• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Mạch học cổ xưa

  • PDF.

TS Phan Đồng Bảo Linh - Nội Tim Mạch

“Tôi sờ tim anh ấy, nhưng nó không còn đập nữa” Gilgamesh một vị vua và nhân vật chính trong sử thi vùng Lưỡng Hà thốt lên lời than vãn trên từ 2600 năm trước CN khi đứng trước cái chết của người bạn thân. Câu nói này là bằng chứng bút tích sớm nhất chỉ ra từ 2600 năm trước công nguyên (CN) con người đã hiểu quả tim là cơ quan gánh vác cuộc sống của cơ thể, sự cử động của nó có thể sờ mó nắm bắt được [8].

Một bức tranh có niên đại 15 ngàn năm trước CN trên vách hang động thời tiền sử vẽ một vùng tối hình chiếc lá trên hình con voi Manmut. Nếu quả là hình trái tim thì đây sẽ là bức tranh minh họa giải phẫu đầu tiên của loài người [5].

machcoxua1

Voi Manmut trên thành hang động tiền sử [5]

 1.1. Cội nguồn y học

Thực hành y khoa không tách rời giữa tín ngưỡng và ma thuật trong văn hóa tiền sử. Nhân vật chính - người chữa bệnh - được biết như là pháp sư, phù thủy hay thầy mo. Sau khi nắm bệnh sử bệnh nhân, pháp sư sẽ tham khảo thượng đế, ma quỉ hay thần linh tìm hiểu bản chất của vấn đề trước khi quyết định tiến trình hành động, thăm khám y khoa hoàn toàn không tồn tại. Văn bản y khoa cổ xưa nhất hiện còn là bản chữ hình nêm (Ba tư củ) tìm thấy ở vùng Lưỡng Hà 2200 trước CN. Được biết có hai loại người thực hành y khoa ở Lưỡng Hà là ashipu – chuyên gia về tâm thần, phép thuật và asu xem như là bác sĩ. Hai loại này không đối chọi nhau. Asu có thể gởi bệnh đến Asiphu và ngược lại. Thăm khám lâm sàng được chú ý: nhiệt độ được ghi nhận, rối loạn mạch cũng được nhận diện. Dẫu rằng các nhà thực hành Babilon xem máu động mạch như “máu ban ngày” máu tĩnh mạch như “máu ban đêm”. Không có chỉ dấu nào trong các y văn còn sót lại cho thấy họ phân biệt động mạch và tĩnh mạch. Các bài viết y khoa còn lại thể hiện sự hiểu biết kém và hạn hẹp. Y văn Babilon là không đề cập đến giải phẫu tim mạch và sinh lý [1], [5], [7].

1.2. Di sản mạch Ai cập cổ

“Để biết hoạt động của tim và tim… Từ tim đến mạch máu mà bũa đi khắp cơ thể… Nếu như bác sĩ để tay hay ngón tay trên đầu, sau đầu, trên tay trên mặt dạ dày, trên cánh tay, trên bàn chân….rồi thăm khám tim. Bởi vì các chân sở hữu các mạch của nó. Tim thông báo qua các mạch của mỗi chân. Nếu như tim nhiễm bệnh có năng lực kém, giảm suốt bệnh tức thì sẽ trổi lên..”  Sách The Ebers, 1534 trước CN. Đoạn văn trên chứng minh rằng người Ai cập tin tim thực hiện chức năng bằng các mạch dẫn đi khắp cơ thể, hoạt động của tim có thể nhận thấy ở khắp cơ thể. Người ta cho rằng mạch là dấu hiệu chẩn đoán quan trọng, liên quan đến khả năng hoạt động của tim. Thêm vào đó người ta dùng mạch để tiên đoán tiến trình của bệnh. Người Ai cập cổ đại để lại rất nhiều các công cụ nhưng các bài viết chữ tượng hình khó đọc của họ là gần như không đoán được cho mãi đến 1799 khi phiến đá Rosetta được phát hiện trong cuộc chinh phục Ai cập của Napoleon. Bia đá Ba-Zan này đã cung cấp các ký tự cần thiết để Jean - Francois Champollion giải mã được chữ viết và mở ra thời kỳ hiểu biết sâu hơn về Ai cập cổ đại. Người Ai cập cổ cho rằng quan hệ nhịp đập của tim với mạch là không thể chối cải. Phần chính của kiến thức giải phẫu sinh lý tim mạch nằm trong 3 cuốn sách giấy cói Edwin Smith (1550 trước CN); Ebers (1534 trước CN ); Brugsch (1300 trước CN). Chúng là các bài viết y khoa Ai cập cổ xưa nhất nhưng cũng sau các bản văn y khoa Lưỡng Hà. Tuy nhiên người ta tin rằng chúng là các bản sao lại của nhiều sách y khoa cổ hơn và đã thất truyền, từ các cuốn sách bí thuật thiên liêng về thần Mặt Trăng…có từ trên 3000 năm trước CN [1], [2], [5], [7].

