc nàng đang cột tay chàng sẽ cho là nàng là kẻ đã bị đánh cắp trái tim, hay bắt gặp nàng lúc băng vết thương cho chàng trong tư thế né đòn phun nước bọt của chàng sẽ cho là nàng là kẻ đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Và nếu như lúc này có một Nguyễn Bính đi lạc nàng sẽ bị dính đòn hai câu thơ:

Nào đâu ánh mắt biết cười,
Nào đâu cái giọng mía lùi hôm qua...

Trên đây là tất cả qui trình tiếp đón một bệnh nhân say rượu với những tổn thương thông thường mà ai đã  từng làm cấp cứu đều đã từng gặp phải, với tất cả là sự thật. Dĩ nhiên không phải tất cả những người say rượu đều như vậy, có bao nhiêu kiểu người thì có bấy nhiêu kiểu say khác nhau nhưng tôi chưa hề thấy người say nào vào cấp cứu mà làm thơ cả! Tôi chỉ mượn hình ảnh chàng và nàng để câu chuyện kể có vẻ thi vị hơn thôi. Bây giờ chúng ta thử nghĩ với những tổn thương thông thường đó đối với một bênh nhân hoàn toàn tỉnh táo thì công việc của người làm cấp cứu sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhưng thông thường những nạn nhân như vậy hoặc sẽ đến cấp cứu một mình hoặc sẽ có một nhóm bạn bè cũng say rượu. Lúc này người làm cấp cứu sẽ có thêm việc với bạn bè của nạn nhân. Bởi vì đối với họ thì người thân của họ luôn phải là trung  tâm của phòng cấp cứu, chẳng kể gì đến bệnh nhân khác sắp chết đang cần phải cấp cứu, hoặc là bệnh nhân vỡ tạng đặc đang cần chuyền máu kịp thời. Lúc này nhân viên cấp cứu hoặc là phải giải quyết ngay cho người thân họ hoặc là phải nghe họ gay gắt, hoặc đe dọa đến chuyện đập phá đồ đạc...

Tình hình lúc này sẽ căng thẳng đến từng ...milimét...

Như vây có ai nghĩ đến việc cấm rượu không? Chẳng ai dám dại dột làm điều đó bởi vì bạn sẽ động chạm đến một nửa thế giới loài người là đàn ông. Lúc đó bạn hoặc là sẽ trốn chui trốn nhủi, hoặc là phải bước vào thế giới ảo để tránh sự công kích. Nếu bạn đã từng nghe câu hát này thì sẽ hiểu:

“Ai trên đời mà chẳng nhậu, mà đã nhậu thì phải say......”

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng: Rượu có sứ mạng của rượu, Cấp cứu có sứ mạng của cấp cứu. Rượu đã từng làm biết bao nhiêu người vui vẻ, Cấp cứu đã từng làm vui vẻ biết bao nhiêu người nhưng “Rượu” và “Cấp Cứu” chẳng bao giờ có thể có được một cái bắt tay ôm hôn thắm thiết! Và thế là những người cấp cứu vẫn âm thầm làm việc với  những hậu quả của rượu và câu chuyện “Rượu” và “Cấp cứu” vẫn là câu chuyện dài không có hồi kết.

“Đọc và suy ngẫm”


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 27 Tháng 5 2014 19:30

You are here Tin tức Y học thường thức "Rượu và Cấp Cứu"