Bs Nguyễn Tấn Thương -
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường có tiên lượng rất xấu. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi, viêm phế quản…Khi có triệu chứng lâm sàng như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực, sụt cân…thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, việc điêu trị trở nên rất khó khăn.
Số liệu Globocan 2020 cho thấy, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu với tỷ lệ 18%. Tiên lượng bệnh tùy theo kích thước tổn thương khi phát hiện với tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ 15-18%, tỷ lệ này tăng lên 70-80% khi tổn thương được phát hiện và phẫu thuật sớm.
Theo kết quả của thử nghiệm lâm sàng về tầm soát ung thư phổi quốc gia Hoa Kỳ giai đoạn 2002-2009, cắt lớp vi tính ngực liều thấp tầm soát ung thư phổi đã giảm được 20,3% tỷ lệ tử vong do ung thư so với tầm soát bằng X quang. Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp cũng đã được chứng minh là đảm bảo chất lượng hình ảnh để chẩn đoán khi giảm > 50% liều chiếu xạ cho bệnh nhân. Chính vì vậy, từ đầu thập niên 90, tất cả các nghiên cứu lớn về ung thư phổi ở Mỹ, Nhật, Canada và các nước châu Âu…đều lựa chọn cắt lớp vi tính liều thấp làm phương tiện sàng lọc vì độ nhạy, độ chính xác và không xâm lấn. Việc sinh thiết nốt phổi để xác định bản chất mô học và khẳng định chẩn đoán ung thư phổi là rất cần thiết, nhưng lại là một kỹ thuật xâm lấn và rất khó thực hiện, vậy nên các đặc điểm hình ảnh của tổn thương trên cắt lớp vi tính đã được phân tích triệt để nhằm phân loại và sàng lọc các nốt phổi cần sinh thiết, đồng thời hướng dẫn thủ thuật sinh thiết, lấy mẫu mô qua thành ngực.
Minh họa hình ảnh giảm liều trên máy đa lát cắt
Trên thế giới, hiện có rất nhiều hệ thống phân loại và khuyến cáo chiến lược quản lý nốt phổi đang được ứng dụng như Lung RADS 2019 của Hiệp hội điện quang Hoa Kỳ (ACR), Fleischner 2017 (Châu Âu), NCCN 2018 của mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ, BTS 2015 của Hội lồng ngực Anh và JSCTS 2013 của Hội tầm soát ung thư bằng cắt lớp vi tính Nhật Bản. Chiến lược sàng lọc và quản lý nốt phổi được xem là lý tưởng khi có thể xác định nốt nghi ngờ ung thư phổi càng sớm càng tốt để tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời khuyến cáo theo dõi phù hợp nhằm không bỏ sót nốt ác tính và hạn chế can thiệp quá mức đối với các tổn thương lành tính. Được ứng dụng khá phổ biến hiện nay trên thế giới là bảng phân loại của Lung-RADS 2019 với rất nhiều ưu điểm và giá trị.
Ở Việt Nam, năm 2020 đã có công bố đầu tiên về sàng lọc ung thư phổi bằng cắt lớp vi tính ngực liều thấp ở người có yếu tố nguy cơ trên 60 tuổi. Tuy nhiên, việc tầm soát các nốt phổi ác tính chưa được áp dụng một cách hệ thống, việc quản lý các nốt phổi vẫn chưa được thống nhất theo một hướng dẫn phân loại cụ thể, việc ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp trong công tác sàng lọc và chẩn đoán ung thư phổi sớm cũng chưa được áp dụng rộng rãi.
Các yếu tố nguy cơ ung thư phổi :
* Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi phải kể đến đầu tiên là hút thuốc lá, đặc biệt là bệnh nhân nam giới > 50 tuổi và hút thuốc lá ≥ 30 gói năm. Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi khác như phơi nhiễm asbestos, bức xạ radon, hút thuốc lá thụ động, hay có tiền sử u nguyên phát ngoài phổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 80% ung thư biểu mô phổi, thường là dạng vảy hoặc loại tế bào nhỏ. Vai trò sinh ung thư của thuốc lá đã được nhiều công trình khẳng định, nguy cơ ung thư phổi tăng lên ở người hút thuốc lá nhiều, hút từ tuổi trẻ, thời gian hút kéo dài và không bỏ thuốc. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn 10-15 lần người không nghiện thuốc lá .