machcoxua2

Bình nước đếm giờ của người Ai cập cổ [1]

“Việc thăm khám như là một việc tính toán số lượng nhất định bằng cái đấu hay đếm một số thứ bằng các ngón tay... Dường như việc đánh giá ốm đau của một người là biết khả năng hoạt động của tim. Có nhiều mạch từ tim đến mọi phần cơ thể. Nếu như các thầy tế hay các bác sĩ đặt bàn tay hay ngón tay lên đầu, lên bàn tay….lên bàn chân họ sẽ đo lường hoạt động của tim”. Sách “The Edwin Smith”, 1550 trước CN [2]. Theo Breasted người dịch sách “The Edwin Smith” cho rằng “counting with the fingers” và “measuring the heart” nghĩa là đếm mạch. Vì thế người Ai cập cổ cũng đếm mạch trong khi bắt mạch thăm khám. Sách “The Smith” chứa đựng bức tranh minh họa về bài viết chữ tượng hình khó đọc miêu tả việc đếm mạch. Trong thực tế đếm mạch được hỗ trợ bằng một chậu đất nung hoạt động như đồng hồ. Cái chậu này có một cái lỗ nhỏ ở dưới đáy cho phép nước nhỏ từng giọt. Tần số mạch được xác định bằng tương quan với số giọt nước mà chảy ra khỏi chậu. Dấu vạch bên thành chậu chia ngày thành 24 đơn vị, mỗi đơn vị tương ứng một giờ. Các giả thiết y khoa của Ai cập cổ được chú ý cao và nó được ghi lại trong sách Smith. Trong một phần gọi là Thầm kín của thầy thuốc ghi kiến thức về tim và sự chu chuyển của tim. Thực tế y học Ai cập cổ còn nhuộm màu ma thuật và tôn giáo, các học thuyết dù rằng rất không đúng, cũng khá phức tạp đáng ngạc nhiên so với lúc bấy giờ. Chúng thể hiện sự nổ lực về lý trí ban đầu để giải thích vì sao bệnh tật xảy ra. Vì vậy người Ai cập xem mạch máu là tuyệt đối quan trọng đối với chức năng bình thường của cơ thể, từ đó chúng là các công cụ chính yếu vận chuyển máu, không khí và nước đến nuôi dưỡng các cơ quan khác. Sự mất cân bằng giữa nước, máu, không khí trong mạch sẽ sinh bệnh. Tuy nhiên họ hoàn toàn không hề phân biệt được đâu là động mạch, tĩnh mạch, thần kinh hay gân. Họ xem tất cả đều là mạch (Metu) hết thảy. Dẫu rằng các giả thiết bệnh tật quan sát bằng kinh nghiệm của người Ai cập không được chứng minh bằng thực nghiệm, nhưng những nổ lực của họ với sự tương quan hoạt động giữa thức ăn không khí và máu để giải thích bệnh được xem là sự khởi đầu của sinh lý học [7], [10] [11].

Nhiều bằng chứng chắc chắn rằng người Ai cập hiểu rõ mạch ngoại biên phản ánh sự đập của tim. Có thể bắt mạch ở nhiều vị trí nhưng họ không biết tuần hoàn của máu, cũng như không phân biệt được mạch máu, thần kinh và gân. Đối với người Ai cập, tim đồng nghĩa với tinh thần. Vì vậy tim là căn cứ của sự sống và lương tâm bao gồm cả ý nghĩ tốt lẫn xấu. Tín ngưỡng và ma thuật đã thâm nhập vào thực hành y khoa của Ai cập cổ. Tuy nhiên có nhiều bằng chứng y học của người Ai cập cổ đã phát triển và kỹ năng miêu tả của việc kiểm tra, thăm khám và phẫu thuật sơ khai tạo các cơ sở tiếp cận có lý trí khoa học đối với thực hành y khoa [1], [5].

