Bs CK II Trần Giám
Mỗi năm cứ đến mùa hè bệnh nhân đến cắt Amygdale tại các bệnh viện từ tuyến huyện đến Tỉnh. Các tháng khác cũng có nhưng ít hơn. Cần nắm vững một số điều cần thiết. Vậy những điều cần thiết ấy là gì?
1. Định nghĩa:
Amygdale là tên gọi của các tổ chức bạch huyết nằm ở xung quanh vùng mũi sau và họng. Các tổ chức này được Waldeyer lần đầu tiên mô tả, gồm: Amygdale vòm (Luschka); Amygdale vòi(Gerlach); Amygdale khẩu cái; Amygdale lưỡi; Sau này Gillette có bổ sung thêm Amygdale ở thành sau họng(Amygdale Gillette).
Không khí và thức ăn đi qua hầu họng vào cơ thể thì vi khuẩn cũng đi theo vào và gây bệnh. Vì vậy ở xung quanh vùng này có vòng bạch huyết Waldeyer ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, bảo vệ cơ thể. Các tổ chức Amygdale này sản sinh ra bạch cầu và kháng thể, tham gia trực tiếp và gián tiếp vào việc chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên các tổ chức này phát triển ở mỗi độ tuổi khác nhau: Ở trẻ em Amygdale vòm (Vegetation Adenoide), gọi tắt là VA, tăng mạnh. Ở tuổi thanh thiếu niên, Amygdale khẩu cái gọi tắt là A, phát triển mạnh, sau đó giảm dần ở người trưởng thành và teo đi ở tuổi già.
Viêm amygdales là bệnh thông thường ở trẻ em, nhờ có bị viêm cơ thể mới làm tròn nhiệm vụ miễn dịch, trẻ nào không bị viêm, nhiệm vụ miễn dịch không hoàn thành, sau này rất dễ bị nhiễm trùng. Nhiệm vụ miễn dịch của Amygdale so với VA tuy có muộn nhưng kéo dài hơn và có tầm quan trọng hơn.
II. Lợi ích của Amygdales
Amygdales là hai khối tổ chức bạch huyết lớn nhất của vòng Waldeyer nên có vai trò rất lớn trong việc sản sinh ra các tế bào bạch cầu, trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn, không cho chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn và đường thở. Amygdales còn gián tiếp tham gia chống nhiễm khuẩn theo cơ chế miễn dịch. Ở trẻ nhi từ 6 tháng tuổi trở đi, khi kháng thể của mẹ truyền qua rau thai hết, thì các tổ chức bạch huyết thuộc vòng Waldeyer bắt đầu hoạt động để huấn luyện và làm trưởng thành hệ miễn dịch, đối phó với vi khuẩn.
Do đó, người ta khuyên không nên cắt Amygdales, nếu Amygdales bị viêm nên bảo tồn. Thật cần thiết lắm mới cắt, nếu cắt cơ thể sẽ giảm khả năng đề kháng với bệnh.
Vi khuẩn hay gặp là liên cầu bêta tan huyết nhóm A, có khả năng gây những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là vào thận, khớp, màng tim.
Khi amygdales bị viêm nhiễm nhưng vẫn còn chức năng bảo vệ thì bảo tồn. Nếu viêm nhiễm nhiều lần, gây biến chứng có hại cho cơ thể, thì phải cắt bỏ.
III. Phân loại:
Có 2 dạng là viêm Amygdales cấp và viêm amygdales mạn tính.
- Viêm amygdales cấp: Là tình trạng viêm xung huyết của amygdales khẩu cái, thường do vi khuẩn, vi rút gây ra. Bệnh hay gặp ở trẻ em và thiếu niên.
* Triệu chứng toàn thân:
Bệnh bắt đầu đột ngột với cảm giác rét hoặc gai rét, sốt 38 - 39 độ C, có thể 40 độ, người mệt mỏi, chán ăn.
* Triệu chứng cơ năng:
Cảm giác khô họng, rát và nóng ở vùng họng, vị trí của amygdales. Sau ít giờ chuyển thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng khi nuốt, khi ho.
- Thở khò khè, đêm ngáy to.
- Viêm có thể lan xuống thanh quản, khí quản, gây ho từng cơn, đau, có đờm nhầy, giọng nói khàn.
