• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Sốt xuất huyết và thai kỳ

  • PDF.

BS Thái Thị Phương Oanh - 

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây ra. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

sotxuathuyetthai

 Ngăn ngừa sốt xuất huyết trong thai kỳ ( nguồn: Internet)

2. Bệnh xảy ra ở đâu?

Sốt xuất huyết chủ yếu lây truyền qua muỗi Aedes aegypti và thường phân bố ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Dịch bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra bất cứ khi nào. Tuy nhiên, độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của muỗi, làm tăng khả năng lây truyền bệnh. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.

3. Các triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt xuất huyết nặng là gì?

3.1. Sốt xuất huyết: Triệu chứng thường gặp nhất là sốt cao, có thể đi kèm với bất kỳ triệu chứng sau:

  • Buồn nôn, nôn
  • Phát ban
  • Đau nhức (đau mắt, điển hình là đau sau hốc mắt, cơ, xương khớp)
  • Bất kỳ dấu hiệu cảnh báo

3.2. Sốt xuất huyết nặng: Khoảng 1 trong 20 người mắc sốt xuất huyết sẽ bị sốt xuất huyết nặng. Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến sốc, xuất huyết nội và thậm chí tử vong. Bạn có nhiều khả năng bị sốt xuất huyết nặng nếu bạn bị nhiễm sốt xuất huyết trước đó. Trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng cao hơn. Các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết nặng:

  • Đau bụng
  • Nôn nhiều
  • Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng
  • Nôn ra máu, hoặc đi tiêu ra máu
  • Cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn hoặc cáu gắt.

4. Sốt xuất huyết và thai kỳ

Sốt xuất huyết không dẫn đến dị tật, bất thường ở thai nhi, nhưng có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh non hoặc các biến chứng sức khỏe khác ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, virus này còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh và có thể cần phải mổ lấy thai.

Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng rất khó lường và trở nặng nhanh chóng. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết bắt đầu là dấu hiệu sốt cao liên miên từ 4-7 ngày, thai phụ sẽ cảm thấy đau nhức đầu dữ dội, đau các khớp cơ, buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn. Tuy nhiên đây mới chỉ là những triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, thai phụ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể kèm theo đau bụng, đại tiện ra phân đen, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc,… lúc này cơ thể thai phụ đã giảm tiểu cầu đến mức xuất huyết.

Triệu chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốc. Thân nhiệt của thai phụ tụt xuống dưới 35 độ C, cơ thể chảy máu ồ ạt, huyết áp tụt xuống nhanh chóng. Mất máu quá nhiều, huyết tương tăng nhanh khiến cho phổi bị tràn màng dịch, cơ thể người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê do não phù, nguy hiểm tới tính mạng.

Sốt xuất huyết ở thai phụ có thể sinh ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu…Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ đe dọa đến tính mạng cho cả thai phụ và thai nhi, có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… Trẻ sơ sinh cũng có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí kéo dài vài tuần sau sinh nếu sinh ra từ bà mẹ bị tiểu cầu thấp do sốt xuất huyết

5. Chăm sóc phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết

Thai phụ có khả năng miễn dịch thấp, do đó, trong giai đoạn cao điểm của sốt xuất huyết, thai phụ và người thân nên tránh đi du lịch đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao.

Nếu thai phụ có tiếp xúc với người sốt xuất huyết, có dấu hiệu bệnh, cần được chăm sóc y tế đúng cách. Đặc biệt là những thai phụ gần đến ngày dự sinh hoặc ngay sau khi sinh, vì đây là các đối tượng có nguy cơ cao nhất và cần được theo dõi chặt chẽ.

Phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết cần được bổ sung nước, hạ sốt hợp lý, nghỉ ngơi và bồi bổ và được các bác sĩ theo dõi liên tục, thận trọng.

Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ bị sốt xuất huyết cần tăng lượng chất lỏng, cùng với các loại muối thiết yếu có vai trò quan trọng trong cơ thể. Mẹ bầu có thể uống nước dừa, oresol, nước trái cây, thức ăn nấu với nước uống sạch, ít nhất 3 lít mỗi ngày. Dinh dưỡng cũng giúp cân bằng lượng chất lỏng trong phôi thai để chăm sóc em bé.

Các triệu chứng sốt xuất huyết trong suốt thai kỳ không khác so với người bình thường, nhưng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này có thể tăng lên ở phụ nữ có thai. Do đó, thai phụ cần được nhân viên y tế chăm sóc và theo dõi liên tục. Để an toàn cho cả mẹ và thai nhi, thuốc hạ sốt cần phải đúng liệu lượng theo chỉ định của bác sĩ

Trẻ sơ sinh có mẹ được chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết giai đoạn trước sinh hoặc khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ để hạn chế nguy cơ lây truyền.

Theo các chuyên gia, nguy cơ lây truyền virus sốt xuất huyết từ mẹ sang con qua sữa mẹ là không đáng kể, do đó nếu mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết vẫn có thể duy trì việc cho con bú. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, sữa mẹ, đặc biệt là sữa non có các kháng thể giúp trẻ sơ sinh miễn nhiễm với bệnh nhiễm trùng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng, sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể giúp bảo vệ trẻ, ngăn ngừa mất nước và duy trì tình cảm ở trẻ.

6. Phòng bệnh sốt xuất huyết

Phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để mẹ bầu tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Dưới đây là một số cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Tài liệu tham khảo

  1. Quyết định 3705/QĐ-BYT 2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue.
  2. Tiffany Ayuda, Dengue Fever during Pregnancy, Medical Reviewed by Jacqueline Dela Mercied, MD Ob-Gy, 9/.2021.
  3. https://www.who.int/news-room/q-a-detail/dengue-and-severe-dengue
  4. https://www.cdc.gov/dengue/symptoms/index.html#anchor_1555426819180

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 27 Tháng 7 2022 16:06

You are here Tin tức Y học thường thức Sốt xuất huyết và thai kỳ