1.3. Học thuyết mạch Trung Hoa

Mạch là kho vựa của máu. Khi mạch đập dài, các nhát đập kéo dài rõ ràng, thể hiện tình trạng mạch đang điều hòa tốt; Khi mạch đập ngắn và không đủ lực, thể hiện mạch mất ổn định; Khi mạch nhanh, 6 nhịp trong một chu kỳ hô hấp, thể hiện tim hồi hộp; Khi mạch đại bệnh khả năng tử vong cao” Nội kinh, 479-300 trước CN [12].

Hiểu biết Phương tây về y khoa Trung Hoa cổ là lấy ra từ cuốn “Hoàng Đế nội kinh” được biên soạn khoảng 479-300 năm trước CN. Nó lấy từ cuộc đối thoại của Hoàng Đế người được cho là sống 2629 - 2598 trước CN với Bác sĩ của ông ta là Ch’i Pai (Khải Bạch). Nó được xem là tác phẩm quan trọng vì được trình bày với đường lối lôi cuốn và minh bạch, một học thuyết về sức khỏe cũng như bệnh tật của con người, một học thuyết y học [7], [12].

machcoxua3

Bắt mạch khám bệnh trong Trung y [5]

Nghiên cứu mạch là rất quan trọng trong Trung y, là công cụ chính để chẩn đoán và tiên lượng bệnh. “Người ta mong muốn hiểu về nội thể bằng bắt mạch…”. Cơ thể của người được ví như nhạc cụ bằng dây, với các mạch khác nhau tương ứng với các dây và các âm sắc. Người quan sát kỹ năng xác định được sự hài hòa hay sự bất hòa hợp. Người nên bắt mạch hoặc trong lúc động hoặc lúc tĩnh và cũng nên thăm khám thật chăm chú và tinh tế. Cũng nên xem xét 5 màu và 5 tạng. Người ta điều tra xem sự biểu hiện của cơ thể là cường tráng hay suy nhược. Cũng nên dùng cả 5 loại thăm khám này và kết hợp các kết quả lại rồi từ đó có thể quyết định phân ra sống hay chết [7], [12].

Nội Kinh phân 6 bộ mạch trên cổ tay. Mỗi bộ tương ứng với một cơ quan và phản ánh sức khỏe của cơ quan đó. Quá trình thăm khám mạch là phức tạp và phải mất nhiều giờ. Thầy thuốc hiểu rõ độ dài mạch theo hơi thở của anh ta và cũng chú ý lớn nhỏ, mạnh yếu, điều hòa hay gián đoạn. Mạch có thể nông sâu, chậm nhanh. Mạch nông là “Mạch phù” có thể nhìn thấy được, mạch trầm cảm thấy như những hòn đá dưới đáy sông. Từ đó mạch được xem là tương ứng với tuổi, giới, thể trạng bệnh nhân và mùa trong năm. Thầy thuốc nhớ trong đầu 200 mạch khác nhau. Dựa trên toàn bộ đó hoàn toàn mang ý nghĩa cá nhân mà công việc chẩn đoán, quá trình điều trị, tiên lượng đều phải phụ thuộc vào mạch. Nội Kinh cũng ghi chú ăn nhiều muối làm cứng mạch, có thể đây là sự thừa nhận đầu tiên về biến đổi huyết áp liên quan đến sức căng của mạch và có thể là bằng chứng sớm nhất cho thu dung muối liên quan với tăng huyết áp [9].

Lý thuyết Âm Dương giải thích phong cách bắt mạch riêng của Trung Hoa: phái nữ mạch bên phải được thăm khám đầu tiên, nam mạch bên trái được thăm khám trước. Mạch bên trái ấn định bệnh của người nam (dương), bên phải chỉ định bệnh của nữ (âm). Tuy nhiên cả hai mạch cũng cần được thăm khám. Vì cả hai Âm Dương đều hiện diện ở hai giới. Sự đa dạng về số lượng mà mỗi mạch được miêu tả rất thơ: trơn tru như dòng chảy... chết như cục đá... như giọt nước nhỏ từ trên mái xuống...Căng như dây đàn...Như chiếc thuyền mộc nổi trên nước...như con cá lách mình trong nước. Các đặc tính mạch được miêu tả ví như những âm thanh và hoạt động tương tự: mạch tim khỏe mạnh phải như tiếng búa thổ liên hồi. Ở một đoạn khác trong bài ghi mạch nhỏ li ti chậm và ngắn chỉ định tim kích thích và bệnh...mạch ở người bệnh nặng thì khẩn và hổn hển [7], [12].