* Triệu chứng thưc thể:
- Lưỡi trắng miệng khô. Niêm mạc đỏ, A sưng to.
- Các tổ chức Lympho thành sau họng nề,đỏ. Phần lớn thể này do virút gây nên.
- Trên bề mặt amygdales có nhiều chấm mủ trắng, thường do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu gây nên.
.
- Viêm amygdales mạn tính:
Bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên do viêm amygdales nhiều lần. Quá trình này có thể làm cho amygdales to ra, đó là thể quá phát, hoặc ngược lại có thể làm cho amygdales nhỏ lại, đó là thể xơ teo. Thể xơ teo hay gây biến chứng.
* Triệu chứng toàn thân:
- Thường nghèo nàn ngoài những đợt tái phát, người bệnh thể trạng gầy, da xanh, chậm phát triển, hay sốt vặt.
* Triệu chứng cơ năng:
- Cảm giác nuốt vướng, có khi thở khó, nhất là thể quá phát.
- Ngứa rát họng, hơi thở có mùi hôi do chứa mủ trong hốc của amygdales .
- Ho khan hoặc từng cơn nhất là buổi sáng lúc ngủ dậy. Nói giọng mất âm sắc thỉnh thoảng khàn nhẹ.
* Triệu chứng thực thể:
- Thể quá phát: Khám họng, hai amygdales sưng to, có khi chạm nhau. Niêm mạc đỏ. Trong amygdales nhiều hốc mủ trắng. Thể này chia làm 3 loại:
- Amygdales có cuống: Kích thước lớn, sờ thấy mềm mại.
- Amygdales treo: To và phát triển xuống hố lưỡi thanh thiệt.
- Amygdales lẩn: Bị phần lớn trụ trước che, nhìn lẫn vào màn hầu.
+Thể xơ teo: Thể này thường gặp ở người lớn, amygdales nhỏ bề mặt gồ ghề, lỗ chỗ chằng chịt những xơ trắng có chấm mủ nhỏ, amygdales thường chắc, mất tính mềm mại, ấn vào amygdales có thể thấy mủ phọt ra giống hạt cơm, mùi thối.
IV. Biến chứng:
Viêm tấy quanh amygdales (áp xe quanh A), bệnh nhân sốt, nuốt đau, nói giọng ngậm hạt thị, amygdales bị khối mủ sưng đẩy lồi vào eo họng.
- Biến chứng gần: Viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới hàm, hạch thành bên họng.
Viêm thanh khí phế quản: bệnh nhân ho, khạc đờm, khàn tiếng, đau ngực.
- Biến chứng xa: Viêm nội tâm mạc, viêm thận, thấp khớp.
Nhiễm trùng huyết (ít khi): Vi trùng ở tổ chức A tung vào máu gây nên.
V. Điều trị
Có hai phương pháp điều trị là nội khoa và ngoại khoa.
*Viêm Amygdales cấp tính:
- Nằm nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng.
- Dùng thuốc giảm đau, hạ nhiệt.
- Kháng sinh: Khi viêm nặng hoặc đe doạ biến chứng.
- Nhỏ mũi bằng acgyrol, naphtazolin.
- Súc họng bằng các dung dịch kiềm nhẹ: Nước muối,Betidine súc họng.
*Viêm amygdales mạn tính:
- Dùng thuốc ít kết quả. Ngoại khoa cắt amygdales là cơ bản.
VI. Chỉ định cắt Amygdale.
Các sách bài giảng về TMH đưa ra chỉ định cắt Amygdale, Viện hàn lâm về TMH và PT Đầu cổ Hoa Kỳ (AAO – HNS) công bố chỉ định lâm sàng về PT như sau:
CĐ tuyệt đối:
- Amygdale phì đại gây tắc nghẽn đường hô hấp, đường ăn, rối loạn giấc ngủ, kèm theo các biến chứng tim mạch.
- Abces quanh Amygdale không đáp ứng với điều trị nội khoa và dẫn lưu ngoại khoa, trừ phi PT được tiến hành trong giai đoạn cấp tính của bệnh.
- Viêm Amygdale gây biến chứng sốt cao co giật.
*CĐ tương đối:
- Amygdale cần sinh thiết để xác định GPB.
- Viêm Amygdale từ 5 đợt trở lên mỗi năm dù đã được điều trị nội đầy đủ.