* Ngoài thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính, các yếu tố từ môi trường như chất thải công nghiệp (naphtathy lamin, Hydrocarbon đa vòng thơm, hắc ín bay hơi); các chất bụi như Amiant, Berylli hoặc các chất như Niken, Crom, thạch tín…cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Y văn thế giới cũng đã xác nhận, bức xạ ion hóa có thể gây ung thư ở hầu như tất cả các cơ quan trong đó có ung thư phổi .
* Tuổi bệnh nhân và kích thước nốt phổi cũng được nhiều khuyến cáo đề cập đến như là các yếu tố nguy cơ chính.
- Theo khuyến cáo của lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa kỳ (USPSTF) những người nên tầm soát ung thư phổi bao gồm:
- Người từ 55-80 tuổi
- Người có tiền sử hút thuốc lá nhiều (30 gói/năm).
- Người từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngừng hút trên 15 năm.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, sống trong môi trường ô nhiễm, nhiễm xạ
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi.
Chụp cắt lớp vi tính là một kỹ thuật đã trở nên không thể thay thế được trong chẩn đoán các bệnh lý lồng ngực, được chỉ định rất rộng rãi trong chẩn đoán cũng như theo dõi các bệnh lý hô hấp. Riêng tầm soát ung thư phổi và một số bệnh lý như giãn phế quản, phế nang…thì được chỉ định chụp CLVT ngực liều thấp chứ không chỉ định liều thường quy Các lớp cắt dày, mỏng tùy bệnh lý và tùy cấu trúc cần nghiên cứu, có thể từ 1mm, 5mm hay 10mm. Nhu mô phổi nằm ở vùng tỉ trọng khoảng -800 HU, trung thất hay phần mềm, khu trú ở tỉ trọng trung bình của các cấu trúc trung thất và thành ngực, khoảng 0-40 HU.
Phổi là một vùng giải phẫu mà việc giảm đáng kể liều bức xạ trên CLVT có thể áp dụng được, với tiêu chí là giảm chất lượng hình ảnh nhưng không mất đi giá trị chẩn đoán. Khí trong phổi hấp thụ tia X rất ít, ngay cả mỡ trung thất vẫn có thể có được tỷ trọng tự nhiên khi sử dụng liều thấp. Theo hai nghiên cứu lớn là NLST và NELSON, ngưỡng liều hiệu dụng (Effective dose) bình quân của CLVT ngực liều thấp cho người bình thường là 1,2-1,6 mSv (Effective dose = DLP x k với k = 0.014 mSv). Theo NCCN 2018, ngưỡng liều thấp được khuyến cáo là 1,5 mSv và tối đa là ≤ 3mSv với người có BMI ≤ 30kg/m2.
Từ đầu những năm 90, liều thấp được áp dụng vào trong kỹ thuật chụp xoắn ốc nhằm giảm tải cho bóng, sau đó được ứng dụng trong tầm soát ung thư phổi. Liều thấp cũng được chứng minh rằng đủ khả năng phát hiện các bẫy ảnh về không khí và để thực hiện nội soi ảo hay tái tạo theo thể tích.
Với máy CLVT hiện đại, một lần chụp CLVT ngực tiêu chuẩn nếu được thực hiện đầy đủ thì liều bức xạ phát ra khoảng 7mSv, trong khi đó, quy trình chụp CLVT ngực liều thấp chỉ sử dụng khoảng 0,5-1mSv.
Bệnh viện đa khoa Quảng Nam ứng dụng máy CT đa dãy của hãng GE-Mỹ vào thăm khám nhằm khảo sát chi tiết, chính xác các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt chụp sàng lọc ung thư phổi liều thấp, u trung thất và bệnh lý mô kẻ phổi…hạn chế tối đa ảnh hưởng của tia X đến bệnh nhân.
- 12/12/2023 19:29 - Xử trí nấc cụt
- 06/12/2023 21:11 - Phục hồi chức năng trong điều trị viêm khớp dạng t…
- 13/11/2023 13:22 - Cơ sở lý thuyết và các bằng chứng về các can thiệp…
- 09/11/2023 16:23 - Viêm quanh khớp vai
- 11/10/2023 16:37 - Hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới 2023
- 04/10/2023 10:10 - Protein trong nước tiểu - ý nghĩa trong chẩn đoán …
- 04/10/2023 10:07 - Bệnh đậu mùa khỉ
- 02/10/2023 17:43 - Bạn có thể làm gì để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi …
- 29/09/2023 17:23 - Các bước sử dụng máy đo huyết áp điện tử cho kết q…
- 29/09/2023 17:17 - Trích yếu một số nội dung về hoàn thuế thu nhập cá…