Người Trung Hoa đã viết rất nhiều sách về kỹ thuật bắt mạch và giải thích rõ ràng về nó. Maijing là tác phẩm kinh điển về chẩn đoán mạch, là một chuyên luận 10 tập đồ sộ, tập hợp hết các kiến thức về mạch học từ Hoàng Đế Nội Kinh và giải thích chi tiết phương pháp thăm khám mạch đúng đắn. Chuyên luận mạch học này vẫn còn là tài liệu tham khảo chính qua nhiều thế kỷ và hiện còn đang áp dụng trong y học truyền thống Trung Hoa. Có bản tin trong Nội Kinh đề cập đến sự chuyển động của máu: Tất cả máu chịu sự điều khiển của tim. Dòng máu hiện chảy liên tục trong vòng tuần hoàn và không bao giờ dừng. Điều này đã được suy nghĩ cho rằng người Trung Hoa đã hiểu sự tuần hoàn của máu hàng ngàn năm trước cả thời Ibn-Al Nafis của thế giới Ả rập và Harvey của Phương Tây. Tuy nhiên có ít bằng chứng cho rằng Thầy thuốc Trung Hoa nắm được máu như là hệ thống kín. Các Bác sĩ Trung hoa hiểu rất rõ tầm quan trọng của mạch và mối liên quan của sự thay đổi mạch với bệnh tật, tuy nhiên họ không có sự tiến bộ khi bắt mạch bằng tay. Tuy nhiên văn hóa Trung Hoa đã lan rộng đến các quốc gia láng giềng và Âu châu từ thuở ban đầu của lịch sử. Thông qua Con Đường Tơ Lụa người Trung Hoa không chỉ xuất khẩu tơ lụa mà còn các học thuyết y học của họ đến thế giới Ả rập và Âu châu [5], [7].

1.4. Học thuyết mạch Hy lạp

“Mạch là tâm thu và tâm trương của tim và động mạch...” sách Rufus of  Ephesus 200 sau CN chú thích rằng mạch, nhịp đập của tim và thì tâm thu là đồng bộ nhau. Một cuộc quan sát với mức độ liên hệ xa và rộng. Nó ghi lại tất cả kiến thức về mạch theo thời gian, trình bày cơ chế mạch, xem xét một số mạch kinh điển bao gồm ngoại tâm thu nhịp đôi và không đều [9].

Nhưng khi đề cập đến y học Hy Lạp chúng ta thường nghĩ ngay đến Hippocrates vì y học Hippocrates xem ngang bằng với y học Hy lạp và Tây y theo đường lối thực hành y khoa của Hippocrates. Dù thật ngạc nhiên rằng Hippocrates ít quan tâm đến mạch, dẫu rằng các người theo trường phái Hippocrates xem việc thăm khám và điều tra thể chất đạt đến mức nghệ thuật rất cao. Trong sách của ông ta “De Motu Cordis” Hippocrates viết động mạch là không chứa máu khi chết chúng cũng trống không [9].

Khoảng 500 năm trước CN, khuynh hướng điều tra bao hàm cả mổ xẻ như một công cụ để hiểu biết cơ thể người. Sự kết hợp quan sát trực tiếp và kiểm tra thực nghiệm này thật sự đã được tiến hành rộng rãi thời Hippocrates. Praxagoras (400 trước CN) người cùng thời với Hippocrates là người đầu tiên dạy về nghệ thuật bắt mạch (sphymopalpation - thiết chẩn), với từ Hy Lạp “phymos” nghĩa là mạch và từ Latin “palpare” nghĩa là cảm giác sờ mó. Ông ta là bác sĩ tây y đầu tiên viết về vấn đề này. Học trò của ông ta Herophilus lưu tâm đến đếm nhịp mạch dựa vào một dụng cụ xem như là đồng hồ nước [6], [9].