- Viêm Amygdale mạn tính không đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Viêm Amygdale mạn hoặc tái phát trên một bệnh nhân mang mầm bệnh Streptococus không đáp ứng với kháng sinh kháng beta-lactame.
- Phì đại Amygdale một bên nghi ngờ có khối u tân sinh.
- Amygdale phì đại.
*Chống chỉ định:
- Nguy cơ cao khi gây mê hoặc bệnh nội khoa không được kiểm soát tốt.
- Bệnh nhân có bệnh về máu: Suy tuỷ, bệnh máu trắng, bệnh ưa chảy máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu.
- Bệnh nhân có bệnh mạn tính: Hen, suy tim, lao, đái đường...
- Bệnh nhân có bệnh cấp tính, Nhiễm trùng cấp tính: Viêm A cấp, áp-xe, thấp tim tiến triển...
- Bệnh nhân có sức đề kháng kém: Quá trẻ hoặc quá già (<10t; >50t). Bệnh nhân suy giảm miễn dịch(AIDS), suy dinh dưỡng...
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, chửa đẻ, cho con bú.
- Địa phương đang có dịch.
VII. Chuẩn bị để cắt amygdales:
- 3 ngày trước khi cắt amygdales, uống kháng sinh và vitamin K là tốt nhất.
- Tối hôm trước, ăn uống đầy đủ, 10giờ đêm có thể ăn thêm bữa phụ và uống an thần để ngủ ngon không ảnh hưởng sức khoẻ hôm sau.
- Buổi sáng hôm cắt phải nhịn ăn, uống.
- Có người nhà chăm sóc đi cùng.
VIII. Phương pháp cắt:
- Cắt Amygdales với gây mê: Gây mê nội khí quản, bệnh nhân tư thế nằm.
Phương pháp này an toàn nhất, đang áp dụng rộng rãi, tuy nhiên tốn thời gian và kinh phí nhiều so với các phương pháp khác. Sau cắt bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc mê.
- Bệnh viện tuyến huyện và còn một số tuyến Tỉnh áp dụng cắt amygdales truyền thống (tiền mê + gây tê tại chỗ, tư thế ngồi).
- Bệnh viện tuyến trung ương và một số tuyến tỉnh cắt amygdales gây mê tư thế nằm.
IX.Theo dõi và chăm sóc sau cắt amygdales:
- Sau cắt bệnh nhân về giường nằm nghiêng đầu, ở phòng hồi tĩnh để khăn giấy trắng dưới miệng, bệnh nhân không được nuốt, phải đùn nước bọt ra, để BS theo dõi chảy máu. Khi nước bọt trong(không lẫn máu) 30 phút, thì được nuốt vì nước bọt cần cho tiêu hoá.
- Lấy mạch nhiệt độ, huyết áp 30 phút/lần. Nếu nhịp tim tăng lên 10 nhịp/ 1 phút là có chảy máu, phải báo ngay BS phẫu thuật để xử trí.
- Dùng thuốc giảm đau, kháng sinh sau mổ.
- Chế độ ăn uống: 2 ngày đầu uống sữa lạnh, 2 ngày kế ăn cháo lỏng để nguội, 2 ngày sau nữa ăn cơm nhão (có rau, thịt băm, canh), 2 ngày kế ăn cơm thường nhưng để nguội.
- Sau 10 ngày bệnh nhân trở lại như bình thường.
- Sau cắt amygdales, hốc mổ có phủ một lớp màng trắng giống như mủ gọi là giả mạc. Ngày thứ 7-10, giả mạc bong đi có thể chảy ít máu, không đáng ngại, nếu chảy nhiều, đỏ tươi phải vào viện.
- Kiêng ăn uống các chất chua, cay, rắn, nóng, nước có ga, chất kích thích.
- Kiêng nói 5 ngày. Tránh lao động nặng 1 tuần sau cắt.
XI. Biến chứng:
- Chảy máu: Biến chứng hay gặp nhất, cần báo BS phẫu thuật xử trí ngay, tránh mất máu nhiều.
- Đau: Không đáng ngại, dùng thuốc giảm đau.
- Nhiễm trùng hố mổ: Bệnh nhân sốt cao, ho, đau họng. Dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao.
- Đối với bệnh nhân có sốt nên điều trị hết sốt, không nên cắt nóng vì biến chứng nhiều.
- Cần theo dõi kỹ trẻ em dễ sốt cao xanh tím.