machcoxua4

Erasistratus bắt mạch Antiotus [6]

Thời Alaxandrian, Erasistratus (310- 250 trước CN), đã thăm khám mạch trong chẩn đoán bệnh. Ông phụng sự như một ngự y cho một người trong những người cầm đầu vĩ đại triều Alexander, vua Selucus I, người đã lập lên triều đại Selucus. Lịch sử ghi lại rằng vua vượt qua hoàn cảnh bó buột cưới công chúa trẻ đẹp Stratomice. Con trai ông ta, Antiotus ngã bệnh sau đám cưới của ông. Erasistratus được mời đến và sau khi phát hiện mạch của Hoàng Tử trẻ trở nên rộn rã khi công chúa Stratomice bước vào phòng. Ông chẩn đoạn bệnh ái tình. Bác sĩ thông thái này đã thuyết phục nhà vua để vợ để hoàng tử có thể cưới được ý trung nhân của mình. Mạch bị ảnh hưởng bởi xúc động, điều này được miêu tả rõ trong Trung Y từ sớm ở “Hoàng đế nội kinh”. Ở tuổi trung niên mạch ái tình đã trở nên thực thể lâm sàng được chứng minh rõ và nhiều giai thoại bệnh ái tình được chứng minh bằng thăm mạch và là một phần của toàn bộ mạch học xuyên qua nhiều thế kỷ [4], [6], [7].

Erasistratus bố trí nhiều thí nghiệm lớn, tạo ra các quan sát đúng đắn đáng chú ý. Ông ta được xem như cha đẻ của sinh lý học. Ông nhận thấy mô cơ thể như một mạng lưới bao gồm tĩnh mạch, động mạch và thần kinh và đưa ra khái niệm nhu mô là phần vật chất đổ đầy khoảng giữa mạng lưới mạch. Ông quan sát thấy tim bóp thì động mạch dãn ra. Sự ngược lại sẽ xảy ra trong kỳ tim giãn ra. Động mạch và tĩnh mạch được xem là hệ thống riêng rẽ với động mạch xuất phát từ tim và tĩnh mạch xuất phát từ gan. Tuy nhiên ông tin tưởng rằng động mạch được lấp đầy bởi tinh thần, khí - một khái niệm được xem là một phần của người Ai cập (người Ai cập tin rằng mạch được làm đầy không khí, sinh lực, hỗn hợp máu và nước). Để giải thích cho hiện tượng máu chảy tuôn ra từ vết rách động mạch, ông ta lý giải hợp lý rằng máu tĩnh mạch được ép qua những con đường của nó từ động mạch thông qua hệ nối kết li ti [4], [6], [7].

1.5. Quan niệm của Galen về mạch

“Mạch đập...mà nhận thấy từ động mạch tác động vào ngón tay. Khoảng dừng là thời gian nghĩ giữa hai lần đập. Một số mạch có tên... mạch giun đập yếu và nhanh; mạch dạng con kiến, mạch đã lặng sâu hơn mức yếu thông thường và nhỏ, dẫu rằng nó xuất hiện nhanh thật sự là không như vậy” Galen (130-210) đã nói [3].

Chưa một nhân vật nào trong lịch sử y khoa có ảnh hưởng đến các khái niệm về giải phẫu, sinh lý, điều trị và triết học như Galen, một người thầy thông thái của các nhà giải phẫu và sinh lý học thời Phục Hưng.

Galen có lẽ là người lão luyện vĩ đại nhất về mạch của mọi thời đại, đã viết rất nhiều về lĩnh vực này hơn bất cứ người nào trước và sau này. Ông viết một số chuyên luận về đề tài này và ít nhất là 18 của chúng còn lại tới ngày nay. Bằng việc thắt động mạch ở hai điểm sau đó cắt ra ông đã chứng minh động mạch chứa đầy máu. Như thế ông khẳng định rằng động mạch chứa máu chứ không chỉ chứa không khí.

Ông đã nghĩ rằng mạch có nguồn gốc từ sự tống ra của cung lượng tim trong hoạt động bơm máu của tim, mà trong vòng xoay làm máu và khí trong các khoang tim ấm lên. Lý thuyết phổ biến ở thời đại ông và nhiều thế kỷ trước là không khí qua phổi vào tim, nơi nó biến thành linh hồn của sự sống, được mang bởi máu từ thất trái qua động mạch đến mọi phần của cơ thể. Lý thuyết này là một cải tiến của lý thuyết y khoa Ai cập cổ đại. Ai cập cổ cho rằng khí vào trực tiếp tim từ khí quản, thời Hy lạp cho rằng máu vào phổi đầu tiên trước khi vào tim.

Không giống như Ai cập cổ, người Hy lạp đã phân biệt động mạch và tĩnh mạch. Tuy nhiên họ nghĩ tĩnh mạch xuất phát từ gan và động mạch xuất phát từ tim. Máu từ thất phải qua thất trái bởi các lổ ở vách liên thất, một khái niệm mà sau này bị bác bỏ bởi một Bác sĩ Hồi giáo- Ibn Al - Nafis (1207-1288).

Nhưng học thuyết của Galen đã tồn tại và hầu như không thay đổi trong nhiều thế kỷ kế tiếp và trong suốt thời Trung cổ [7].

1.6. Mạch trong Y khoa Hồi giáo

“Mỗi nhát đập của mạch bao gồm hai phần chuyển động hai phần nghĩ: dãn ra, nghĩ, co lại, nghĩ ” Avicena (980 – 1037) đã nói. Chủ thể của các bác sĩ Hồi giáo, Avicena là học giả đầu tiên tạo ra hệ thống triết học hoàn chỉnh trong khối ngôn ngữ Ả rập. Chuyên luận y khoa vĩ đại của ông- The Canon- được xem như giáo khoa tiêu chuẩn cho y học ở thế giới Ả rập và Âu châu đến mãi thế kỷ 17 [4].

Thời Trung Cổ thầy thuốc Ả rập tự xem mình là những người cầm đuốc kiến thức y học. Giai đoạn vàng son của Hồi giáo tương ứng với thời kỳ tăm tối của Âu châu, khi mà kiến thức xưa cổ kinh điển đã bị mất. Nguồn sách tham khảo cho nghiên cứu y học Hồi giáo của cả vùng đất trải dài từ Tây ban nha đến Ấn độ đến Trung hoa và trải qua gần một ngàn năm qua. Vì vậy Hồi giáo đồng nghĩa với kho báu kiến thức của thế giới cổ xưa- Trung Hoa, Ấn Độ và Hy lạp đều nằm trong văn hóa Hồi Giáo. Một khía cạnh đáng chú ý của quá trình này là sự lọc ra từ sự thực hành ma thuật.

Hầu như các kiến thức và hiểu biết của thế giới Cổ đại đều được dịch lại, bảo quản bởi người Ả rập và sau này dịch sang tiếng Latin bởi các học giả Cơ đốc giáo. Dẫu rằng nhiều sử gia Tây phương xem người Ả rập chỉ đơn thuần là truyền các thành tựu của Hy Lạp, nó không thể ngăn được các nhà triết học, khoa học và bác sĩ Hồi giáo thêm sự quan sát và trải nghiệm vào kiến thức mà họ thu lượm được từ nhiều nền văn minh cổ xưa. Họ đã tạo ra nhiều đóng góp ban đầu cho toán học, thiên văn học, lý học, thuật giả kim, quang học, dược và y khoa.

Avicenna là kết tinh của men khoa học, văn hóa và giàu trí tuệ mà điểm xuyên qua thế giới Hồi giáo. Ông viết: “mạch là sự chuyển động trong tim và trong động mạch....mà có được từ sự xen kẽ giữa co và dãn.” Ông cũng như Galen và trích dẫn ông ấy:”Galen đã nói: Trong nhiều năm tôi nghi ngờ về nhận thức rõ chuyển động co bằng bắt mạch...”. Ông ấy đưa ra hai lý do tại sao cổ tay là nơi lý tưởng để bắt mạch là cổ tay dễ dàng sẵn có và bệnh nhân không bị đau khi bộc lộ. Ông đặc biệt nhấn mạnh trong thăm khám các bác sĩ cần thiết khám mạch và nhận diện mạch. Để chắc chắn nhận xét mạch đúng đắn bác sĩ cần ở tư thế tĩnh và yên lặng. Thêm vào đó chương bàn kỹ thuật bắt mạch và ảnh hưởng của mùa lên mạch, như bài viết Trung Hoa về chủ đề này: Nếu như mạch đi phù mạch sẽ rộng ít cao và dài...nếu như bàn tay ấn xuống mạch cao, dài và hẹp hơn.” Cũng như đối với mùa: mùa hè mạch nhanh và khẩn...trong mùa đông mạch từ tốn chậm rãi và yếu nên nhỏ [4].

machcoxua5

Xem mạch hồi giáo [4]

Avicenna nắm toàn bộ các chủ đề về mạch, ghi lại các ảnh hưởng đa dạng của các yếu tố khác nhau lên mạch đập: môi trường, thực phẩm, đồ uống, tuổi, luyện tập, mang thai, ngủ, đi bộ, đau, nhiệt độ, tình trạng cảm xúc: giận dữ, hài lòng, vui, buồn và sợ hãi. Ông là nhà thơ xuất sắc, đặc tính nhạc điệu của mạch không vượt khỏi tầm quan tâm của ông. Mạch và đặc điểm của nó trong lúc khỏe lúc bệnh chiếm giữ một vị trí ý nghĩa trong các bài viết của ông. Nhiều quan sát mạch của ông vẫn còn giá trị đúng đắn đến ngày nay.

Các bác sĩ Hồi giáo và Ả rập khác cũng đã viết khá phong phú về mạch, các học thuyết mạch của Galen được bổ sung và cải tiến bởi Al-Rhazes. Những gì cảm giác được nơi đầu ngón tay cần được miêu tả đầy đủ để xóa đi bóng tối về ý nghĩa và cơ sở vật chất để hiểu mạch đầy đủ hơn. Cũng giống như Ai cập, Trung Hoa, Hy lạp các bác sĩ Hồi giáo cũng khéo léo so sánh mạch với các vật tự nhiên và hoạt động của con người: như lá hành nhỏ, cứng bên trong.... đạn đá bắt ra từ nỏ đá...giọt nước...tiếng trống...chà xát khi đi qua…lỗ ống sáo... những chiếc lá thưa.

Các bài giảng của Ả rập về mạch đã trở nên các tác phẩm tham khảo tiêu chuẩn và chúng còn tồn tại đến ngày nay. Vào thời suy tàn văn minh Ả rập giữa thế kỷ 13, nhiều tác phẩm Ả rập được dịch sang tiếng Latin và các ngôn ngữ Âu châu khác. Quá trình này giúp sắp đặt nền móng cuối cùng cho khám phá hệ tuần hoàn, phát minh máy ghi mạch, một thiết bị cho nghiên cứu mạch chính thức thoát ly khỏi cảm giác bắt mạch chủ quan của người Thầy thuốc [4].

Tài liệu tham khảo:

  1. Acierno LJ. “Physical examination”, The History of Cardiology, London Parthenon Publishing Group,1994; pp: 447- 489
  2. Breasted JH. “The Edwin Smith Surgical Papyrus” Chicago, University of Chicago Press, 1930.
  3. Clendering L. “Source book of medical history”, New York, Dover Publications Inc, 1960.
  4. Hajar R. “The Greco- Iislamic pulse”, Heart Views , 1 (4), 1999: 136-40.
  5. Hajar R.  “The pulse in antiquity”, Heart Views, 1(3), 1999: 89-94.
  6. Longrigg J. “Medicine in the classical world” Western Medicine: An Illustrated History”, oxford university press, 2001; pp 25-39.
  7. Magner LN. “A history of medicine”, New York, Marcel Dekker Inc, 2005.
  8. McCall H. “Gilgamesh and the flood”, In: Mesopotamian Myths, London, British Museum Publications, 1990:45.
  9. Naqvi NH, Blaufox MD. “Blood Pressure Measurement”, an Illustarted history, London, Parthenon Publishing Group Ltd, 1998: 9-27.
  10. Nunn JF. “Ancient Egyptian medicine”, London, British Museum Press, 2002.
  11. Sigerist HE, “A history of medicine”, Primitive and archaic medicine. New York, Oxford Unuversity Press, 1951(1).
  12. Veith I. (trans). “The Yellow Emperor’s Classic of Internal Medicine”, Berkeley, Los Angeles, London. University of California Press, 2002.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 29 Tháng 1 2014 16:35

You are here Tin tức Y học thường thức Mạch học cổ xưa